Nghịch lý kinh tế tốt, chứng khoán giảm sâu sẽ sớm kết thúc

15:37 | 18/05/2022 Print
Ngày giao dịch cuối tuần qua, 13/5/2022, được nhiều nhà đầu tư gọi là “Ngày đen tối” khi VN-Index đã rơi dưới mốc 1.200 điểm, còn 1182.77 điểm. Tính đến ngày 13/5/2022, TTCK Việt Nam đã giảm 22,62% so với mức đỉnh 1.528,57 điểm vào ngày 6/1/2022.

Về lý thuyết, thị trường chứng khoán được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này đang diễn ra ngược lại trên TTCK Việt Nam khi các chỉ tiêu tích cực của nền kinh tế lại không đi kèm với sự sôi động và tăng giá trên sàn. Nghịch lý này sẽ sớm kết thúc nếu các nhà đầu tư bình tĩnh đánh giá tương lai trên các yếu tố nền tảng của nền kinh tế và quan sát cách chuyển động của chứng khoán để thấy, luôn có thị trường “con gấu” nằm trong thị trường “con bò” dài hạn…

Nghịch lý kinh tế tốt, chứng khoán giảm sâu

Nghịch lý kinh tế tốt, chứng khoán giảm sâu sẽ sớm kết thúc
Tính đến ngày 13/5/2022, TCK Việt Nam đã giảm 22,62% so với mức đỉnh 1.528,57 điểm vào ngày 6/1/2022

Tại Việt Nam, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020. Tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I năm 2022 có nhiều khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I năm 2022 tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2022 theo giá hiện hành tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021 cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Tính chung quý I năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%. Cùng với đó, CPI quý I/2022 chỉ tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.

Tín dụng quý I/2022 tăng 5,04%, gấp 4 lần quý I/2021. Tín dụng tăng trưởng quá nhanh buộc các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động đầu vào khiến một lượng tiên lớn chảy về hệ thống ngân hàng. Đây cũng là một nhân tố khiến dòng tiền vào chứng khoán không còn dồi dào như trước, nhưng dòng tiền về ngân hàng sẽ tiếp tục được đưa vào sản xuất và tạo ra tăng trưởng cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế của tương lai.

Không chỉ các tổ chức quốc tế như ADB, IMF có dự báo tích cực về tăng trưởng Việt Nam năm 2022, các chuyên gia kinh tế đầu ngành tại Việt Nam mới đây cũng đưa ra dự báo cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 vào khoảng 6-6,5% là khả thi và dự báo lạm phát năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát, tức là dưới 4%.

Kết quả quý I cùng những chuyển động lạc quan của nền kinh tế đang cho thấy một Việt Nam mạnh lên sau đại dịch. Vậy vì sao thị trường chứng khoán lại giảm giá quá nhanh trong một quãng thời gian của quý I vừa qua?

Luôn có thị trường “con gấu” nằm trong thị trường “con bò” dài hạn

Từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra đến nay, giá cả các hàng hóa nguyên liệu đều ở mức cao gây áp lực lên lạm phát thế giới, dù chưa ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc chiến Nga -Ukraina đã làm điều này trở nên phức tạp, lo lắng về những bất ổn trên thế giới khiến các dòng tiền đầu tư chững lại, chọn cách đứng ngoài chờ đợi xu hướng rõ ràng hơn.

Thực tế cho thấy, giá chứng khoán tại các thị trường trọng điểm trên thế giới đã giảm mạnh từ khi cuộc chiến Nga-Ukraina nổ ra, với mức giảm từ 5-20%. Việt Nam không nằm ngoài guồng xoáy này. Điểm khác biệt của Việt Nam là TTCK có tỷ lệ nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm tới 90% lượng giao dịch, nên cơn hoảng loạn của các nhà đầu tư cá nhân đã khiến thị trường rớt sâu hơn.

Sau 2 năm tham gia chứng khoán một cách dễ dãi và ồ ạt (tổng số tài khoản mở mới từ đầu 2021 tới tháng 4 năm 2022 là gần 2,5 triệu, bằng 50% tổng số tài khoản từ lúc thị trường thành lập năm 2000 đến nay), số nhà đầu tư F0 ngấm đòn thua lỗ và phần đông phải rời bỏ thị trường. Một lượng tiền không nhỏ bị rút ra khỏi thị trường nhanh chóng theo xu thế vào nhanh, ra nhanh của các F0.

Cùng với đó, một số nghi án gian lận, thao túng chứng khoán, giả mạo, lừa đảo nhà đầu tư của những chủ thể cộm cán bị đưa ra ánh sáng cũng là nhân tố tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn. TTCK rơi sâu tạo thêm phản ứng dây chuyền là áp lực giải chấp margin rất lớn (cuối quý I/2022 cho vay margin tại các công ty chứng khoán lên tới trên 201.176 tỷ đồng), tạo nên vòng xoáy giảm giá hàng loạt cổ phiếu. Thị trường “con gấu” xuất hiện nhưng chủ yếu do yếu tố dòng tiền và tâm lý, nhiều hơn là việc các yếu tố cơ bản của nền kinh tế yếu đi.

Tuy nhiên, bình tĩnh nhìn sâu vào thực lực nền kinh tế và TTCK sẽ thấy, đây chỉ là một giai đoạn khủng hoảng tâm lý. Còn nhiều diễn biến, tín hiệu tích cực mà chúng ta quyền hy vọng thị trường sẽ sớm đi qua giai đoạn giảm mạnh, để trở về với xu thế tăng trưởng song hành cùng nền kinh tế Việt Nam.

Về vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đang trong chu kỳ trung hạn với quyết tâm của Chính phủ sẽ trở lại mức tăng trưởng 6-6,5% từ nay đến năm 2025. Đây là cái gốc để đặt niềm tin vào sự phục hồi của TTCK.

Về sức khỏe doanh nghiệp, các doanh nghiệp chủ chốt của thị trường vẫn đang trên đà tăng trưởng kinh doanh khá tốt, với mức tăng EPS dự kiến trong năm 2022 khoảng 25%. Kết hợp với mức P/E khoảng trên dưới 12 hiện nay, với mức giá này mức P/E có thể về 10 cuối năm nay với mức giá hiện tại.

Về diễn biến cung - cầu, nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu quay lại mua ròng cổ phiếu từ tháng 4. Tháng 4 khối ngoại mua ròng 4.200 tỷ đồng, sau khi bán ròng 43.529 tỷ đồng trong 8 tháng trước đó (tính từ đầu 2020 đến nay khối ngoài đã bán ròng trên 84.000 tỷ đồng). Mặc dù tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư nươc ngoài không lớn, nhưng việc dòng tiền ngoại quay lại mua ròng sẽ giúp ích cho tâm lý các nhà đầu tư cá nhân trên toàn TTCK Việt Nam.

Đi qua nhiều giai đoạn thăng trầm của TTCK, có thể thấy, luôn có những khoảng thị trường “con gấu” ngắn hạn nằm trong một thị trường con “bò tót” dài hạn. Quốc tế đã phát triển TTCK hàng trăm năm và từ đó, người ta đã tìm ra định nghĩa TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế, bởi bản chất, khi nền kinh tế vững, TTCK không thể xuống quá sâu.

Nghịch lý kinh tế tốt, chứng khoán giảm sâu sẽ sớm kết thúc
Về bản chất, khi nền kinh tế vững, TTCK không thể xuống quá sâu

Điều đáng chờ đợi…

Trong Hội thảo về giải pháp phát triển thị trường cuối tháng 4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành quyết tâm đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi diễn ra nhanh hơn. Việc nâng hạng sẽ giúp TTCK Việt Nam tăng sức hấp dẫn, thu hút lượng vốn ngoại lớn đổ vào Việt Nam. Nhân tố này sẽ kích thích dòng vốn nội, cùng với những tín hiệu tươi sáng của nền kinh tế sẽ giúp thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại, nếu tình hình thế giới không xấu thêm.

Nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng vượt trội so với thế giới trong nhiều năm. Cùng với những yếu tố nội tại cơ bản vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi thì chúng ta có thế kỳ vọng vào một thị trường chứng khoán tươi sáng. Rất khó để có thể dự đoán thị trường tiếp tục hạ rất tới mức nào. Việc vay mượn, margin trong giai đoạn này có lẽ không được khuyến khích. Những dấu hiệu của nền kinh tế cho thấy, các nhà đầu tư chứng khoán còn nhiều điều để hy vọng./.

Kiên Cường

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư