e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

ĐHCĐ 2022 Gelex thông qua mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 27% năm 2022

20:00 | 12/05/2022 Print
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (GELEX) diễn ra sáng nay 12/5 đã thông qua các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2022.

Cụ thể, Đại hội đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 của Gelex với kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 36.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.618 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 26% và 27% so với thực hiện năm 2021. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến năm 2022 tối đa 15% vốn điều lệ.

Về định hướng phát triển, trong giai đoạn tiếp theo, Gelex chú trọng phát triển các lĩnh vực chủ chốt là sản xuất công nghiệp và hạ tầng, qua đó, xác định cụ thể chiến lược phát triển trong từng lĩnh vực. Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Tập đoàn định hướng các đơn vị đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ, phát triển sản phẩm mới cũng như tăng cường áp dụng công nghệ vào quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, thị phần, giữ vững vị thế là các đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị điện.

ĐHCĐ 2022 Gelex thông qua mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 27% năm 2022
Bàn chủ tọa tại ĐHCĐ Gelex

Về lĩnh vực hạ tầng, thông qua các đơn vị thành viên, Gelex tập trung đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp, bất động sản cho người có thu nhập thấp, phát triển và đầu tư các dự án năng lượng sạch, sản xuất kinh doanh nước, vật liệu xây dựng…, tiếp tục triển khai các dự án bất động sản thương mại đúng tiến độ, tối ưu hóa việc sử dụng quỹ đất của hệ thống nhằm tạo nguồn thu ổn định, vững chắc trong dài hạn. Bên cạnh đó, Gelex tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng trưởng các mảng kinh doanh cốt lõi thông qua hoạt động M&A phù hợp.

Một trong những kế hoạch quan trọng năm 2022 của Tập đoàn là thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch đối với cổ phần tại Gelex Hạ tầng và IPO, đăng ký niêm yết đối với cổ phần Gelex Electric trên cơ sở vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối, bổ sung nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu đầu tư chiến lược, đồng thời nâng cao hơn nữa tính minh bạch trong hoạt động của các đơn vị. Song song với các kế hoạch đó, Gelex và các đơn vị sẽ tiếp tục làm “mới” mình, duy trì quản trị công ty trên các tiêu chí: Hiệu Quả - Minh Bạch – Kiểm soát rủi ro - Hướng tới chuẩn mực quốc tế, tiếp tục phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế tiếp tục có nhiều biến động.

Đại diện Ban Lãnh đạo Gelex nhấn mạnh, việc theo đuổi các mục tiêu chiến lược theo hướng tập trung các mảng cốt lõi kết hợp M&A phù hợp luôn được xác định là chiến lược trọng tâm giúp cho Gelex theo đuổi mục tiêu duy trì mức tăng trưởng cao. Tuân thủ chiến lược này, năm 2021, Gelex đã ghi nhận bước chuyển lớn thông qua việc hợp nhất Tổng công ty Viglacera - CTCP, hoàn thành tái cấu trúc hai sub-holding và vượt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận, tạo nền tảng cơ sở cho các giai đoạn phát triển tiếp theo của Tập đoàn. Theo đó, năm 2021, Gelex ghi nhận 28.578 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, 2.057 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021, tăng trưởng lần lượt 59% và 72% so với thực hiện năm 2020, vượt 60% so với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.285 tỷ đồng. Trên cơ sở kết quả này, Đại hội thống nhất thông qua tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2021 là 5% vốn điều lệ.

Chia sẻ cập nhật kết quả sản xuất kinh doanh mới nhất của Gelex, đại diện Ban lãnh đạo cho biết, doanh thu quý I/2022 toàn Tập đoàn đạt 8.682 tỷ đồng, đạt 24% mục tiêu cả năm và tăng trưởng 95% so với cùng kỳ. Song song với đà tăng của doanh thu, lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn quý I đạt 901 tỷ đồng, hoàn thành 34% kế hoạch năm. So với cùng kỳ năm 2021, lãi trước thuế tăng thêm 567 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về hoạt động M&A doanh nghiệp nhà nước trong thời gian gần đây, Tổng Giám đốc Gelex Nguyễn Văn Tuấn cho biết, liên quan việc mua lại cổ phần doanh nghiệp Nhà nước, khi Chính phủ có chủ trương thoái vốn, Gelex tham gia đấu giá, chào mua công khai, giao dịch theo phương thức khớp lệnh/thỏa thuận trên sàn theo đúng Luật Chứng khoán.

Được biết việc đầu tư nắm giữ cổ phần tại Tổng công ty Viglacera – CTCP (VGC - Viglacera) được Gelex và các đơn vị thành viên triển khai từ năm 2019 đến 2021. Trước khi tham gia đấu giá cổ phiếu VGC thuộc sở hữu của Bộ Xây dựng tại đợt đấu giá tháng 03/2019, Gelex và các đơn vị sở hữu 9,8% vốn điều lệ Viglacera. Tại đợt đấu giá này, Bộ xây dựng triển khai đấu giá 80.579.262 cổ phần VGC. Sau khi trúng đấu giá 64 triệu cổ phiếu VGC (trên tổng số 69 triệu cổ phiếu bán được tại đợt đấu giá), Gelex và các đơn vị nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,96% vốn điều lệ VGC. Tháng 10/2020, Gelex thực hiện chào mua công khai, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Viglacera 46,06%. Từ tháng 3 - 4/2021, Gelex thực hiện giao dịch trên thị trường với các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài qua sàn giao dịch chứng khoán, nâng tỷ lệ sở hữu lên 50,21% tại đơn vị này.

Liên quan đến câu hỏi việc việc gia tăng mạnh các khoản nợ lớn trong thời gian gần đây được cổ đông đặt ra, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Hiền cho biết, tính đến thời điểm 31/12/2020, tính theo con số tuyệt đối, giá trị nợ vào khoảng 19.000 tỷ đồng; tại thời điểm 31/12/2021 là 41.000 tỷ đồng, tăng khoảng 22.000 tỷ đồng. Lý giải các nguyên nhân khiến khoản nợ tăng mạnh, ông Hiền chia sẻ trước hết đến từ việc hợp nhất VGC, giá trị nợ hợp nhất vào hệ thống khoảng 13.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, năm 2021 Gelex hoàn thành 2 dự án điện gió tại Quảng Trị với tổng mức đầu tư trước thuế khoảng trên 5.000 tỷ đồng, trong đó giá trị nợ khoảng 3.200 tỷ đồng. Khoản vay này huy động từ Ngân hàng LBBW của Đức và Ngân hàng BIDV. “Việc huy động được khoản vay này đã thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Gelex trong việc phát triển, triển khai và thực hiện đầu tư 140 MW kịp đưa vào vận hành theo giá FIT của Chính phủ”, ông Hiền nhấn mạnh.

Ngoài ra khoản tăng 3.000 tỷ đồng đến từ chủ trương của HĐQT cho tái cấu trúc khoản vay, để huy động được nguồn vốn dài hơn, lãi suất hợp lý hơn để phục vụ các hoạt động đầu tư trong năm 2022. “Việc tăng này song hành với chất lượng các khoản nợ. Các hệ số nợ của Gelex và Gexlex Electric đã được thể hiện trên báo cáo tài chính công bố. Riêng Gelex hạ tầng chưa niêm yết thì nợ còn 2.200 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 7.900 tỷ đồng, theo đó, giá trị nợ tăng nhưng song hành với quy mô tăng của tổng tài sản. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Tập đoàn vào khoảng hơn 1, Tổng nợ phải trả/Tổng tài sản xấp xỉ 0,65”, ông Hiền cho hay và khẳng định rằng, đây là những hệ số nợ hợp lý khi so sánh với các doanh nghiệp hàng đầu khác.

Cũng theo ông Hiền, trong 13.000 tỷ đồng của VGC có khoảng 6.500 tỷ là doanh thu chưa thực hiện, ứng trước khách hàng. Như vậy nợ của VGC thực tế còn lại khoảng 5.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ của VGC là 4.480 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/Vốn chủ của VGC thực tế vào khoảng 0,6 lần và hệ số nợ/Tổng tài sản xấp xỉ khoảng 0,2 lần, nợ thuần của VGC mẹ khoảng 1.066 tỷ đồng.

Phân tích cụ thể hơn ông Hiền cho biết, các chỉ số nợ của tập đoàn tại 31/12/2021 bao gồm: Hệ số nợ thuần/EBITDA là 1,8 lần, trong khoảng hợp lý so với mức cho vay tối đa khoảng 3,5 lần đối với các định chế tài chính. Trong khi đó Hệ số tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn là 1,3 lần, tổng nợ/vốn chủ sở hữu quanh mức 1, đều trong mức tương đương so với nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay.

Giải đáp câu hỏi của cổ đông về kế hoạch cụ thể của Gelex để kéo giảm các khoản nợ xuống, Phó Chủ tịch HĐQT Gelex cho biết, Tập đoàn sẽ cân nhắc vẫn duy trì các khoản vay có chi phí hợp lý đảm bảo trong ngưỡng an toàn của hệ số nợ, đồng thời do Gelex có kế hoạch tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới nên HĐQT sẽ vẫn duy trì các khoản nợ này phục vụ cho kế hoạch kinh doanh, trừ các khoản trái phiếu đến hạn, các khoản trái chủ đề nghị mua lại trước hạn theo yêu cầu thì Gelex sẵn sàng giảm.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc vì sao hoạt động kinh doanh vẫn tăng trưởng nhưng giá cổ phiếu liên tục giảm, CEO Nguyễn Văn Tuấn cho biết, hiện Gelex có hơn 56.000 cổ đông, quy mô tương đối lớn. Giá cổ phiếu được xác định theo cung cầu của nhà đầu tư. Về phía Tập đoàn, ông Tuấn khẳng định, Hội đồng quản trị và Ban điều hành đều luôn cố gắng phát triển doanh nghiệp. Ông Tuấn cũng khẳng định trước các cổ đông về việc đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu với mục đích đầu tư dài hạn./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư