e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tăng trưởng xanh - Phát triển bền vững

Khởi động Dự án thích ứng biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển ĐBSCL tại Sóc Trăng

15:58 | 07/06/2022 Print
Dự án “Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) của cộng đồng ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long, giai đoạn 1” vừa được ActionAid Việt Nam khởi động tại Thị xã Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng sáng 6/6/2022.

Dự án được triển khai sẽ góp thêm một nỗ lực của chính quyền và người dân trong cam kết lâu dài về bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn, phát triển sinh kế từ rừng, hướng tới thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 năm nay.

Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH) của cộng đồng ven biển thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) – giai đoạn 1” được Bộ Khí hậu, Môi trường và Năng lượng Cộng hòa Áo thông qua Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BfdW) tài trợ và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp với Ban quản lý dự án Tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH tại thị xã Vĩnh Châu thực hiện. Dự án sử dụng các kinh nghiệm thành công trong bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển đã được thực hiện nhiều năm tại ĐBSCL.

Khởi động Dự án thích ứng biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển ĐBSCL tại Sóc Trăng
Lễ khởi động Dự án “Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển ĐĐBSCL, giai đoạn 1” tại Thị xã Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng

Bên cạnh đó, dự án cũng tìm kiếm phương pháp thử nghiệm tính toán mức độ thu giữ khí các bon trong đất và nước của các loại cây khác nhau nhằm lựa chọn loại cây phù hợp cho từng loại rừng ngập mặn ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Đây là lần đầu tiên Bộ Khí hậu, Môi trường và Năng lượng Cộng hòa Áo tài trợ cho Việt Nam một dự án vừa có tính kế thừa, vừa có tính đột phá vì dự án hướng tới giải quyết nhiều khía cạnh xã hội của biến đổi khí hậu.

Bà Mai Thị Thanh Nhàn, Điều phối viên dự án cho biết, Dự án đi vào triển khai sẽ góp phần bảo vệ và tăng cường khả năng hấp thụ khí CO2 của rừng phòng hộ ngập mặn ven biển ở 3 xã Lai Hòa, Vĩnh Hải và Lạc Hòa thuộc Thị xã Vĩnh Châu, Tỉnh Sóc Trăng thông qua các nỗ lực chung của cộng đồng và chính quyền địa phương. Đồng thời, cải thiện sinh kế của cộng đồng sinh sống trong các vùng đệm thông qua giao khoán rừng phòng hộ ngập mặn cho người dân với sự quản lý của Nhà nước để triển khai nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.

Khởi động Dự án thích ứng biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển ĐBSCL tại Sóc Trăng
Dự án đi vào triển khai sẽ góp phần bảo vệ và tăng cường khả năng hấp thụ khí CO2 của rừng phòng hộ ngập mặn ven biển

Trong 3 năm triển khai dự án từ tháng 12/2021-12/2024, theo ước tính của AAV, với việc đẩy mạnh trồng cây mở rộng quy mô diện tích rừng ngập mặn tại 3 xã thuộc Vĩnh Châu, tỷ lệ hấp thụ các-bon của rừng ngập mặn sẽ tăng 10% sau 3 năm. Tỉ lệ sống của cây con tăng từ 60% lên mức 80% sau 3 năm. Số vụ vi phạm lâm luật giảm 70% sau 3 năm. Có 1.400 hộ gia đình tại 3 xã dự án được tiếp cận rừng ngập mặn hợp pháp lâu dài cho các mục đích sinh kế bền vững. Nhờ đó, thu nhập bình quân của các hộ gia đình tham gia các mô hình sinh kế được đề xuất sẽ tăng 20%.

Về hiệu quả đối với các đối tượng hưởng lợi, ước tính các đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ dự án bao gồm: 1.400 người dân từ 3 phường trong dự án sống quanh khu vực rừng ngập mặn. 88 thành viên của nhóm Bảo vệ rừng cộng đồng và 11 kiểm lâm. 24 đại diện của Phụ nữ, Thanh niên và Hội nông dân. 12 đại diện của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, hàng loạt hộ dân sinh sống quanh khu vực dự án cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án.

Khởi động Dự án thích ứng biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển ĐBSCL tại Sóc Trăng
Ông Trần Trí Vân - Phó Chủ tịch UBND Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại Lễ Khởi động Dự án

Phát biểu tại Lễ phát động, ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Vĩnh Châu, Trưởng Ban quản lý dự án Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu Thị xã Vĩnh Châu cho biết, tính đến cuối năm 2021, Thị xã Vĩnh Châu, có 4.262 ha rừng phòng hộ, là một trong những hệ sinh thái quan trọng, là nơi nuôi dưỡng, cư ngụ, cung cấp thức ăn cho nhiều loài động vật dưới nước và trên cạn có giá trị ở vùng ven biển, giúp ổn định bờ biển, bảo vệ tuyến đê biển và là tấm lá chắn chống lại gió bão cũng như các tai biến thiên nhiên. Rừng ngập mặn đã đóng góp đáng kể vào đời sống kinh tế xã hội của người dân ven biển của thị xã.

Tuy nhiên, do áp lực dân số cao, chuyển đổi quy khu vực rừng ngập mặn dành cho hoạt động nuôi tôm cá, nông nghiệp, cũng như do tác động của ô nhiễm môi trường và thiên tai nên hàng năm, rừng ngập mặn luôn có nguy cơ bị đe đọa bị tàn phá, làm cho môi trường sống cần thiết cho các loài động vật biển bị tổn thương, bờ biển và hệ thống đê bảo vệ bị phá hủy bởi nước biển dâng do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên mà các cộng đồng dân cư ven biển đang phải dựa vào để sinh sống và và duy trì sinh kế.

Khởi động Dự án thích ứng biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển ĐBSCL tại Sóc Trăng
Hàng nghìn hộ dân tại 3 xã dự án sẽ được tiếp cận rừng ngập mặn hợp pháp lâu dài cho các mục đích sinh kế bền vững, qua đó hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ dự án, giúp cải thiện đời sống và thu nhập

Theo ông Vân, Dự án được triển khai kỳ vọng sẽ khôi phục chức năng của rừng ngập mặn thông qua trồng 105 héc ta rừng ngập mặn gồm các giống cây địa phương và xây dựng 1.000 mét hàng rào che chắn sóng; Xác định, tập huấn và triển khai các giải pháp tiếp cận sinh kế bền vững gắn với bảo vệ rừng ngập mặn; Xây dựng mạng lưới và liên minh để thúc đẩy phương pháp đồng quản lý sinh kế rừng ngập mặn với các biện pháp bảo vệ và các khuyến nghị khung về khung pháp lý và chính sách tạo điều kiện cho cộng đồng tiếp cận hợp pháp với rừng phòng hộ và nâng cao bảo tồn rừng; Xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho cộng động nghèo ven biển và liên kết sản xuất tạo nên chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân ... Qua đó, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu của các cộng đồng dân cư vùng ven biển tại thị xã Vĩnh Châu.

Chị Lê Thị Nữ, thôn Trà Sết, xã Vĩnh Hải, Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng là một thành viên của nhóm cộng đồng bảo vệ rừng cho biết: “Diện tích rừng, đất rừng ở đây còn nhiều, dân sống gần rừng nhưng lại chưa được sử dụng rừng và đất rừng để phát triển sinh kế cho mình. Khi tìm hiểu và được giới thiệu về dự án này, tôi đăng ký tham gia nhóm cộng đồng bảo vệ rừng để có cơ hội được học hỏi tìm hiểu kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc rừng, nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng để cải thiện sinh kế cho gia đình”.

Khởi động Dự án thích ứng biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển ĐBSCL tại Sóc Trăng
Các đại biểu và lãnh đạo chính quyền địa phương, đại diện AAV, AFV cùng các nhà tài trợ tại Lễ Phát động dự án

Nhà báo Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ AFV cho biết: “Đây là một dự án rất có ý nghĩa đối với AFV vì đây là lần đầu tiên Quỹ AFV có cơ hội hợp tác với Bộ Khí hậu, Môi trường và Năng lượng Cộng hòa Áo. Qua dự án này chúng tôi tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trong 6 năm triển khai các dự án về biến đổi khí hậu và cũng khẳng định sự ủng hộ lâu dài của Quỹ trong việc quan tâm đến vấn đề giảm phát thải ở Việt Nam”. Cùng với các hỗ trợ tài chính, ông Tạ Việt Anh cũng khẳng định, Dự án nhận được các hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, trong các hoạt động quản lý dự án và xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển bền vững thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022-2024./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư