e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Tập huấn cho tối thiểu 10.000 cán bộ chuyển đổi số ngay trong năm 2022

17:36 | 27/04/2022 Print
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho tối thiểu 10.000 cán bộ chuyển đổi số ngay trong năm 2022 để giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn lực phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số.

NHIỀU ĐIỂM NGHẼN TRONG TRIỂN KHAI CHUYỂN ĐỔI SỐ

Thời gian qua, việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng về việc phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đạt nhiều kết quả tích cực: hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng được nhu cầu; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm hoàn thành, từng bước được khai thác, sử dụng hiệu quả; việc trao đổi văn bản điện tử đã đi vào nền nếp; nhiều dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử được cải thiện; nhận thức về chuyển đổi số được nâng cao, thể hiện rõ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại trong triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, trong chuyển đổi số quốc gia như: hạ tầng kỹ thuật chưa được tối ưu hóa và vận hành chuyên nghiệp, chưa có khả năng linh hoạt đáp ứng yêu cầu mới phát sinh; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến thấp; hoạt động của cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều công đoạn thủ công, dựa trên giấy tờ theo cách truyền thống; xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử tuy có cải thiện nhưng mới ở mức trung bình trong khu vực; chuyển đổi số chưa có nhiều kết quả đột phá.

Tập huấn cho tối thiểu 10.000 cán bộ chuyển đổi số ngay trong năm 2022
Bộ Thông tin và Truyền thông tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đối tượng là lãnh đạo đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin, ngày 6/4/2022

Một trong những “điểm nghẽn” quan trọng cần tập trung tháo gỡ để phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số là vấn đề chia sẻ dữ liệu, nên người dân vẫn phải khai báo, cung cấp dữ liệu nhiều lần, nhất là khi thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, công tác phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số và kinh phí chi cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số chưa thực sự được quan tâm.

BỒI DƯỠNG, TẬP HUẤN CHO TỐI THIỂU 10.000 CÁN BỘ

Để tiếp tục phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, tại Chỉ thị số 2/CT-TTg về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ.

Cụ thể là, phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân việc tăng cường quản lý đầu tư bảo đảm hiệu quả, an toàn thông tin. Trước tháng 6, triển khai Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) thiết thực, hiệu quả, bền vững.

Thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn theo thẩm quyền và theo kế hoạch hàng năm.

Triển khai hoặc thí điểm triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, tỉnh. Từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Hoàn thành việc này vào tháng 12/2022.

Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị hạ tầng để kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trước hết là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, giáo dục và an sinh xã hội theo tiến độ được giao.

Định kỳ hàng năm thực hiện đo lường, đánh giá, công bố xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số đối với các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu cho Chính phủ danh sách nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm tiếp theo để phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số, cải thiện xếp hạng quốc gia.

Điều phối, giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến kết nối, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Có giải pháp khuyến khích, thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ chữ ký số từ xa để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát tình hình sử dụng ngân sách nhà nước cho Chính phủ số, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và kiến nghị, đề xuất định hướng lớn về phân bổ kinh phí trong năm tiếp theo.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho tối thiểu 10.000 cán bộ chuyển đổi số ngay trong năm 2022 để giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn lực phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số. Thúc đẩy đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số.

Đẩy mạnh việc phát triển và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trong nước sản xuất thông qua Chương trình sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin Make in Viet Nam, tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, đề xuất nhân rộng. Định kỳ hàng năm đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số đối tại các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính theo hướng ứng dụng công nghệ số./.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư