e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Kinh tế - Xã hội

Quý II, không tính đến lượng xăng dầu Nghi Sơn cung cấp, vẫn đủ nguồn cung trong nước

17:08 | 30/04/2022 Print
Bộ Công Thương đã giao cho 10 đầu mối lớn nhất trong nhập khẩu xăng dầu, bù vào sản lượng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cung cấp và cố gắng ở mức cao nhất đủ xăng dầu cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân.
Quý II, không tính đến lượng xăng dầu Nghi Sơn cung cấp, vẫn đủ nguồn cung trong nước
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại phiên họp báo chính phủ thường kỳ tháng 4

Thị trường xăng dầu trong nước quý I/2022 có nhiều biến động

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian gần đây, vấn đề năng lượng nói chung và xăng dầu, khí đốt nói riêng có sự xáo trộn lớn do tình hình chính trị, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine.

"Tại Việt Nam hiện nay, việc cung ứng từ nguồn trong nước tại 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bỉm Sơn chiếm 70-75%. Như vậy, chúng ta chỉ nhập khẩu 25-35%". Thứ trưởng nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thừa nhận, thị trường xăng dầu trong nước quý I/2022 có nhiều biến động. Nguyên nhân là bởi nguồn cung ứng xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng, bởi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị chiếm 35-40% thị phần cung bảo đảm cho thị trường trong nước, đã phải giảm mạnh công suất sản xuất trong tháng 1 và đầu tháng 2, từ 100% xuống 85%, 60% rồi 55%, thậm chí có thời điểm phải dừng sản xuất.

Trong khi đó, tình hình địa chính trị khiến nguồn cung nhập khẩu gặp khó khăn, giá cả tăng, đặc biệt là chi phí về logistics, kể cả các nguồn cung bị hạn chế.

"Trong bối cảnh đó, liên Bộ Công Thương-Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối chủ động nhập khẩu, cũng đã tính đến việc giảm công suất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Theo đó, trong quý I, không xảy ra hiện tượng không đủ nguồn cung xăng dầu, vẫn bảo đảm xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh". Thứ trưởng nói,.

Đến quý II/2022, sau khi làm việc với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, xem xét quá trình sản xuất của Nhà máy và việc chưa bảo đảm cung ứng xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 242 ngày 24/2/2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II cho 10 đầu mối tư nhân kinh doanh xăng dầu để bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

"Như vậy, trong quý II, không tính đến lượng xăng dầu do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cung cấp, chúng ta vẫn bảo đảm nguồn cung", Thứ trưởng khẳng định. Đây cũng là nỗ lực cố gắng của Chính phủ và trực tiếp sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ cũng như liên Bộ Công Thương-Tài chính, các sở ngành cũng như các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Quý III và IV sắp tới, Thứ trưởng cho hay, Bộ đã làm việc lại với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

"Trên căn cứ cam kết của Nhà máy về việc cung ứng ở mức độ nào, chúng tôi sẽ ưu tiên mức độ đó để tiêu thụ trong nước. Phần còn lại nếu còn thiếu sẽ tiếp tục phân giao cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu để nhập khẩu bù vào lượng thiếu hụt của Nhà máy", Thứ trưởng phát biểu.

Tiếp tục nghiên cứu và rà soát giảm thêm thuế để giảm giá xăng dầu

Trả lời câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giảm giá xăng dầu? Thứ trưởng khẳng định, hiện nay kinh doanh xăng dầu cũng tiến tới tiệm cận thị trường.

"Nghĩa là giá thế giới tăng, điều hành tăng và nhập khẩu; giá thế giới giảm thì chúng ta cũng phải điều hành giảm để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng", Thứ trưởng lý giải.

Trong suốt thời gian qua, liên Bộ Công Thương-Tài chính đã sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ POJ) liên tục. Do đó, mặc dù giá xăng dầu thế giới liên tục tăng nhưng mức tăng của chúng ta so với thế giới thấp hơn.

"Ví dụ trong kỳ điều hành gần đây nhất, ngày 21/4/2022, so với đầu năm 2022 giá xăng dầu có biến động tăng, nhưng giá trong nước, vì sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu nên chỉ tăng 17,16% đến 39,04%, tùy từng loại xăng dầu", Thứ trưởng dẫn chứng.

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh về thuế. Vừa qua, theo đề xuất của Quốc hội, cơ quan chức năng đã giảm thuế môi trường từ 1/4/2022 đến hết năm nay, đối với xăng giảm thuế này 2.000 đồng/lít, dầu 1.000 đồng/lít.

Hiện nay, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, liên ngành Bộ Công Thương-Tài chính tiếp tục nghiên cứu và rà soát xem giảm được thêm thuế nào để phù hợp với tình hình chung, quan trọng là bảo đảm cho các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu đầu vào cũng như nhu cầu người dân.

Liên quan dự trữ xăng dầu, Thứ trưởng cho hay, có 2 dự trữ: Dự trữ thứ nhất là trong doanh nghiệp. Đây là yêu cầu bắt buộc trong Nghị định 83 và Nghị định 95, có nghĩa là xăng dầu đầu mối dự trữ 20 ngày trong các kho, còn các doanh nghiệp cung ứng dự trữ 5 ngày.

Thứ hai là dự trữ Nhà nước. "Hiện nay, do khả năng và NSNN còn hạn chế nên liên Bộ Công Thương-Tài chính đang bàn với các bộ ngành liên quan để đề xuất những giải pháp phù hợp nhất với tình hình thực tế Việt Nam và NSNN để bảo đảm mức tối đa cho dự trữ xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân", Thứ trưởng cung cấp thêm thông tin./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư