Vietnam Airlines: Chọn sáng tạo làm phương châm đổi mới để phục hồi

11:59 | 27/05/2022 Print
Báo cáo thường niên của Vietnam Airlines công bố ngày 26/5/2022 đã không đưa ra chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận cho năm 2022, nhưng khẳng định, vượt qua thời khắc khó khăn nhất trong hoạt động kinh doanh do đại dịch Covid-19, Tổng công ty sẽ chủ động thích ứng với bối cảnh mới, đồng thời chọn sáng tạo làm phương châm đổi mới để phục hồi và thực hiện các mục tiêu trung hạn.
Vietnam Airlines: Chọn sáng tạo làm phương châm đổi mới để phục hồi
Tổ bay VN1 của Vietnam Airines trước giờ lên đường làm nhiệm vụ đưa công dân Việt Nam hồi hương do đại dịch Covid-19

Trên 40.000 cổ đông “đồng cam cộng khổ” cùng Vietnam Airlines

Năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ 12.965 tỷ đồng (báo cáo hợp nhất) trên tổng doanh thu 29.750 tỷ đồng. Khả năng tự chủ nguồn vốn ở mức thấp nhất trong 5 năm vừa qua.

2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam đã làm thay đổi toàn bộ kế hoạch khai thác và hoạt động SXKD của Tổng công ty. Trước các ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, Tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn và khủng hoảng, rơi vào tình trạng thâm hụt dòng tiền và thua lỗ, đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh khoản. Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020, theo đó Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ cho phép Tổng công ty chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ và giao SCIC thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Tổng công ty thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 194/NQ-CP ngày 31/12/2020 để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, Vietnam Airlines đã hoàn thành phương án phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và vượt qua khủng hoảng.

Tại thời điểm 31/12/2021, chỉ tiêu vốn đầu tư của chủ sở hữu của Vietnam Airlines là 22.143.941.740.000 đồng, tăng 7.961.033.270.000 đồng so với 01/01/2021. Trong năm 2021, Vietnam Airlines đã hoàn thành phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn 7.961 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước SCIC đã thực hiện quyền mua cổ phiếu của cổ đông Nhà nước. Theo đó, 3 cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines sở hữu đến 93,5% vốn gồm Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (55,2%); Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (31,14%); ANA Holdings (5,62%). Cùng với đó, Vietnam Airlines có trên 40.000 cổ đông cá nhân, đang sở hữu 6,5% vốn điều lệ của Tổng công ty.

Về hiệu quả kinh doanh, sau năm 2020 thua lỗ, năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ đến 12.965 tỷ đồng (báo cáo hợp nhất) trên tổng doanh thu 29.750 tỷ đồng. Khả năng tự chủ nguồn vốn ở mức thấp nhất trong 5 năm vừa qua, với vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn chỉ đạt 0,01% (năm 2016 là 0,17; năm 2017 là 0,2; năm 2018 là 0,24; năm 2019 là 0,10). Nợ phải trả của Tổng công ty ghi nhận trên 60.000 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2021.

Với bức tranh tài chính như trên, đâu là những giải pháp để Vietnam Airlines trở lại con đường kinh doanh hiệu quả? Đây là điểm rất nhiều nhà đầu tư quan tâm trong bối cảnh cổ phiếu HVN của Hãng có thanh khoản khá tốt trên sàn và thị giá HVN ở dưới 20.000 đồng/cổ phiếu.

Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa: Lỗ lớn năm 2021, nhưng vẫn khả quan ngoài mong đợi

Vietnam Airlines: Chọn sáng tạo làm phương châm đổi mới để phục hồi
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines, ông Đặng Ngọc Hòa

Tại Báo cáo thường niên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines, ông Đặng Ngọc Hòa nhận định, năm 2021 có thể coi là một giai đoạn đặc biệt khó khăn của ngành hàng không thế giới cũng như đối với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam. Liên tiếp nhiều đợt dịch bệnh bùng phát trong năm 2021 đã khiến nhu cầu đi lại giảm sút, đặc biệt trong các dịp cao điểm. Nghiêm trọng nhất là đợt bùng phát từ cuối tháng 4/2021 kéo dài đến tận cuối năm 2021 đã khiến hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường hàng không gần như tê liệt. Có những ngày trên bầu trời Việt Nam không có một chuyến bay chở khách thương mại nào hoạt động. Thị trường đóng băng và doanh thu vận tải hành khách gần như bằng 0. Tại thị trường quốc tế, ngoài một số ít chuyến bay chở công dân Việt Nam về nước được Chính phủ phê duyệt, các chuyến bay quốc tế được thực hiện trong năm 2021 vẫn chủ yếu là các chuyến bay chở khách một chiều, kết hợp với vận tải hàng hóa.

Là doanh nghiệp chủ lực của ngành hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Đối mặt với khó khăn, thử thách vượt ngoài mọi hình dung, nhưng Vietnam Airlines đã nỗ lực bằng mọi cách để duy trì sản xuất kinh doanh, tìm ra hướng đi mới cho Tổng công ty. Bên cạnh việc khai thác tối đa các hoạt động thương mại, năm 2021, Vietnam Airlines đã thực hiện chuyên chở miễn phí gần 300 tấn vật tư trang thiết bị Y tế, Vaccine; cùng 15.000 Y, bác sỹ, quân nhân về Việt Nam cũng như đi khắp các tỉnh thành...

Điểm nhấn thứ hai của năm 2021 là Vietnam Airlines triển khai thành công gói giải pháp tăng vốn. Theo đó, Tổng công ty đã hoàn thành việc phát hành thêm 796,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng thêm 7.961 tỷ đồng tỷ đồng cho nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện, đảm bảo đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE. Trước đó, Tổng công ty đã thực hiện ký kết hợp đồng tín dụng với ba ngân hàng thương mại là SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, Vietnam Airlines có thêm nguồn lực để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh đón chờ cơ hội khi thị trường từng bước phục hồi.

Dù lỗ rất lớn trong năm 2021, nhưng theo Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa, Vietnam Airlines đã đạt được những kết quả khả quan hơn mong đợi. Tổng Doanh thu hợp nhất năm 2021 ở mức 29.752 tỷ đồng, bằng 79,6% kế hoạch 2021. Lỗ hợp nhất trước thuế thấp hơn 1.339 tỷ đồng so với số lỗ kế hoạch đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông… Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa cho biết, những kết quả trên đến từ sự nỗ lực, nghiêm túc thực hiện các biện pháp ứng phó với đại dịch của Vietnam Airlines. Trong đó, phương án tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp được Vietnam Airlines xác định là giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể, Vietnam Airlines triển khai tái cơ cấu trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm 7 nhóm giải pháp. Các giải pháp lớn có thể kể đến như tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán giãn, hoãn các khoản thanh toán, giảm tiền thuê tàu bay, hủy hoặc đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới; tái cơ cấu tài sản thông qua thanh lý các tàu bay cũ, bán và thuê lại tàu bay; tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên thông qua chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ bên ngoài, phát hành trái phiếu... Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng tái cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt đầu mối xử lý công việc, phân công tổ chức lao động khoa học để vừa tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao năng suất, vừa cắt giảm chi phí và cải thiện thu nhập cho người lao động.

Mặc dù gặp nhiều lực cản từ đại dịch COVID-19, hàng loạt sản phẩm mới được ra mắt trong năm 2021 cho thấy năng lực đẩy mạnh chuyển đổi số của Vietnam Airlines như Sàn giao dịch thương mại điện tử VNA Mall, VNAMAZING - hướng tới trở thành kênh thương mại điện tử tin cậy, là cầu nối thương mại giữa nhà bán hàng và khách hàng, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. “Những nỗ lực trên của Vietnam Airlines đã nhận được hàng loạt giải thưởng danh giá do các tổ chức uy tín trong và ngoài nước vinh danh. Đây là những điểm tựa tinh thần, là nguồn cổ vũ quan trọng giúp Vietnam Airlines tiếp tục giữ đà phục hồi trong năm 2022 và tiến tới ổn định phát triển trong các năm tiếp theo”, ông Ngọc Hòa chia sẻ.

Cơ hội phía trước

Vietnam Airlines: Chọn sáng tạo làm phương châm đổi mới để phục hồi
Hãng kiên định phát triển là doanh nghiệp hàng không số 1 tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu kinh doanh có hiệu quả bền vững cho cổ đông

Ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới 2022, tại các sân bay, hành khách đã tấp nập trở lại. Trên bầu trời, những chuyến bay nối tiếp sải cánh – một “trạng thái bình thường mới” đã chính thức trở lại sau 2 năm đóng băng vì đại dịch. Cùng với hàng chục đường bay quốc nội đang tăng dần tần suất, Vietnam Airlines đã khôi phục toàn bộ mạng đường bay quốc tế của Hãng. Với phương châm “chủ động thích ứng”, Vietnam Airlines đang triển khai nghiên cứu các dịch vụ mới như nhận thẻ lên máy bay tại nhà, tự quẹt thẻ lên máy bay, gửi hành lý trước khi lên sân bay và gửi về nhà sau chuyến bay..., đồng thời ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào công tác quản lý tiêu chuẩn phòng, chống dịch để xây dựng quy trình trải nghiệm dịch vụ “không điểm chạm”, giúp rút ngắn thời gian, giảm thiểu tiếp xúc cho hành khách và hướng đến chất lượng dịch vụ 5 sao.

Tuy nhiên, những khó khăn mà ngành hàng không cũng như Vietnam Airlines phải đối mặt trong thời gian tới vẫn còn rất nhiều. Ngoài việc duy trì hoạt động trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, với nhiều biến chủng khó lường thì giá nhiên liệu bay tăng nhanh, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nhiều bất ổn… sẽ khiến việc triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn thách thức. Ngoài các tác động trực tiếp về mặt tài chính và dòng tiền, các hãng bay cũng phải đối mặt với không ít vấn đề liên quan đến môi trường sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn như dư thừa nguồn lực tàu bay, cạnh tranh về giá vé... Những vấn đề này sẽ có tác động lâu dài, làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không nội địa so với các hãng hàng không nước ngoài. Đây đều là những hệ quả xuất phát từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với ngành hàng không Việt Nam.

Trước những thách thức đó, giải pháp của Vietnam Airlines là gì? Hãng cho biết, đã đặt ra mục tiêu triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tàu bay với chi phí tối ưu, linh động thay đổi và điều chỉnh các phương án khai thác nhằm thích ứng với tình hình, chính sách của chính phủ các nước nơi Vietnam Airlines hoạt động. Hãng kiên định định hướng phát triển là doanh nghiệp hàng không số 1 tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo lợi ích bền vững cho cổ đông.

Lấy sáng tạo làm phương châm đổi mới

Vietnam Airlines: Chọn sáng tạo làm phương châm đổi mới để phục hồi
Hội đồng quản trị Vietnam Airlines

Tình hình dịch bệnh, thảm họa môi trường là điều không thể dự báo trước, đây cũng là rủi ro lớn đối với ngành hàng không. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu đi lại của người dân và hàng không là một trong những ngành đầu tiên phải hứng chịu hậu quả. Với Vietnam Airlines, đối tượng khách chủ yếu trên các chuyến bay trong giai đoạn gần đây và sắp tới được dự báo là khách công vụ, chuyên gia, người hồi hương… Trong khi đó, đối tượng khách chủ đạo là khách du lịch (chiếm tới 40% nhu cầu) vẫn chưa thể hồi phục như trước dịch bệnh. Hơn nữa, nhóm khách hàng này là đối tượng rất nhạy cảm về giá nên dẫn tới các hãng hàng không sẽ cạnh tranh khốc liệt để thu hút khách, lấp đầy chuyến bay.

Trong khó khăn của ngành hàng không, Vietnam Airlines cho biết, Tổng công ty chọn giá trị cốt lõi “An toàn là số 1; Khách hàng là trung tâm; Người lao động là tài sản quý giá nhất và Không ngừng sáng tạo”. Hãng lấy sáng tạo là phương châm đổi mới.

Việc đổi mới đến từ đổi mới cách tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo. Vietnam Airlines sẽ dẫn dắt, đổi mới công tác quản trị điều hành kinh doanh vận tải hàng không trên cơ sở không ngừng nâng cấp chất lượng dịch vụ theo hướng hãng hàng không 5 sao, khai thác dải đối tượng khách hàng từ truyền thống tới giá rẻ. Đồng thời, mở rộng quy mô khai thác mảng hàng không chi phí thấp (LCC) để phục vụ tối đa nhu cầu đa dạng của khách hàng. Thực hiện tái cơ cấu Pacific Airlines và Vasco trên cơ sở tinh giản bộ máy, sử dụng hiệu quả các nguồn lực chung với Vietnam Airlines, tận dụng các lợi thế, thế mạnh của từng hãng hàng không, tiết giảm chi phí nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh chung của VNA Group.

Theo Vietnam Airlines, giai đoạn 2021 - 2025 là giai đoạn diễn ra những chuyển biến mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh toàn cầu. Trong đó, điển hình là sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, sự phổ biến của công nghệ số và dữ liệu lớn (Big Data). Điều này dẫn đến thói quen tiêu dùng của các nhóm khách hàng thay đổi. Bên cạnh đó, ngành vận tải hàng không Việt Nam vẫn tiếp tục đứng trước những thách thức về bảo vệ môi trường, các rủi ro về dịch bệnh, thiên tai cũng như những tồn tại, mâu thuẫn trong hệ thống pháp lý và sự cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt khi xu hướng bầu trời mở ngày càng phổ biến.

Trong bối cảnh trên, Vietnam Airlines chọn đẩy mạnh triển khai nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi hạ tầng số, tổ chức nguồn dữ liệu số và đẩy mạnh khai thác các báo cáo thông minh (BI). Tổ chức kho dữ liệu dùng chung DWH chung bao gồm tất cả các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu khai thác và quản trị dữ liệu trên môi trường Cloud. Triển khai đồng bộ các hệ thống công nghệ thông tin theo chuẩn mực ngành hàng không dựa trên các quy trình tiêu chuẩn, tiên tiến (Best Practice) của ngành hàng không. Triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào các lĩnh vực thương mại, điều hành khai thác, tự động hóa phục vụ khách hàng, nâng cao tính trải nghiệm của khách hàng…

Về vấn đề tài chính, Tổng công ty cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với các chủ nợ, đặc biệt là các chủ tàu bay trong việc giảm bớt khoản nợ cũ và giảm giá thuê cho các hợp đồng thuê hiện tại; trả sớm tàu bay đang thuê, lùi thời gian nhận tàu đối với các hợp đồng đã ký. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị và triển khai các giải pháp hỗ trợ thanh khoản của Nhà nước với vai trò là chủ sở hữu của Tổng công ty; đẩy nhanh việc triển khai các giải pháp tái cơ cấu danh mục đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết và tiếp tục triển khai tái cơ cấu tài sản (bán/bán và thuê lại tàu bay cũ) để đảm bảo dòng tiền.

Trong khát vọng phát triển trung hạn, Vietnam Airlines đặt mục tiêu Top 3 về quy mô doanh thu trong khu vực Đông Nam Á; Top 10 các hãng hàng không được ưa thích tại châu Á. Tuy nhiên, về hiệu quả kinh doanh, Tổng công ty không đề cập cụ thể, ngay cả với hoạt động của năm hiện hành là 2022. Điều này cho thấy, trên 40.000 cổ đông của Hãng sẽ cần tiếp tục chấp nhận đầu tư dài hạn và đặt niềm tin vào quyết tâm phục hồi phát triển của Vietnam Airlines mới không bị sốt ruột, “cắt lỗ” cổ phiếu này.

Bức tranh tài chính 2016-2021 của Vietnam Airlines

Vietnam Airlines: Chọn sáng tạo làm phương châm đổi mới để phục hồi
Nguồn: báo cáo thường niên 2021 của Vietnam Airlines

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư