Giải ngân đầu tư công: “Chúng ta cũng chưa quyết liệt, chưa tập trung, nghiêm túc”!

09:37 | 28/05/2022 Print
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, mặc dù Thủ tướng đã có chỉ đạo với nhiều văn bản, thành lập 6 đoàn công tác, nhưng tình hình thực sự không được cải thiện nhiều, tiến độ giải ngân vẫn như mọi năm, không thấp hơn, không cao hơn.

Chiều 27/5 tại Hà Nội, Tổ công tác số 5 của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, về tình hình, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2022, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Tổ trưởng tổ công tác - chủ trì.

Giải ngân đầu tư công: “Chúng ta cũng chưa quyết liệt, chưa tập trung, nghiêm túc”!
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Tổ trưởng tổ công tác - chủ trì cuộc họp

3/5 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 15%

Về tình hình, kết quả giải ngân 04 tháng, ước giải ngân 05 tháng đầu năm 2022 của Tổ công tác số 5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng số vốn đầu tư NSNN năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho 05 địa phương là 27.962,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối NSĐP: 22.400,7 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương là 5.561,75 tỷ đồng (vốn trong nước: 4.170,602 tỷ đồng, vốn nước ngoài (ODA) 1.391,148 tỷ đồng).

Tổng số vốn đã được địa phương phân bổ chi tiết: 30.448 tỷ đồng, gồm: vốn NSĐP là 24.914 tỷ đồng. Trong đó: 03/05 địa phương giao cao hơn số vốn Thủ tướng Chính phủ giao là: Bắc Ninh (vượt 875 tỷ đồng), Đà Nẵng (vượt 1.367 tỷ đồng); Quảng Nam (vượt 288 tỷ đồng do các địa phương giao tăng từ nguồn thu sử dụng đất và các khoản thu khác. Nguồn vốn NSTW: 5.534 tỷ đồng, đạt 99,5% kế hoạch, gồm: vốn NSTW trong nước: 4.170 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; vốn nước ngoài (ODA): 1.3634 tỷ đồng, bằng 98,01% kế hoạch, trong đó, 04/5 địa phương giao 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Số vốn còn lại chưa được phân bổ chi tiết 676 tỷ đồng, bao gồm: Vốn NSTW nước ngoài (vốn ODA): tỉnh Quảng Nam 27,559 tỷ đồng. Vốn NSĐP: tỉnh Hà Nam 19,255 tỷ đồng; tỉnh Quảng Nam 628,903 tỷ đồng (so với kế hoạch vốn UBND tỉnh giao lại).

Điều đáng lưu ý là tình hình giải ngân vốn của các địa phương này còn rất chậm. Theo số liệu báo cáo của 5 địa phương, tổng số vốn giải ngân đến thời điểm báo cáo (04/5/2022): 4.327 tỷ đồng, đạt 14,2 % kế hoạch địa phương giao lại và đạt 15,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn bình quân của cả nước là 16,36% (thấp hơn với cùng kỳ năm 2021 đạt 17,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Trong đó, 03/5 địa phương (Bắc Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng) có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 15%. Có 04/5 địa phương chưa thực hiện giải ngân vốn ODA hoặc giải ngân với tỉ lệ rất thấp (tỉnh Quảng Nam đạt 1,9%).

Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, thì đến ngày 30/4/2022, 5 địa phương giải ngân được 4.227,578 tỷ đồng, đạt 15,12% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm và thấp hơn bình quân cả nước (16,36%), thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 17,04% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Cụ thể, Hải Dương đạt 15,13%; Bắc Ninh đạt 14,96%; Hà Nam đạt 14,32%; Đà Nẵng 13,99%; Quảng Nam đạt 17,49%.

Uớc thực hiện giải ngân đến ngày 31/5/2022 của 5 địa phương là 5.205,522 tỷ đồng, chỉ đạt 18,62% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là thấp so với ước bình quân giải ngân của cả nước 22,37%, thấp so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 22,21% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Có 03/5 địa phương chưa thực hiện giải ngân vốn ODA và 02/5 giải ngân với tỷ lệ rất thấp (Hải Dương 1,3%, Quảng Nam 2,15%).

Như vậy, tỷ lệ giải ngân của 5 địa phương còn thấp so với cùng kỳ và thấp hơn so với bình quân chung cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và lắng nghe phản hồi của các địa phương về nguyên nhân chậm giải ngân.

“Phải làm rõ nguyên nhân ở đâu? Do chúng ta chưa quyết liệt, do giá nguyên vật liệu tăng cao, hay do giải phóng mặt bằng”, Bộ trưởng nói và yêu cầu các địa phương phải chỉ rõ, vướng ở đâu, chỗ nào, cấp nào.

“Nếu nói vướng do thể chế, thì cụ thể là luật nào, điều luật nào. Nếu vướng do thực thi thì vướng từ ở tỉnh, hay xuống sở, ngành, địa phương? Vướng mặt bằng, hay vướng ở thủ tục, ở nhà thầu...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh, phải làm rõ, đồng thời đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

7 vướng mắc chính của 5 địa phương trong quá trình giải ngân

Tổng hợp báo cáo từ các địa phương, báo cáo của tổ công tác cho biết, có 7 khó khăn vướng mắc tập trung chủ yếu.

Một là, đối với các dự án nhóm A, các dự án có quy mô lớn, có tính chất liên kết vùng có trình tự, thủ tục hoàn thiện thủ tục đầu tư (bao gồm cả điều chỉnh dự án), thiết thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; các thủ tục về đấu thầu lựa chọn nhà thầu... phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan làm kéo dài phê duyệt dự án và giải ngân các dự án.

Hai là, năm thứ 2022 là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (thực chất là năm đầu tiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua tháng 7/2021), là năm các địa phương bắt đầu khởi công nhiều dự án.

Theo quy định của Luật Xây dựng, các quy định của pháp luật liên quan, dự án khởi công mới được bố trí vốn đầu năm phải mất nhiều thời gian triển khai thủ tục lập, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, các thủ tục về đấu thầu (thường mất khoảng 06 tháng - 08 tháng), ảnh hưởng đến tiến độ khởi công mới, chỉ giải ngân được ở những tháng cuối năm.

Ba là, khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng, nhân lực giá nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng cao đột biến đặc biệt là giá thép, đất, cát xây dựng tặng mạnh so với dự toán đã duyệt... dẫn đến các nhà thầu thi công cầm chừng hoặc tạm dừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh bù giá vật liệu xây dựng, nhiều dự án đang thực hiện phải điều chỉnh do tăng tổng mức đầu tư.

Bốn là, vướng mắc giải phóng mặt bằng do chính sách giá đất đai có sự chênh lệch lớn giữa giá thực tế ngoài thị trường và giá của nhà nước, mất nhiều thời gian, thủ tục để xác định nguồn gốc đất làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân.

Năm là, một số dự án ODA đã kết thúc Hiệp định hoặc sắp kết thúc Hiệp định đang thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian; dự án vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà thầu do nhà tài trợ nước ngoài chậm phản hồi ý kiến; chưa thể nhập dự toán trên hệ thống Tabmis đối với dự án cấp phát từ NSTW gồm vốn đầu tư công và vốn sự nghiệp theo hình thức ghi thu – ghi chi giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước ảnh hưởng đến tiên độ thực hiện và giải ngân của dự án.

Sáu là, đối với dự án sử dụng nguồn thu sử dụng đất là nguồn phát sinh thực tế trong năm, chỉ phân bổ chi tiết và giải ngân sau khi thu, nộp vào ngân sách, nên chậm giải ngân trong những tháng đầu năm đối với nguồn vốn này.

Bảy là, công tác chỉ đạo, điều hành ở một số cơ quan đơn vị, chủ đầu tư chưa thực sự tập trung, quyết liệt thiếu quyết tâm chính trị, vai trò của người đứng đầu còn hạn chế. Một số chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu yếu kém về năng lực, chuyên môn; kỷ cương kỷ luật chưa nghiêm, công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, việc xử lý các vi phạm, chậm trễ trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công chưa kịp thời, nghiêm minh; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở một số địa phương chậm, thiếu sự quyết liệt, tuyên truyền, vận động người dân.

Cụ thể, tại tỉnh Bắc Ninh, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh giải ngân đạt 15,2% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn NSĐP đạt 15,47% kế hoạch; vốn NSTW trong nước giải ngân đạt 12,66% kế hoạch; vốn ODA chưa thực hiện giải ngân.

Bà Giang chỉ rõ, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công gặp một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, điển hình với các dự án có quy mô liên kết vùng. Cụ thể, trình tự, thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn có tính chất liên vùng, phải qua nhiều bước lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan, làm kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các dự án.

“Như tại Bắc Ninh có dự án cầu Kênh Vàng kết nối 2 tỉnh Bắc Ninh- Hải Dương có quy mô thuộc thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; dự án trước khi triển khai phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thoả thuận, cấp phép theo quy định của Luật Đê điều”, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho hay.

Giải ngân đầu tư công: “Chúng ta cũng chưa quyết liệt, chưa tập trung, nghiêm túc”!
Nhiều dự án chậm tiến độ. Ảnh minh họa

Còn ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, tỉnh đã giải ngân được 13,67% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn NSĐP đạt 19,19% kế hoạch; vốn NSTW trong nước giải ngân rất thấp chỉ đạt 1,27% kế hoạch; vốn ODA chưa thực hiện giải ngân.

“Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai dự án nhiệm kỳ mới nên thủ tục, trình tự đầu tư mất rất nhiều thời gian, mỗi bước quy trình ít nhất mất tới 30-35 ngày. Đấu thầu mất tới 30 ngày, còn nếu cho phép chỉ định thầu thì rút ngắn được thời gian. Ngoài ra, giá sắt thép, ximăng ảnh hưởng rất lớn, nhà thầu càng làm càng lỗ nên họ chờ để bù giá. Cộng thêm vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, dự án giao thông có nhà dân, tìm chỗ khác thì phải giải phóng thêm lần 2 cho khu tái định cư, rồi làm hạ tầng, có khi mất tới hơn 300 ngày, gồm cả quá trình thi công và tái định cư”, ông Huy đưa các vướng mắc.

Ông Huy cũng chỉ ra thêm là, hiện nay tính giá đất cũng có bất cập, hiện đang được sửa đổi quy định, nhưng nếu không sớm ban hành, thì tất cả các tỉnh đều tắc, nguồn vốn bố trí cuối năm nay, sang năm là khó khăn. Hiện nay, có tới 2 thông tư của Bộ Tài nguyên và môi trường có những điểm vướng, bên dưới thực hiện không rõ.

Theo ông Trương Quốc Huy, về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm A -đơn cử như tại Hà Nam có dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Tam Chúc của tỉnh Hà Nam- đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014.

“Tuy nhiên, Luật Đầu tư công năm 2019 chưa có quy định đối với các dự án đang thực hiện thì cấp nào sẽ thực hiện điều chỉnh chủ trương dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư”, ông Huy băn khoăn.

Cùng với đó là vướng mắc về cơ chế giải ngân nguồn vốn nước ngoài đối với dự án cấp phát từ NSTW gồm vốn đầu tư công và vốn sự nghiệp theo hình thức ghi thu- ghi chi giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước nên chưa thể nhập dự toán trên hệ thống Tabmis để giải ngân làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án. Đơn cử như dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020.

“Vướng mắc về GPMB do chính sách giá đất có sự chênh lệnh lớn giữa giá thực tế ngoài thị trường và giá của địa phương ban hành; mất nhiều thời gian, thủ tục để xác định để xác định nguồn gốc đất để thu hồi và làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân,” ông Trương Quốc Huy, nói thêm.

Xử lý “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, mặc dù Thủ tướng đã có chỉ đạo với nhiều văn bản, thành lập 6 đoàn công tác ở các bộ ngành và địa phương để nắm bắt kịp thời tại sao chưa giải ngân được, tiến độ chậm, nhưng tình hình thực sự không được cải thiện nhiều, tiến độ giải ngân vẫn như mọi năm, không thấp hơn, không cao hơn.

“Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. Yêu cầu đặt ra là các cấp, các ngành phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Năm nay, theo Bộ trưởng, không chỉ cần giải ngân vốn đầu công theo kế hoạch năm, mà còn cả vốn của Chương trình Phục hồi, do vậy số vốn cần giải ngân rất lớn. “Nếu không đẩy nhanh, không hấp thụ được vốn thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu, kế hoạch của Chương trình Phục hồi”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vẫn cần sự chủ động tích cực của các địa phương trong việc bám sát nhiệm vụ và kế hoạch giải ngân vốn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, bên cạnh các yếu tố khách quan còn có yếu tố chủ quan. “Chúng ta cũng chưa quyết liệt, chưa tập trung, nghiêm túc, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nguyên nhân tồn tại từ lâu như tổ chức GPMB, năng lực nhà thầu, năng lực tư vấn, xu hướng đặc trưng đặc thù của đầu tư công, ta phải làm theo trình tự thủ tục”, Bộ trưởng Dũng cho hay.

Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới , cần tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục về đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập, đồng thời rà soát các quy định về xây dựng, đất đai, tài nguyên, hải quan, y tế…để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh, cắt giảm, bổ sung vốn NSTW kế hoạch năm 2022 giữa các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 3/5/2022.

Đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính có giải pháp, cơ chế, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công khi giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng cao như trong thời gian vừa qua.

Đối với các UBND tỉnh thành phố, cần tiếp tục duy trì hoặc thành lập mới Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh do lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để thúc đẩy, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý “ điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, động lực;

Đặc biệt, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác GPMB, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân có đất bị thu hồi hiểu rõ chủ trương, chính sách của nhà nước về giá đất bồi thường, GPMB, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm sang dự án có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân tốt hơn để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Về giải pháp, Chủ tịch tỉnh Hà Nam đề xuất, tập trung hoàn thiện thủ tục, chọn nhà đầu tư, lập quy hoạch các khu tái định cư cho các dự án, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án trong quá trình triển khai.

Tỉnh cũng kiến nghị với thủ tục đấu nối, thỏa thuận đất nối, chuyển đổi sử dụng đất… các bộ ngành liên quan cần tháo gỡ nhanh vì mất rất nhiều thời gian. Sớm ban hành Nghị định về tính giá đất, không làm nhanh thì không tính giá đất được và không thể triển khai dự án.

Bên cạnh đó, một số địa phương cũng kiến nghị xem xét, sửa đổi quy định tại khoản 2, điều 68 luật đầu tư công theo hướng HĐND các cấp quyết định kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán đối với kế hoạch vốn thuộc cấp mình quản lý, tạo sự chủ động và gắn với trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp ngân sách./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư