e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng/Chứng khoán

Việt Nam thiếu tiêu chí gì trong kỳ vọng nâng hạng TTCK?

18:37 | 01/06/2022 Print
S&P Global Ratings vừa nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (lên BB+); NYSE công bố sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng hạng; Thủ tướng chỉ đạo triển khai các giải pháp để nâng hạng thị trường… đã tạo kỳ vọng lớn cho nhà đầu tư Việt Nam về ngày nâng hạng TTCK sắp đến, nhiều tỷ USD sẽ đổ thị trường... Tuy nhiên, nhìn sâu vào bản chất nâng hạng sẽ thấy, ngày nâng hạng có lẽ còn xa khi Việt Nam khó đáp ứng ít nhất 3-5 điều kiện để được sự đồng thuận nâng hạng của các tổ chức quốc tế…

Kỳ vọng nâng hạng đang khuyết nhiều tiêu chí trọng yếu

Việt Nam thiếu tiêu chí gì trong kỳ vọng nâng hạng TTCK?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm cho UBCK từ nay đến cuối năm 2022

Ngày 30/5/2022, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc UBCK tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, chủ động đề xuất với Bộ Tài chính để trao đổi, làm việc với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để TTCK Việt Nam sớm được xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi tiếp nối kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị về thị trường vốn do Chính phủ tổ chức cuối tháng 4/2022, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo khắc phục ngay tình trạng nghẽn lệnh và đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số, khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.

Vậy Việt Nam đang thiếu tiêu chí nào để đến đích nâng hạng?

Thực tế, trong số các tổ chức xếp hạng thị trường mà tiêu biểu là MSCI và FTSE Russel thì MSCI vẫn xếp Việt Nam trong nhóm thị trường cận biên, trong khi đó FTSE Russell tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách chờ xét nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. UBCK đã có nhiều buổi làm việc với MSCI, FTSE Russell để trao đổi, chia sẻ, làm rõ các thông tin liên quan đến TTCK Việt Nam, nhưng những cải tiến để đi đến những bước tiến nâng hạng chưa có gì nhiều trong hơn 1 năm qua.

Đại diện UBCK từng chia sẻ, so với bộ tiêu chí FTSE Russell, TTCK Việt Nam đã thỏa mãn 7/9 tiêu chí nâng hạng. Tiêu chí “Chu kỳ thanh toán-DvP” bị đánh giá “Hạn chế” do nhà đầu tư phải ký quỹ đủ tiền mặt trước khi đặt lệnh và tiêu chí “Thanh toán - Tỷ lệ hiếm khi giao dịch thất bại” không được đánh giá do yêu cầu thanh toán (ký quỹ trước) hiện tại dẫn tới việc khả năng giao dịch thất bại gần như không tồn tại.

Xét theo tiêu chí của MSCI, Việt Nam vẫn còn 9/17 tiêu chí cần phải cải thiện. Nếu so với Kuwait (được nâng hạng năm 2020), Việt Nam vẫn còn 5 tiêu chí còn phải cải thiện để có thể nâng hạng, đó là: (1) Giới hạn sở hữu nước ngoài tại lĩnh vực có điều kiện; (2) TTCK bị ảnh hưởng đáng kể bởi room khối ngoại; (3) Quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài liên quan thông tin Tiếng Anh và room sở hữu; (4) Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; (5) Đăng ký mở tài khoản phải có chấp thuận VSD; (6) Quy định thị trường và dòng thông tin bằng Tiếng Anh và (7) Thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền. Tại báo cáo này, MSCI đã có điều chỉnh trong đánh giá về Việt Nam đối với mục thanh toán bù trừ (Clearing and settlement)…

Những tiêu chí khó đáp ứng nhất...

Việt Nam thiếu tiêu chí gì trong kỳ vọng nâng hạng TTCK?
Chiều ngày 16/5 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới tham quan Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
Tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng khiến lễ trao hai văn kiện hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư giữa các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có văn bản hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam với NYSE về hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán.

Không phải vô tình mà trong các trả lời báo chí hay chia sẻ với dư luận, các lãnh đạo ngành chứng khoán thường đưa quan điểm: Để nâng hạng TTCK cần những nỗ lực tổng thể của cả nền kinh tế và chính các doanh nghiệp.

Điểm khó đầu tiên trong các tiêu chí Việt Nam đang thiếu là “tự do hóa thị trường ngoại hối”. Theo định nghĩa, tự do hoá thị trường ngoại hối là cho các nguồn vốn nước ngoài và trong nước tự do luân chuyển, tạo sự hấp thụ có hiệu quả các nguồn vốn từ bên ngoài để phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu kinh tế thương mại với các nước trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, đây là điều chưa được hiện thực hóa ở Việt Nam.

Pháp lệnh Ngoại hối 2005, sau đó được Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi bổ sung năm 2013, là văn bản pháp lý cao nhất trong các hoạt động quản lý ngoại hối của Việt Nam. Trong đó quy định các giao dịch vốn ra và vào Việt Nam đều được thực hiện thông qua tài khoản ngoại tệ của một tổ chức tín dụng.

Pháp lệnh quy định, các tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng được phép vay và trả nợ bằng ngoại tệ nhưng phải thực hiện đăng ký khoản vay, mở và sử dụng tài khoản, rút vốn và chuyển tiền trả nợ, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay theo quy định của NHNN. Pháp lệnh sửa đổi năm 2013 quy định rõ hơn nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối, theo hướng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản. Những nội dung trên cho thấy, Việt Nam chưa thể vượt qua được tiêu chí về mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối. Đặc biệt, nỗ lực để đáp ứng yêu cầu này, nếu có, không thuộc về UBCK hay Bộ Tài chính Việt Nam.

Điểm khó thứ hai là “Thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền”. Theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, điều họ cần nhất là tiền và chứng khoán phải được chuyển giao đồng thời trong ngày, để đảm bảo tính hiệu quả của việc đầu tư, đồng thời đảm bảo nguyên tắc quản lý rủi ro của danh mục. Tuy nhiên tại Việt Nam, tiền mua cổ phiếu vẫn phải chuyển trả thanh toán tối thiểu 1 ngày trước ngày cổ phiếu về tài khoản người mua, còn tiền bán chứng khoán, về nguyên tắc, phải 3 ngày sau mới về đến tài khoản người bán. Đặc tính này tiếp tục là một hạn chế lớn và chưa có lời giải cụ thể khi Gói thầu 04 kết nối hệ thống công nghệ toàn TTCK Việt Nam vẫn chưa có thời hạn hoàn tất. Vì thế, việc chờ đợi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế chấp thuận “cho qua” để tiến tới nâng hạng trong tương lai gần là khá… mong manh.

Tiêu chí khó thứ ba là giới hạn sở hữu đầu tư nước ngoài. Ngày 31/8/2021, Cổng Thông tin quốc gia về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật “Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài”, tạo căn cứ để biết doanh nghiệp có được định danh trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không; tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là bao nhiêu. Văn bản này làm sáng tỏ những quy định về hạn chế đầu tư với khối ngoại trong Luật Đầu tư (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), nhưng lại chưa giải quyết được vấn đề quan trọng nhất mà nhà đầu tư ngoại mong đợi ở nền tảng pháp lý tại Việt Nam.

Trong nhiều lần kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành, Nhóm công tác thị trường vốn - đại diện cho tiếng nói của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - đã nêu đề xuất: với những doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh không có điều kiện có cổ phiếu đang giao dịch trên TTCK thì tỷ lệ sở hữu của khối ngoại cần tự động mở 100% mà không có điều kiện khác. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay vẫn trao quyền quyết định về room ngoại cho Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp. Theo đó, việc nới giới hạn sở hữu đầu tư nước ngoài (trong các ngành nghề không bị hạn chế đầu tư) vẫn phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo doanh nghiệp, chứ chưa được tự động như kiến nghị của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tiêu chí “Quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài liên quan thông tin Tiếng Anh và room sở hữu” cũng cần thêm nhiều thời gian mới có thể hiện thực được khi thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết vẫn chỉ công bố thông tin bằng tiếng Việt. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài sẽ chưa thể tiếp cận bình đẳng về thông tin khi doanh nghiệp niêm yết vẫn lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính của Việt Nam. Năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án “Áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam" nhằm hướng tới áp dụng IFRS và chuẩn mực BCTC Việt Nam mới (VFRS) theo hướng IFRS từ sau năm 2025. Theo đó, lộ trình áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam gồm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2022-2025 cũng mới chỉ áp dụng tự nguyện theo hướng: Đối với BCTC hợp nhất, các DN sau có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS tại Việt Nam để lập BCTC hợp nhất: Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế; Công ty mẹ là công ty niêm yết; Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; Các công ty mẹ khác nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện áp dụng IFRS…

Cần những thay đổi tổng thể để nâng hạng thị trường Việt Nam

Việt Nam thiếu tiêu chí gì trong kỳ vọng nâng hạng TTCK?
Nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị cần bình đẳng về thông tin tiếng Anh và room sở hữu tại Việt Nam, tuy nhiên, việc thực thi được quy định theo lộ trình

Trong trao đổi với báo chí gần đây, Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân nhận định, nâng hạng thị trường là tiến trình tất yếu trong sự phát triển và hội nhập của thị trường chứng khoán về dài hạn. Hiện, quy mô vốn mà các quỹ có thể phân bổ cho các thị trường cận biên chỉ khoảng 95 tỷ USD, còn quy mô vốn dành cho các thị trường mới nổi đang vào khoảng 6.800 tỷ USD. Như vậy, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam cũng có thể đón nhận tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD đổ vào thị trường.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, việc nâng hạng giống như việc chúng ta đưa hàng hóa của Việt Nam lên một siêu thị trên thế giới để nhà đầu tư có thể một cách thoải mái phân bổ tiền vào. “Dù có một số điểm cần phải cải thiện, nhưng về cơ bản do ý chí của chúng ta nhiều hơn và với sự chỉ đạo của Chính phủ, Việt Nam sẽ sớm thực hiện được mục tiêu nâng hạng thị trường”, ông Thuân nhận định.

Về thời điểm nâng hạng thị trường, Chủ tịch FiinGroup đánh giá vấn đề kỹ thuật không phải trở ngại lớn và phụ thuộc vào việc triển khai của các cơ quan quản lý, đặc biệt là sự chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Thuân cũng nhận định không phải tất cả đều có lợi khi Việt Nam được nâng hạ lên thị trường mới nổi, bởi việc nâng hạng nếu đạt được, sẽ phải đi cùng với việc tự do hối đoái, tỷ giá sẽ thả nổi theo diễn biến thị trường quốc tế… Đây là những điểm Việt Nam phải cân nhắc rất nhiều, bởi dòng vốn mà nhanh vào thì nó cũng gây xáo trộn cho thị trường tiền tệ, thị trường tỷ giá.

Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) thì nhận định: “Đứng dưới quan điểm của người làm nghề chứng khoán tôi cho rằng chúng ta sẽ có thể nâng hạng được sau hơn hai năm nữa. Quy mô thị trường sẽ tăng ít nhất gấp đôi so với mức độ thanh khoản như hiện nay. Sau khi nâng hạng chúng ta sẽ đứng trong Top đầu, ít nhất là trong ba nước đứng đầu của ASEAN”, ông nói.

Ông Hà tin rằng, nâng hạng thị trường là một câu chuyện tất yếu trong tương lai. Trong ngắn hạn, chúng ta nhìn thấy sức khỏe của nền kinh tế đã tốt hơn so với giai đoạn 10 năm và 5 năm trước đây. Về triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 này cao hơn ít nhất khoảng 18% so với năm 2021, do đó về mặt thị trường trong ngắn hạn, kể cả thời gian nâng hạng kéo dài, thì thị trường vẫn tốt và rất nhiều cơ hội đầu tư.

Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK Tạ Thanh Bình từng chia sẻ, việc nâng hạng TTCK không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý TTCK. Động lực nâng hạng thị trường nằm chính là các doanh nghiệp đại chúng. Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác cần cải thiện để phục vụ cho mục tiêu nâng hạng thị trường như mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, giảm thiểu sự can thiệp hành chính của nhà nước vào hoạt động doanh nghiệp; cải thiện độ mở của thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp... Đây là những công việc cần sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị; và đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành.

Như vậy, dù kỳ vọng ngày nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ đến, nhưng cũng cần nhìn bản chất vấn đề để thấy, nâng hạng không thể là tương lai rất gần. Với nhà đầu tư đại chúng, hoạt động đầu tư, kinh doanh trên TTCK Việt Nam vẫn cần căn cứ vào cái gốc là sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, còn thông tin nâng hạng trong một vài năm tới chỉ nên coi là “hương vị” cho kỳ vọng thêm phần lạc quan…/.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư