Việt Nam sẽ kết thúc điều tra PVTM đối với một số sản phẩm đường mía vào ngày 21/7/2022

20:25 | 23/05/2022 Print
Bộ Công Thương gia hạn thêm 2 tháng thời hạn điều tra PVTM đối với một số sản phẩm đường mía thêm 02 tháng, theo đó thời hạn kết thúc là ngày 21/7/2022.

Ngày 21/9/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía.

Trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương nhận được nhiều ý kiến của các bên liên quan về các khía cạnh của vụ việc.

Để đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách toàn diện, khách quan, đánh giá đầy đủ thông tin mà các bên liên quan cung cấp, căn cứ Điều 82 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, ngày 16/5/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 943/QĐ-BCT gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thêm 02 tháng, theo đó thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 21/7/2022.

Việt Nam sẽ kết thúc điều tra PVTM đối với một số sản phẩm đường mía vào ngày 21/7/2022
Trong 5 năm gần đây, Việt Nam có 9/38 nhà máy đường phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh ngay trên sân nhà

Theo nghiên cứu “Chuỗi cung ngành mía đường Việt Nam” do Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) và Tổ chức Forest Trends thực hiện, nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam đang tăng, trong khi khả năng sản xuất lại giảm.

Theo đó, diện tích trồng mía hiện giảm trên 45% so với niên vụ 2016/17, từ 274.000 hecta xuống còn 151.000 hecta do lợi ích kinh tế mà cây mía mang lại thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Sụt giảm cũng thể hiện trong khâu chế biến, năm 2017 Việt Nam có 38 nhà máy đến nay giảm chỉ còn 29 nhà máy hiện nay. Từ 2017 tới nay sản lượng đường giảm từ 1,24 triệu tấn xuống còn 77.000 tấn, tương đương mức giảm 38%. Ngược lại, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng, năm 2020 tăng gần 340% so với năm 2019.

Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn 2017-2020, bình quân mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,2- 1,8 triệu tấn đường, trong đó nhập khẩu chính ngạch chiếm từ gần 30-90%, phần còn lại (10-70%) là đường nhập lậu, chủ yếu từ Thái Lan thông qua đường bộ từ Campuchia và Lào.

Sau khi Việt Nam chính thức thực hiện cam kết ATIGA từ ngày 01/01/2020, do đã xóa bỏ hạn ngạch và cắt giảm thuế nhập khẩu từ 80& - 85% xuống chỉ còn 5%, nhưng vẫn còn khoảng 206.000 tấn đường nhập lậu qua Campuchia và Lào. Dù chỉ còn lợi thế nhỏ là 5% thuế nhập khẩu và 5% thuế VAT khi tiêu thụ so với đường nhập khẩu chính nhưng đường nhập lậu từ Thái Lan ngày càng tăng chủ yếu do đường xuất khẩu của nước này được trợ giá nên giá thành về đến Việt Nam luôn thấp hơn đường sản xuất trong nước

Vì vậy, trong 5 năm gần đây, Việt Nam có 9/38 nhà máy đường phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh ngay trên sân nhà. Nhiều chuyên gia dự báo ngành đường có nguy cơ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Các dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho rằng, tổng lượng đường tiêu thụ của Việt Nam tăng sẽ từ 1,7 triệu tấn đường năm 2021 lên trên 2 triệu tấn vào năm 2029 do dân số tăng.

Chính vì vậy, việc Việt Nam điều tra phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào nước ta là rất cần thiết, nhằm bảo vệ ngành mía đường trong nước./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư