e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Chính sách

Từ 19/4, thay đổi cơ chế, quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

12:07 | 21/04/2022 Print
Cụ thể, cơ chế, quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được thay đổi theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, ngày 19/4/2022.

Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, ngày 19/4/2022 quy định cơ chế, quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nghị định này quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về: Lập và giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm và hằng năm; Huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; Cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; Cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; Tổ chức quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia; Giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia.

Từ 19/4, thay đổi cơ chế, quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia có sự tham gia của cộng đồng phải đảm bảo 2 nguyên tắc. Ảnh minh họa

Lập kế hoạch phải có sự tham gia của người dân

Theo đó, các dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp được tổ chức thực hiện theo cơ chế đặc thù phải có sự tham gia của người dân trong quá trình lập hồ sơ, tổ chức thi công xây dựng, bảo trì công trình. Đối với dự án thực hiện trên địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn, ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% tổng mức đầu tư.

Yêu cầu về lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia có sự tham gia của cộng đồng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

(i) Quá trình lập kế hoạch được thực hiện công khai, minh bạch đảm bảo phát huy dân chủ tại cơ sở, bình đẳng giới và có sự tham gia của chính quyền, đại diện các tổ chức đoàn thể, đại diện cộng đồng dân cư cư trú trên địa bàn cấp xã.

(ii) Cộng đồng dân cư được đề xuất và tham gia ý kiến vào kế hoạch thực hiện nội dung, hoạt động, dự án đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa bàn cấp xã.

Trình tự lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia có sự tham gia của cộng đồng phải diễn ra các bước. Trước hết, căn cứ hướng dẫn và thông báo dự kiến vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của cấp huyện, UBND cấp xã thông báo rộng rãi tới cộng đồng dân cư tại thôn, bản, ấp, khóm, sóc và tương đương (được gọi là thôn) và các tổ chức đoàn thể, các bên có liên quan về mục tiêu, dự kiến các hoạt động, hình thức hỗ trợ và nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa bàn xã.

Tiếp đó, UBND cấp xã hướng dẫn các Ban phát triển thôn tổ chức họp cộng đồng dân cư để thống nhất nội dung đề xuất nhu cầu thực hiện các hoạt động thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.

Ban phát triển thôn rà soát, tổng hợp nhu cầu của cộng đồng dân cư gửi UBND cấp xã.

UBNDcấp xã tổ chức họp với Ban phát triển thôn, các tổ chức đoàn thể để thảo luận, thống nhất về các nội dung, hoạt động đưa vào kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã, làm rõ các khoản đóng góp, khả năng tham gia của cộng đồng dân cư.

Cuối cùng, UBND cấp xã hoàn thiện kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cấp xã trình Hội đồng nhân dân cấp xã phê duyệt trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm sau cấp xã, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp.

Lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Nghị định số 27/2022/NĐ-CP cũng quy định rõ việc huy động và sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nghị định nêu rõ, vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm và được cân đối, bố trí trong kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách hằng năm theo từng nguồn vốn.

Chương trình MTQG có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vốn chiếm 14,7% dân số cả nước. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với đồng bào sinh sống tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, một quyết sách mang tính lịch sử, cách mạng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chương trình được ban hành nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế trong giai đoạn vừa qua, bố trí nguồn lực đủ mạnh, tập trung đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở phát huy thế mạnh và nội lực của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Với số vốn 137.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất cho những địa bàn khó khăn nhất, của những dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, đáp ứng mong mỏi của nhân dân cũng như đồng bào các dân tộc thiểu sổ.

Nguyên tắc phân bổ và giao vốn nguồn ngân sách trung ương cho các cơ quan chủ quản chương trình phải tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Phù hợp tiến độ thực hiện kế hoạch giai đoạn 5 năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Trên cơ sở kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu được cấp có thẩm quyền giao, kết quả huy động vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, kết quả giải ngân vốn năm thực hiện.

Phân bổ vốn ngân sách nhà nước tại địa phương thực hiện theo quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.

Nghị định cũng nêu rõ nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, lồng ghép nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động, nội dung có cùng mục tiêu và trên cùng một địa bàn cấp xã, cấp huyện.

Đảm bảo không làm thay đổi các mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình, dự án; giảm thiểu chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung; tránh dàn trải, lãng phí trong sử dụng vốn.

Quá trình lồng ghép phải được thực hiện đồng bộ từ khâu xây dựng chính sách, lập kế hoạch, phân bổ, giao dự toán ngân sách và sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn vốn.

Tập trung lồng ghép các nguồn vốn thực hiện nội dung, hoạt động trên địa bàn các huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Xác định rõ tỷ lệ huy động, đóng góp vốn từng chương trình, dự án được lồng ghép; thống nhất định mức chi theo từng nội dung, hoạt động được lồng ghép; thống nhất quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán vốn lồng ghép phù hợp với thực tế tại địa phương.

Phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp trong thực hiện hoạt động lồng ghép.

Huy động vốn đóng góp trên tinh thần tự nguyện

Nghị định quy định huy động tối đa nguồn vốn tín dụng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia thông qua các chính sách tín dụng cho từng đối tượng, nội dung thuộc phạm vi đầu tư từng chương trình mục tiêu quốc gia. Cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Căn cứ các chính sách tín dụng của Nhà nước, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định quy mô, bố trí ngân sách địa phương thực hiện chính sách tín dụng, hỗ trợ tín dụng cho từng đối tượng, lĩnh vực, nội dung, hoạt động thuộc từng chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương và quy định của pháp luật về quản lý vốn tín dụng chính sách.

Sử dụng nguồn vốn tín dụng thực hiện theo quy định của từng chính sách tín dụng và các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng; khuyến khích cho vay ủy thác qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về việc huy động và sử dụng nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cụ thể, huy động, thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

Huy động nguồn đóng góp tự nguyện của người dân (bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động), doanh nghiệp, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo sự tham gia đóng góp phải trên tinh thần tự nguyện, công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.

Nghị định quy định rõ vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thông qua các chính sách thu hút đầu tư được sử dụng theo quy định của pháp luật đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Đóng góp (bằng tiền hoặc hiện vật) của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện phân bổ, sử dụng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Đóng góp tự nguyện (bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động) của cộng đồng dân cư tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia do cộng đồng dân cư trực tiếp quản lý, sử dụng./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư