Xuất khẩu cần thêm những trợ lực để về đích năm 2022

09:01 | 30/05/2022 Print
Thực tế các con số thống kê về kim ngạch xuất khẩu tháng 4 và 5/2022 cho thấy, xuất khẩu đã không đạt được như kỳ vọng.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2022 giảm 8,5% so với tháng trước

Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,25 tỷ USD, giảm 7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,23 tỷ USD, giảm 9,1%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2022, tăng 16,4%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 17,1%.

Xuất khẩu cần thêm những trợ lực để về đích năm 2022
5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 40,25 tỷ USD, tăng 20,8%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 112,56 tỷ USD, tăng 14,8%, chiếm 73,7%.

Trong 5 tháng đầu năm 2022 có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 62,3%

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, 5 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,6%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,9%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 3,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 32,21 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 12,03 tỷ USD, tăng 6,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,18 tỷ USD, giảm 4,8%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Năm tăng 12,9%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,4%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,29 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 53,36 tỷ USD, tăng 14,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98,93 tỷ USD, tăng 14,9%.

Trong 5 tháng đầu năm 2022 có 28 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 85,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,9%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,8%, giảm 0,3 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,1%, giảm 0,1 điểm phần trăm.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 46,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 49,6 tỷ USD.

Tính chung, tháng 5/2022 ước tính nhập siêu 1,73 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 516 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,24 tỷ USD).

Các yếu tố gây bất lợi tới xuất khẩu của Việt Nam

Mặc dù, xuất khẩu vẫn đang phục hồi mạnh mẽ, nhưng các yếu tố gây bất lợi tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng đang xuất hiện.

Điều này đến từ thương mại toàn cầu đang phục hồi chậm lại do tác động của chiến sự Nga - Ukraine cùng tình hình dịch bệnh bùng phát và chủ trương "Zero Covid" tại Trung Quốc.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 5/2022, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Vì vậy, việc quốc gia này vẫn đang thực hiện các biện pháp phong tỏa do Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.

Thực tế cho thấy, mặc dù đơn hàng xuất khẩu dồi dào, hoạt động sản xuất phục hồi, lao động ổn định, song các ngành sản xuất chủ yếu đang phải gồng mình trong cơn “bão giá” vì hầu hết các chi phí sản xuất đầu vào đều tăng cao, do tác động kép từ đại dịch và xung đột Nga-Ukraine.

Điển hình như đối với mảng xơ sợi, dù xuất khẩu vẫn tăng gần 14% sau 4 tháng năm 2022, đạt trên 1,9 tỷ USD, đơn hàng không thiếu, nhưng doanh nghiệp lại đang đứng trước thực tế giá bông cao hơn giá bán sợi, gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp sợi, trong khi chi phí sản xuất vẫn theo đà tăng.

Trong 4 tháng năm 2022, nhập khẩu bông đạt 469.000 tấn, trị giá 1,23 tỷ USD, giảm gần 20% về lượng, nhưng do giá bông tăng, nên trị giá nhập khẩu tăng gần 23,5% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp phải “cân não” với giá sợi, nhằm giảm thiểu rủi ro với lợi nhuận.

Khó khăn lớn nhất, theo các doanh nghiệp, là tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và chi phí đầu vào gia tăng quá mạnh. Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp nào có tỷ trọng nguyên liệu mua trong nước cao sẽ thuận lợi hơn. Lý do là, hầu hết các ngành nhập nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc, trong khi nước này đang thực hiện chính sách zero Covid-19, khiến chuỗi cung ứng bị chậm lại.

Thực tế các con số thống kê về kim ngạch xuất khẩu tháng 4 và 5/2022 cũng cho thấy, xuất khẩu đã không đạt được như kỳ vọng.

Tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 33,32 tỷ USD, giảm 4%, tương ứng giảm 1,39 tỷ USD so với tháng trước. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước.

Cần chú trọng đa dạng hóa thị trường

Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Công Thương lưu ý, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài, cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn các ngân hàng thanh toán trong bối cảnh cấm vận.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ tại các nước châu Âu có trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang có gặp khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine để tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp tại châu Âu.

Đa dạng hóa thị trường cũng là khuyến cáo của các chuyên gia WB, bởi với việc phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng bị kéo dài, thì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, chú trọng triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Bên cạnh đó, hướng dẫn doanh nghiệp các cơ hội của các FTA quan trọng như: FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…/.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư