e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Đại biểu Quốc hội đề xuất xử lý nghiêm các hành vi làm giá chứng khoán

12:07 | 01/06/2022 Print
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề xuất, cần xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá chứng khoán, nhưng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế…

“Đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản…”, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề xuất, khi Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế-xã hội, diễn ra sáng nay (ngày 1/6), theo Văn phòng Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội đề xuất xử lý nghiêm các hành vi làm giá chứng khoán
Theo Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai), thị trường vốn rất mong manh và dễ bị thao túng (ảnh: Quốc hội)

Ông An nhìn nhận, những vụ việc vừa qua cho thấy, thị trường vốn rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động can thiệp. Cần phải theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá, làm giá, thực hiện sai nghĩa vụ công bố thông tin. Xử lý sai phạm nhưng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, doanh nghiệp càng lớn thì trách nhiệm đối với xã hội và nền kinh tế càng phải cao.

“Cần rà soát chính sách quản lý đối với các loại thị trường quan trọng này, để tránh tình trạng lúc quá mở, lúc lại bóp nghẹt, làm ảnh hưởng đến kênh dẫn vốn của nền kinh tế...”, ông An kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội đề xuất xử lý nghiêm các hành vi làm giá chứng khoán
Theo Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Bình Định), cần có giải pháp phát triển cân đối thị trường vốn, thị trường tiền tệ, làm lành mạnh hóa thị trường (ảnh: Quốc hội)

Cùng mối quan tâm về thị trường chứng khoán, Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Bình Định) nhìn nhận, thời gian qua thị trường chứng khoán, thị trường vốn có sự phát triển nhất định, tuy nhiên đã xuất hiện một số vụ việc, biểu hiện không lành mạnh như: thao túng thị trường, che giấu thông tin, trục lợi…, làm ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, an toàn của nền tài chính đất nước.

Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, cần có giải pháp phát triển cân đối thị trường vốn, thị trường tiền tệ, làm lành mạnh hóa thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn, thực hiện các dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quyền lợi của người tham gia thị trường, hạn chế tối đa các hành vi trục lợi.

“Các bộ, ngành cần rà soát các quy định của pháp luật về chứng khoán và phát hành cổ phiếu, quản lý chặt chẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các nghị định liên quan. Chính phủ cần tiếp tục tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường công khai minh bạch thông tin cho người dân; trang bị kiến thức cần thiết cho người dân về lĩnh vực này…”, bà Hạnh đề xuất.

Trong phiên thảo luận chiều nay (ngày 1/16), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến vào các vấn đề quan trọng, chẳng hạn như những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, đánh giá bối cảnh thế giới năm 2022 tác động tới kinh tế - xã hội trong nước, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp ngắn hạn cho những tháng còn lại của năm 2022, cũng như dài hạn cho giai đoạn 2021-2025; những yếu tố thuận lợi, khó khăn và cách thức giải quyết các vấn đề còn hạn chế.

“Cần đánh giá sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, định hướng và một số nội dung chính cần quan tâm khi xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu trong thời gian tới…”, ông Mẫn lưu ý./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư