Xây dựng khung kiến trúc phát triển toàn diện cho Sóc Trăng tầm nhìn 30 năm tới

16:21 | 03/06/2022 Print
Mục tiêu của Quy hoạch là đưa Sóc Trăng trở thành một tỉnh phát triển khá, có mức sống sung túc và nơi đáng sống của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Ngày 03/6/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo tham vấn về quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy hoạch tỉnh. Thứ trưởng Trần Quốc Phương và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu đồng chủ trì Hội thảo.

Xây dựng khung kiến trúc phát triển toàn diện cho Sóc Trăng tầm nhìn 30 năm tới
Thứ trưởng Trần Quốc Phương và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu

Sóc Trăng cần một quy hoạch tốt để phát triển trong tương lai

Sau 30 năm tái lập tỉnh, vượt qua khó khăn thử thách với sự quyết tâm cao, khát vọng và trí tuệ, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã khai phá những tiềm năng và thu hút dược nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế xã hội. Sóc Trăng hội tụ rất nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế, kết hợp giữa những lợi thế chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và những lợi thế của riêng Tỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022, về phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những định hướng quan trọng để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững. Quyết định đề ra việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung phát triển theo 3 tiểu vùng sản xuất tập trung theo vùng sinh thái: Vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng, Vùng sinh thái mặn - lợ ở ven biển, Vùng chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng; phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp; thúc đẩy mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng năng lượng,.....

Nằm trong Vùng đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng, lợi thế của Vùng, cũng vừa có những lợi thế riêng để phát triển. Với vị trí thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi, được ưu tiên phát triển hạ tầng như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ- Trần Đề, cảng nước sâu Trần Đề..., Sóc Trăng có nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp, cả về nông sản vùng ngọt, lợ và mặn. Với 72 km bờ biển gắn với cửa sông Hậu, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp và dịch vụ, đồng thời phát triển năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, bên cạnh các tiềm năng, lợi thế nêu trên, do xuất phát điểm thấp, việc thu hút đầu tư vào Sóc Trăng cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, như vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; quỹ đất khu công nghiệp tương đối lớn nhưng cơ sở hạ tầng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa đồng bộ, đạt yêu cầu và kỳ vọng của nhà đầu tư; quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ, chủ yếu vẫn tập trung vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến chủ yếu là sơ chế, giá trị gia tăng chưa cao.

Trong những năm tới, để đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững, Sóc Trăng cần phải xây dựng một bản quy hoạch tỉnh có thể đề ra các phương án phát triển phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc. Bên cạnh đó, cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài địa phương để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu nhấn mạnh, công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng và quy hoạch tỉnh được xem là khung kiến trúc, chiến lược phát triển toàn diện của tỉnh trong 10 năm, tầm nhìn 30 năm tới. Quy hoạch luôn đi trước một bước để đề ra chiến lược, tầm nhìn cho sự phát triển và quy hoạch tốt thì mới có các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách khoa học, bài bản.

Quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng càng có vai trò quan trọng, góp phần cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định, Cảng Trần Đề phát triển thành cảng biển đặc biệt và cửa ngõ của Vùng; Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu mong muốn, qua Hội thảo sẽ nhận được ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, trong đó tập trung về vấn đề liên quan đến quy hoạch phát triển Cảng biển nước sâu Trần Đề, định hướng các giải pháp triển khai thực hiện cảng; định hướng các ngành, lĩnh vực phát triển khi có cảng; phát triển đô thị, du lịch, phát triển nông nghiệp gắn kết với công nghiệp, dịch vụ; một số nội dung quan trọng, tổng thể, tích hợp.

Xây dựng khung kiến trúc phát triển toàn diện cho Sóc Trăng tầm nhìn 30 năm tới
Toàn cảnh Hội thảo

Đến 2030, Sóc Trăng trở thành một tỉnh phát triển khá, có mức sống sung túc và nơi đáng sống

Theo đại diện đơn vị tư vấn cho dự thảo Quy hoạch, mục tiêu của Quy hoạch đến năm 2030 là từng bước thu hẹp và tiến kịp quá trình phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, đưa Sóc Trăng trở thành một tỉnh phát triển khá, có mức sống sung túc và nơi đáng sống của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Thực tế, kinh tế của Sóc Trăng có tăng trưởng, nhưng còn chậm (trên 5,16%/năm), năm 2020 so với 2010, quy mô GRDP giảm 5 bậc, GRDP/người giảm 8 bậc, thu nhập b/q đầu người, thấp hơn so với mức b/q của Vùng và cả nước.

Công nghiệp có tăng trưởng khá (8,87%), tuy nhiên tỷ trọng vẫn nhỏ trong GRDP (11,3%) và công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp cho tăng trưởng còn thấp, chưa có ngành công nghiệp nào đủ lớn dẫn dắt Sóc Trăng thành đầu tàu tăng trưởng, trung tâm công nghiệp lớn của Vùng.

Chất lượng tăng trưởng của tỉnh vẫn còn thấp, chưa tương xứng với quy mô, thiếu lao động trình độ cao... Đóng góp của TFP vào tăng trưởng thấp hơn mức b/q của cả nước. Chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dân số còn thấp, mặc dù Sóc Trăng đang là thời kỳ của dân số vàng, nhưng là tỉnh có tăng dân số âm.

"Kinh tế phát triển chưa thật sự bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm", đại diện đơn vị tư vấn cho biết.

Xây dựng khung kiến trúc phát triển toàn diện cho Sóc Trăng tầm nhìn 30 năm tới
Sóc Trăng sẽ tập trung vào 5 trọng tâm phát triển

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đảm bảo thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực quốc gia; Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với các quan điểm phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong đó, phát triển nhanh trên cơ sở tập trung nguồn lực để phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng có lợi thế; Phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, lấy con người là trung tâm, khoa học và công nghệ làm động lực phát triển. Tận dụng tốt nhất cơ hội của CMCN 4.0.

Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế tỉnh trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nhất là tăng dần kinh tế số. Phát triển mạnh kinh tế biển và ven biển.

Xây dựng hệ thống đô thị thành các trung tâm kinh tế, đô thị thông minh; các khu cụm công nghiệp và dịch vụ. Trung tâm đầu mối. Ứng dụng khoa học công nghệ và lựa chọn phát triển những điểm đột phá xanh trong các cụm ngành trọng điểm.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển các lĩnh vực xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát triển kinh tế có gắn với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới trên biển; tăng cường mở rộng hội nhập quốc tế.

Từng bước thu hẹp và tiến kịp quá trình phát triển chung của cả nước, đưa Sóc Trăng trở thành một tỉnh phát triển khá, có mức sống sung túc (đáng sống) của vùng và cả nước. Xây dựng Sóc Trăng trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và thương mại-dịch vụ phát triển; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển bền vững về kinh tế, công bằng về xã hội, có trách nhiệm đối với môi trường và đảm bảo quy hoạch và an ninh.

Theo đơn vị tư vấn, Sóc Trăng là cực trung chuyển lớn trong hành lang kinh tế Đông-Tây và bán đảo Cà Mau. Là một trung tâm công nghiệp xanh - cơ cấu kinh tế hiện đại - xã hội phát triển hài hòa. Phát triển XANH-BỀN VỮNG là đích hướng tới trong các hoạt động kinh tế của tỉnh.

ĐỊNH HƯỚNG KINH TẾ ĐẾN NĂM 2030

- Tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 8,5%/năm trong thời kỳ 2021- 2030.

- GRDP / người đạt 75 triệu đồng/người/năm 2025; đạt 124 triệu đồng năm 2030.

- Cơ cấu GRDP KVI chiếm 33%, KVII chiếm 26%, KVIII khoảng 41%,:năm 2030, tương ứng là 27: 36: 37%.

- Giá trị trên 1 ha đất NN năm 2025 đạt trên 250 triệu đồng/ha; đến 2030 đạt 290 triệu đồng/ha.

Phát triển kinh tế tỉnh Sóc Trăng dựa trên các trụ cột chính gồm: (i) nông nghiệp công nghệ cao; (ii) công nghiệp năng lượng (nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) và công nghiệp chế biến NLS và chế tạo- hàng tiêu dùng; (iii) du lịch và dịch vụ hậu cần (logistics) và giao thông kết nối đồng bộ gắn với cảng cửa ngõ nước sâu. Ba trụ cột này đóng góp khoảng 80% GRDP và 85% việc làm vào năm 2030.

Dự thảo Quy hoạch của tỉnh cũng chỉ rõ 3 đột phá của Tỉnh là: (i) Phát triển toàn diện nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý) chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng từng bước yêu cầu của cuộc CMCN lần thứ tư; (ii) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; (iii) Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, thuỷ lợi trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư năng lượng, cảng biển, khu logistics, khu, cụm công nghiệp, các đô thị, hạ tầng du lịch, hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số.

Tham gia ý kiến, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị, nông thôn; quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển; phương hướng phát triển ngành quan trọng trên địa bàn; lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; phương án phát triển của các ngành trên địa bàn tỉnh; việc cụ thể hóa các quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng đã được phê duyệt; cập nhật nội dung của các quy hoạch ngành quốc gia đang được lập và thẩm định; các dự án phát triển ngành của tỉnh; mức độ liên kết giữa các ngành; phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn; danh mục dự án của tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Góp ý cho dự thảo Quy hoạch của tỉnh Sóc Trăng, PGS, TS. Trần Thục chỉ rõ, yếu tố biến đổi khí hậu là thách thức, nhưng cũng mang theo cơ hội. Ông lưu ý, quỹ đất của Sóc Trăng trong tương lai không phong phú nữa, nên cần vươn ra ngoài khơi. Phát triển điện mặt trời chiếm rất nhiều quỹ đất nên cần cần quy hoạch thủy sản kèm theo.

TS. Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, Bộ Giao Thông tập trung góp ý cho phần kết cấu giao thông của Quy hoạch. Vị chuyên gia này đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật số liệu về hiện trạng vận tải, nêu rõ những tồn tại hạn chế trong mạng lưới giao thông vận tải của Tỉnh.

"Báo cáo dự thảo Quy hoạch mới chỉ liệt kê hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, thiếu phân tích, nhận định, đánh giá những vấn đề bất cập, tồn tại làm cơ sở đề xuất trong phương án phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Do đó, đề nghị bổ sung nội dung đanh giá về hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông đối với từng loại hình", vị đại biểu đến từ Bộ Giao thông vận tải đề nghị.

Ông Chung góp ý đơn vị tư vấn, trong danh mục dự án ưu tiên, cần bổ sung thêm, cần các cầu lớn trên hành lang vận tải thủy. Bởi, cầu mà xây thấp, thì không vận hành đc vận tải thuỷ. Về trung tâm logistics gắn với cảng biển, theo ông Chung, nên phân kỳ đầu tư các trung tâm logistics cho phù hợp, tránh lãng phí đất nếu làm ngay. Vị chuyên gia này cũng đề nghị bổ sung dự báo nhu cầu vận tải để làm cơ sở định hướng quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Sóc Trăng.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ rõ, lần đầu tiên thực hiện quy hoạch theo Luật Quy hoạch, theo cách tiếp cận mới, công tác quy hoạch còn nhiều khó khăn. Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ, trong đó, chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện theo ý kiến góp cụ thể; phải cập nhật các nội dung theo đúng theo quy định của Luật và các quy hoạch cao hơn, quy hoạch quốc gia đang lấy ý kiến; quy hoạch vùng đã được Thủ tướng phê duyệt.

"Đây là căn cứ quan trọng và cần nghiên cứu để cụ thể hóa vào quy hoạch tỉnh, phù hợp với đặc thù của địa phương. Hiện đã có 4 quy hoạch ngành, quốc gia được phê duyệt, các quy hoạch khác đang dự thảo, các bộ chủ quản chia sẻ nội dung, định hướng lớn để các địa phương nghiên cứu tiếp cận để sau này khi thực hiện các quy định của pháp luật, thì việc điều chỉnh quy hoạch cấp dưới sẽ ít đi", Thứ trưởng nêu rõ.

Để bản quy hoạch được tốt hơn, Thứ trưởng cũng mong tỉnh quan tâm đến quan điểm mục tiêu, phương hướng phát triển, chủ trương phát triển của tỉnh là gì. Thứ trưởng kỳ vọng, bản quy hoạch các địa phương nói chung và của tỉnh Sóc Trăng nói riêng hoàn thiện hơn, nội dung rõ ràng, sắc nét hơn./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư