Siddhartha của Hermann Hesse

14:45 | 16/05/2022 Print
Siddhartha của Hermann Hesse là tên cuốn sách kể về cuộc đời chàng trai Siddhartha. Cuốn sách đánh thức ta rằng, con đường của chúng ta, chúng ta phải tự đi mới hiểu và tỉnh giấc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Thanh Huyền, Trường đại học Phenikaa chọn cách giới thiệu cuốn sách này bằng một bức thư gửi bạn, để từng lời viết dễ thấm vào người đọc, thức tỉnh một cách nhận diện sự thật về dòng chảy cuộc đời…

Bạn thân mến,

Dường như lâu lắm rồi tôi chưa liên lạc với bạn, không phải vì tôi bận rộn mà là lâu rồi tôi không thấy có gì hay để kể. Tôi biết bạn vẫn mạnh khoẻ, vậy là đủ với tôi rồi. Hôm nay tôi viết cho bạn để nói về một cuốn truyện mà tôi vừa mới đọc xong. Đặt tay viết những dòng thư này, tôi hân hoan biết mấy, chỉ mong bạn sẽ giống tôi tìm được chút an lành trong những trang truyện. Bạn từng kể cho tôi biết là có lúc bạn đã chán chường, tâm trí bạn đau khổ nhường nào. Tôi mong cuốn truyện giúp bạn tìm được chút an lành. Nó có thể sẽ ngắn ngủi, nhưng đẹp lắm.

Siddhartha của Hermann Hesse
Câu chuyện của Siddhartha tưởng chừng như cuộc đời của mình chàng, nhưng lại là cuộc đời của tất cả...

Tôi chưa kịp nói cho bạn biết tên cuốn truyện, đó là Siddhartha của Hermann Hesse. Trong dòng đời vội vã và nhiều nhiễu nhương này, bạn hiền ơi, tôi tin rằng mỗi người nên tìm một cuốn về đọc. Đừng để tên truyện làm bạn nhầm lẫn đây là truyện về Đức Phật, dù nhiều sự kiện là dựa vào câu chuyện của Ngài. Siddhartha là con trai của một người Bà La Môn sống ở thời Đức Phật còn tại thế. Cuốn sách mà tôi đang kể cho bạn là ghi chép về cuộc đời của chàng từ những ngày chàng còn là thiếu niên đầy nhiệt huyết đến khi tóc chàng đã đầy hoa râm.

Ôi tôi ước gì mình có thể cho bạn thấy được niềm vui của tôi lúc giở những trang sách. Truyện ngắn thôi, chỉ chừng 200 trang và lớn hơn bàn tay tôi một chút. Tôi thèm được đọc thêm lắm, nhưng cũng biết thêm một trang thôi cũng là thừa.

Siddhartha có hai phần. Một phần là khi Siddhartha vẫn còn theo học những vị thầy và gặp gỡ Đức Cồ Đàm. Phần còn lại là hành trình chàng rời xa các đức tin ấy để hoà mình vào cuộc sống tạm bợ của những con người bình thường, từ cô gái điếm đến người thương nhân rồi đến cả ông lái đò. Mỗi chương là cuộc gặp gỡ và học hỏi của chàng với mỗi người. Cuộc đời này, dường như ai cũng là thầy của chàng, để chàng biết về từng nỗi đau khổ và chỉ cho chàng cách diệt khổ. Những trí giả Bà La Môn đã trút hết tri thức vào chàng, nhưng chàng vẫn thấy dằn vặt khổ đau. Các thầy sa môn dạy cho chàng cách diệt khổ bằng cách hành xác, diệt mọi khao khát, để diệt ngã, nhưng chàng vẫn dằn vặt khổ đau sau những giây phút ngắn ngủi cái ngã nó rời thân xác chàng. Rồi chàng gặp Đức Phật. Lạ thay, chàng không tìm thấy gì trong những lời dạy của Đức Phật nhưng lại thấy từng cử chỉ, từng bước chân, từng nét trên khuôn mặt của Đức Phật đong đầy những bài học. Không cho rằng mình có thể tiếp thu được những lời chỉ giáo, kể cả từ người thông tuệ nhất là Đức Phật, Siddhartha lại phải bỏ đi và bắt đầu cuộc hành trình thứ hai của chàng, cuộc đời thứ hai của chàng. Siddhartha xả thân vào cuộc đời, để những con người tầm thường làm thầy của chàng. Chàng xin Kamala, một cô gái điếm, dạy cho chàng về tình yêu. Chàng đến làm khách của người thương nhân, để thấy được sự buồn rầu vì tiền bạc. Chàng lăn lộn chốn bài bạc. Chàng dấn thân vào vòng tục luỵ để chợt một ngày nhận ra mình dơ bẩn, tuyệt vọng khi thấy mình trở thành con người đáng khinh.

Bạn hiền ơi, nếu bạn đọc mấy trang sách này, liệu bạn có như tôi, thấy mình trong chàng trai đứng bờ sông ấy? Chàng giờ đây khoác trên mình cái áo đắt tiền, tóc gọn gàng. Đâu còn bóng dáng của người sa môn xưa? Tôi thì thấy mình trong chàng. Tôi đọc nhiều sách của những nhà thông thái bậc nhất, nhưng không thấy cơn khát của mình được thoả mãn. Tôi mặc trên người những bộ quần áo, ăn những bữa ăn ngon, nhưng niềm vui chúng mang lại ngắn ngủi mơ hồ như ảo mộng. Tôi đã học được thuật tối giản, nhưng niềm vui đâu tăng lên vì tôi thấy của cải không quan trọng? Nhiều khi tôi thấy tuyệt vọng lắm, nhiều khi tôi cũng nghĩ rằng, cái chết sẽ làm tôi thanh thản. Và bạn từng kể cho tôi, bạn từng thấy vậy nhiều lắm. Nếu khổ đau là tạm bợ, niềm vui là tạm bợ, thân thể này là tạm bợ, vậy cái gì mới là vĩnh cửu? Chúng ta nương nhờ vào khổ đau để lớn lên, rồi nương vào niềm vui để thấy mục đích sống. Thật là luẩn quẩn làm sao!

Câu chuyện của Siddhartha tưởng chừng như cuộc đời của mình chàng, nhưng lại là cuộc đời của tất cả. Tôi tin rằng, ai ai đọc truyện cũng đồng cảm với khát vọng diệt khổ của Siddhartha. Và tôi cũng tin rằng, ai ai cũng thấy một mảnh đời của mình trong từng bước chân, từng vấp ngã, từng đau khổ, từng hy vọng trên trên con đường diệt khổ của Siddhartha. Và giây phút chứng kiến Siddhartha Niết Bàn, vai tôi như ít hơn một gánh nặng, tâm trí tôi thanh thản hơn. Tôi ước gì tôi có thể kể cho bạn nghe về lúc chàng trở về gặp đúng người lái đò chàng gặp thuở nào, tôi đã tưởng rằng chàng tỉnh thức rồi. Tôi tưởng rằng chàng đã thấy an nhiên vĩnh cửu. Nhưng cái lúc chàng gặp lại Kamala và con trai chàng đang trên đường đến tiễn biệt Đức Phật sắp lìa cõi đời, rồi thấy bao đắng cay khi đứa con trai giờ đã mồ côi mẹ phản nghịch lại với chàng, mong mỏi lòng bao dung của chàng sẽ cảm hoá nó, rồi lại đau khổ khi nó bỏ đi. Giây phút chàng chiêm nghiệm về cuộc đời của mình bên dòng sông chàng đã lái đò bao nhiêu năm, lắng nghe bao nhiêu năm, giờ đây nó khác lắm. Nó phản chiếu cuộc đời của bao con người đang trôi về cùng một cội. Những khuôn mặt, những cuộc đời muôn hình vạn trạng cứ hoà quyện vào nhau rồi trở thành dòng sông. Ta chẳng còn phân biệt được đâu tiếng sầu khổ, đâu là tiếng cười. Tất cả đã trở thành một và trôi đi tiếp cùng dòng sông đến bể, đến ao hồ. Tôi thấy giây phút đó diệu kỳ lắm, bạn hiền ạ. Tôi biết nó chứa bao nhiêu bài học, từng câu từng chữ làm tôi hân hoan. Giây phút đó, Siddhartha đã diệt khổ rồi nhưng bạn phải tự đọc mới thấy.

Tôi mong rằng bạn, cũng sẽ tìm được niềm vui khi đọc cuốn sách này. Nhưng tôi xin nói lời này, những gì Hesse kể cho chúng ta hay đối với chúng ta cũng sẽ như cử chỉ của Đức Phật đối với Siddhartha vậy. Từng câu chữ sẽ đưa ta qua kiếp cuối cùng của chàng, làm ta thấy đã qua mấy kiếp người, làm ta thấy yên bình. Cuộc đời của Siddhartha, như bàn tay, cử chỉ của Đức Cồ Đàm, làm chúng ta thấy bình yên, nhưng không đưa chúng ta đến nơi chúng ta muốn đến. Vẫn là cuộc đời của chàng làm chúng ta thêm yêu mọi vật, thêm trân trọng mọi người, làm ta hiểu sự tạm bợ và yêu sự tạm bợ ấy. Chàng đưa ta nhiều chiêm nghiệm về cuộc đời chúng ta hiện tại và cuộc đời chúng ta tương lai, nhưng cũng đánh thức ta rằng, con đường của chúng ta, chúng ta phải tự đi mới hiểu và tỉnh giấc.

Thư đã dài, mong bạn hiền mạnh khoẻ, an vui…

Nguyễn Thanh Thanh Huyền, Trường đại học Phenikaa

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư