Nâng cao năng lực chống chịu của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh dịch Covid-19

09:00 | 01/05/2022 Print
Với quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính yếu, thiếu khả năng tiếp cận công nghệ do khó khăn về vốn và chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản trị chưa được chú trọng, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) còn nhiều hạn chế về tiềm lực và khả năng chống chịu. Những tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã khiến các doanh nghiệp này càng bộc lộ những điểm yếu, năng lực chống chịu bị suy giảm đáng kể, sức lực bị bào mòn, nhiều doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường. Vì vậy, cần có giải pháp nâng cao năng lực chống chịu của khu vực này để thích ứng tốt hơn với những “cú sốc” của nền kinh tế.

THỰC TRẠNG KHÓ KHĂN CỦA DNNVV TRONG BỐI CẢNH DỊCH COVID-19 KÉO DÀI

Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng

Thời gian qua, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, đặc biệt là sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách liên tiếp từ quý III/2021 tại các tỉnh, thành phố, trung tâm kinh tế lớn khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề. Sức chống chịu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV (vốn chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam) càng bị suy giảm, thể hiện qua bức tranh về số doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường.

Nâng cao năng lực chống chịu của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh dịch Covid-19
DNNVV với các đặc điểm cố hữu là quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu và những hạn chế trong tiếp cận công nghệ... (Ảnh minh họa).

Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, trong 10 tháng năm 2021, có 93.716 doanh nghiệp thành lập mới và 35.339 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm lần lượt 15,7% và 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái; số vốn đăng ký thành lập đạt 1.304.370 tỷ đồng, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2021 đạt 13,9 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 14/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, có 97.089 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có: 48.487 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020; 34.994 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2020; 13.608 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tính riêng trong quý III/2021, số lượng doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 18.400 doanh nghiệp, mức thấp nhất trong giai đoạn quý III kể từ năm 2015, giảm 51,3% so với Quý II/2021và giảm 50,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân sức chống chịu của doanh nghiệp suy giảm

DNNVV với các đặc điểm cố hữu là quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu và những hạn chế trong tiếp cận công nghệ, quản trị doanh nghiệp cũng như thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao... dẫn đến việc sức chống chịu bị suy giảm mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Phân tích kỹ hơn về sự suy giảm này, có thể nhận thấy một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp suy giảm sức khỏe tài chính - thiếu hụt dòng tiền. Các báo cáo nghiên cứu được công bố gần đây đã cho thấy những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tới khu vực doanh nghiệp. Cụ thể, báo cáo “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh giai đoạn Covid-19 lần thứ 4” của Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã chỉ rõ, do các đợt giãn cách liên tục và kéo dài ở TP. Hồ Chí Minh đã bẻ gãy liên kết kinh tế giữa Thành phố với vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp và gây tổn thất cho nông dân cùng các cơ sở sơ chế trung gian. Các tổn thất này đã đẩy doanh nghiệp vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả nợ và lãi vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản (Diệp Diệp, 2021).

Khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Báo điện tử VnExpress thực hiện trong tháng 8/2021 với 21.500 doanh nghiệp cho thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền. Trong đó, khó khăn tài chính lớn nhất, mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt, là trả tiền lương cho người lao động; tiếp đến là trả lãi vay cho ngân hàng, trả tiền thuê đất, kho bãi, nhà xưởng, văn phòng cho khu vực tư nhân, đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, trả nợ gốc cho ngân hàng, thanh toán tiền điện, nước, nhiên liệu đầu vào, chi phí xét nghiệm Covid-19 và các khoản chi khác theo yêu cầu chống dịch.

Thứ hai, thiếu hụt lao động. Tổng cục Thống kê (2021) đánh giá, thiếu hụt lao động không còn là nguy cơ, mà đã tác động trực tiếp, làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Theo khảo sát của cơ quan này tại 22.000 doanh nghiệp, gần 18% cho biết thiếu hụt lao động. Tình trạng khan hiếm lao động ghi nhận nhiều nhất ở vùng Đông Nam Bộ với 30,6%. Một số ngành khát nhân lực, như: sản xuất da và các sản phẩm liên quan gần 52%; sản xuất trang phục 49%; thiết bị điện 44%; dệt 39,5%; điện tử, máy tính, sản phẩm quang học 5,6%.

Các doanh nghiệp trong ngành điện tử, gỗ... cho biết đang có nhiều đơn hàng, nhưng gặp khó khăn do thiếu lao động. Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, điện tử là lĩnh vực bị thiếu hụt lao động nhiều nhất, đặc biệt là ở khu vực phía Nam, khi tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc thấp. Nhóm ngành dệt may, da giày, DNNVV cũng xác định nguy cơ thiếu nhân công khi sản xuất phục hồi hoàn toàn.

Thứ ba, khả năng tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số còn hạn chế. Đa phần các DNNVV có nguồn vốn nhỏ, năng lực tài chính yếu do không có tài sản hoặc ít tài sản thế chấp, trong khi các thiết bị công nghệ, giải pháp chuyển đổi số chuyên nghiệp và hiệu quả có chi phí rất lớn. Bên cạnh đó, việc thiếu nhân lực được đào tạo bài bản, thiếu tư vấn cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, không có đủ nguồn lực để đầu tư cho chuyển đổi số. Ngoài ra, đa phần các DNNVV phải tập trung kinh doanh với mục đích tồn tại, họ có rất ít thời gian để tập trung vào việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Thứ tư, đứt gãy chuỗi cung ứng. Đại dịch Covid-19 kéo dài trong năm 2021 đã khiến chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam bị đứt gãy nghiêm trọng, thị trường suy giảm, thậm chí đóng băng do hệ thống phân phối và bán lẻ ngưng hoạt động. Ngoài ra, các vấn đề khác, như: chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn; chi phí và thời gian vận tải tàu biển tăng; thời gian bốc dỡ hàng hóa kéo dài; thiếu hụt dịch vụ hải quan, kho bãi; thiếu phương tiện và người vận chuyển hai chiều từ các khu công nghiệp và cảng biển; thiếu dịch vụ tư và dịch vụ công càng làm tình hình thêm trầm trọng. Hệ thống cung ứng vật tư, thiết bị đầu vào cho sản xuất hàng hóa cũng bị tổn hại nghiêm trọng. Vật tư khan hiếm do chuỗi cung ứng nguyên nhiên vật liệu đứt gãy từ đầu vào nhập khẩu, nguyên vật liệu nhập khẩu hạn chế.

Thứ năm, rủi ro về thị trường do sự thay đổi thị hiếu của khách hàng. Đại dịch Covid-19 đã thay đổi người tiêu dùng toàn cầu - từ quan điểm về giá trị, hành vi, cho tới cách thức tiêu dùng. Do đó, những thay đổi này chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

GIẢI PHÁP NÂNG CAO SỨC CHỐNG CHỊU CỦA DOANH NGHIỆP

Thực tế cho thấy, khủng hoảng là thách thức, nhưng cũng có thể là cơ hội, là động lực để doanh nghiệp thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Những doanh nghiệp thích ứng tốt, chấp nhận đổi mới để thích nghi ngay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ, bởi đây là lúc để doanh nghiệp triển khai các ý tưởng, nắm bắt thời cơ tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Để nâng cao sức chống chịu, cũng như khả năng thích ứng trong tình hình dịch bệnh hiện nay nói riêng và trong điều kiện nền kinh tế có nhiều biến động tiêu cực nói chung, cần xem xét một số giải pháp, cụ thể như sau:

Về phía doanh nghiệp

Trong ngắn hạn

Một là, giải quyết ngay những vấn đề phát sinh đột xuất, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ, thiết lập đội phản ứng nhanh để xử lý các vấn đề bất thường phát sinh về an toàn lao động, nguồn cung ứng, nguyên liệu sản xuất. Cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết và theo dõi chặt chẽ công nợ. Xem xét hoãn lại các kế hoạch mua sắm tài sản và lựa chọn các giải pháp thay thế, như: đi thuê tài sản để duy trì lượng tiền mặt dự phòng đủ lớn.

Hai là, đảm bảo hiệu quả hoạt động và dòng tiền của doanh nghiệp. Rà soát lại danh mục đầu tư và bán hoặc thoái vốn phù hợp với tình hình, phân bổ lại nguồn lực đầu tư nhằm tối ưu hiệu quả và tối ưu các khoản vay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng xem xét lại cơ cấu sản phẩm, cơ cấu khách hàng và chính sách giá; rà soát lại công tác mua sắm và chi phí cho chuỗi cung ứng, tối ưu thuế và tối ưu vốn lưu động.

Ba là, xây dựng các giải pháp hiệu quả hỗ trợ người lao động, như: trả “lương tạm nghỉ việc”; hỗ trợ tài chính để khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc; tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào phục hồi sản xuất có hiệu quả. Tập trung hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động trong hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Trong dài hạn

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần đổi mới tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ để tăng hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh; thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào; tăng cường liên kết thông qua các chuỗi cung ứng và mạng lưới các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và địa phương.

Thứ hai, tập trung đầu tư cho nghiên cứu phát triển, gắn đổi mới sáng tạo với các cấu phần khác của chiến lược như sản xuất, kinh doanh, chú trọng khâu quảng cáo, tài chính, logistics, nhân sự…

Thứ ba, tập trung khai thác thị trường nội địa tiềm năng với gần 100 triệu dân; đầu tư mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ, kỹ thuật tiên tiến; hiện đại hóa hệ thống quản trị và quy trình hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ tư, thay thế các hình thức, phương thức kinh doanh, các sự kiện bán hàng theo kiểu truyền thống bằng các giải pháp công nghệ mới để khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin, kinh doanh trên các sàn giao dịch điện tử; quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Thứ năm, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, như: xây dựng kế hoạch huy động vốn từ các nhà đầu tư, huy động vốn từ vốn góp ban đầu; huy động vốn từ lợi nhuận không chia mà dùng để tái đầu tư; huy động vốn từ phát hành cổ phiếu thông qua thị trường chứng khoán; huy động bằng tín dụng ngân hàng thông qua hợp đồng vốn với ngân hàng thương mại; huy động bằng tín dụng thương mại và huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đối với DNNVV, cần tìm kiếm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng, ngân hàng thương mại qua các gói sản phẩm dành riêng cho DNNVV.

Về phía cơ quan quản lý

- Tiếp tục ưu tiên phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, cùng với việc đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc xin để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, có lộ trình mở cửa nền kinh tế phù hợp, từ đó, giúp giảm bớt hệ lụy đối với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành; thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện các gói hỗ trợ và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Thống nhất thực hiện theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, không cát cứ, cục bộ, nhằm đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được liên tục và an toàn.

- Sớm trình Quốc hội xem xét thông qua Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19. Gói kích thích kinh tế với dự toán 800.000 tỷ dự báo có tác động rất lớn và tích cực đến khả năng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và phát triển kinh tế. Trên cơ sở Chương trình này, doanh nghiệp xây dựng lộ trình sản xuất kinh doanh để thích ứng với tình hình mới.

- Triển khai tích cực Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Báo Điện tử VnExpress (2021). Khảo sát Tình hình doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19, truy cập từ https://img.vietnamfinance.vn/upload/news/hoanghung_btv/2021/9/7/ket-qua-khao-sat-doanh-nghiep.pdf

2. Diệp Diệp (2021). Gỡ khó kinh doanh hậu Covid-19: Cần "cấp cứu" dòng tiền cho doanh nghiệp, truy cập từ https://vov.vn/kinh-te/go-kho-kinh-doanh-hau-covid-19-can-cap-cuu-dong-tien-cho-doanh-nghiep-894111.vov

3. Tổng cục Thống kê (2021). Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm Quý III năm 2021, truy cập từ https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2021/10/Baocaocovid_Q2.2021_final_print_final.docx

4. Trần Tiến Khai, Nguyễn Trọng Hoài (2021). Đứt gãy chuỗi cung ứng vùng trọng điểm phía Nam: 8 giải pháp, truy cập từ https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/8-giai-phap-khac-phuc-dut-gay-chuoi-cung-ung-vung-trong-diem-phia-nam-784091.html

Phạm Văn Thiện

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 32 năm 2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư