e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Quốc tế

6 điều cần biết về thỏa thuận trừng phạt dầu của EU nhắm vào Nga

09:09 | 08/06/2022 Print
Trong 2 ngày làm việc của Hội nghị thượng đỉnh bất thường EU nhóm họp cuối tháng 5-2022, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc cắt giảm 90% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. EU đặt mục tiêu cắt giảm dòng tiền mà Kremlin kiếm được từ việc bán dầu. Dưới đây là 6 điểm chính của thỏa thuận trừng phạt này.

1. Lệnh cấm dầu Nga của EU chỉ áp dụng từng phần

Thỏa thuận chính trị hay lệnh cấm vận nhập khẩu dầu Nga của EU cam kết ngăn chặn dầu nhập bằng đường biển từ Nga sang EU vào cuối năm nay, nhưng vẫn còn 30% lượng dầu thô được vận chuyển bằng đường ống. Theo Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Hungary thiếu cảng biển nên sẽ khó loại bỏ dầu của Nga do đường ống Druzhba cung cấp.

Thỏa thuận tạo ra "các biện pháp khẩn cấp" như cho phép mua hàng bằng đường biển để đảm bảo an ninh nguồn cung, nếu việc giao hàng bằng đường ống được miễn trừ, nhưng quan trọng hơn là EU muốn đưa Hungary và Slovakia vào cuộc. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phát biểu: “Cho phép giảm ngay lập tức hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, cắt giảm nguồn tài chính khổng lồ của Nga hậu thuẫn cho cuộc chiến”.

Đức và Ba Lan cam kết tự nguyện ngừng lấy dầu từ đoạn phía Bắc của đường ống Druzhba vào cuối năm nay, như Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen lập luận “… Lệnh trừng phạt chiếm gần 90% tổng lượng dầu nhập khẩu dầu từ Nga”. Các nhà lãnh đạo EU cũng đưa ra thời hạn chuyển giao đường ống, bao gồm “10% còn lại” chảy trên nhánh phía Nam của Druzhba tới Hungary, Slovakia và CH Séc.

Hiện tại, vẫn chưa có ngày kết thúc rõ ràng về thời điểm các dòng chảy bằng đường ống của Nga đến EU bị cấm và không có dấu hiệu nào cho thấy Hungary sẵn sàng thay đổi hướng đi. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán viết trên trang Facebook cá nhân: “Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận, rằng các quốc gia nhận dầu qua đường ống có thể tiếp tục vận hành nền kinh tế của mình theo các điều kiện trước đây”.

6 điều cần biết về thỏa thuận trừng phạt dầu của EU nhắm vào Nga
Cho đến nay lệnh cấm nhập dầu Nga của EU mới chỉ áp dụng từng phần

2. Các biện pháp trừng phạt phải mất nhiều tháng mới hiệu lực

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, thỏa thuận vẫn cho phép EU trả cho Nga hàng tỷ euro tiền dầu và các sản phẩm dầu trong năm nay trong khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn. Lệnh cấm đối với dầu thô đường biển có hiệu lực sau 6 tháng, trong khi các sản phẩm tinh chế sẽ bị cấm bắt đầu từ năm 2023. CH Séc được miễn trừ lệnh cấm bán lại các sản phẩm dầu của Nga đến giữa năm 2024. Nói cách khác, các biện pháp trừng phạt của EU đối với việc nhập khẩu dầu của Nga qua đường biển sẽ được áp đặt với thời hạn theo từng giai đoạn là 6 tháng đối với dầu thô và 8 tháng đối với các sản phẩm dầu tinh chế.

Đánh giá về lệnh trừng phạt của EU, giới chuyên gia năng lượng cho rằng, vì mục đích cốt lõi của các lệnh trừng phạt là làm suy yếu vị thế kinh tế và tài chính của Nga càng sớm càng tốt, để giảm năng lực quân sự của nước này, nhưng điều này có thể là quá muộn. “Tuy nhiên, kể cả không hoàn hảo hoàn toàn, lệnh cấm vẫn là một đòn giáng mạnh chưa từng có đối với ngành công nghiệp thu ngoại tệ lớn nhất của Nga, là dầu và khí đốt, chiếm khoảng 40% ngân sách liên bang Nga”, Simone Tagliapietra, chuyên gia Viện chính sách Bruegel, Brussels chia sẻ.

3. Ấn Độ và Trung Quốc sẽ thay EU mua dầu Nga?

Các thương nhân phương Tây đã nhanh chóng tự nguyện ngừng mua dầu của Nga ngay sau khi chính biến tại Ukraine diễn ra, khiến giá dầu của Nga lao dốc, giao dịch ở mức chiết khấu cao với tiêu chuẩn toàn cầu. Năm 2021, châu Âu là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, khoảng 50% trong số 4,7 triệu thùng/ngày (bpd) dầu thô xuất khẩu của Nga. Nhưng hiện nay Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường mua dầu Nga, bù đắp một phần thiệt hại cho quốc gia này. Nga thực sự đã tăng xuất khẩu dầu lên 6% trong tháng 5/2022 so với tháng 4.

Mikhail Ulyanov, đại sứ Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna, Áo cho biết: “Nga sẽ tìm được các nhà nhập khẩu khác”. Trung Quốc là khách hàng quốc gia lớn nhất của Nga, mua 1,6 triệu thùng/ngày vào năm ngoái, đến nay, Trung Quốc đã tăng con số đó lên khoảng 1,9 triệu thùng/ngày để lấp đầy khoảng trống mà phương Tây bỏ đi, nhưng Bắc Kinh cũng cảnh giác với việc phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp duy nhất. Theo dữ liệu từ Refinitiv Eikon, kể từ khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ, Ấn Độ đã mua dầu từ Nga nhiều gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, với việc châu Âu chiếm 2,4 triệu thùng/ngày dầu thô, Nga sẽ phải đưa một khối lượng lớn dầu sang các thị trường khác khi doanh số bán cho EU giảm mạnh.

6 điều cần biết về thỏa thuận trừng phạt dầu của EU nhắm vào Nga
Tuy cấm nhập khẩu dầu nhưng EU lại không mặn mà với gói trừng phạt khí gas

4. Các tàu chở dầu của Nga sẽ gặp khó

Chi tiết về cách thức thực hiện lệnh cấm vận chuyển dầu bằng tàu chở dầu của EU vẫn đang chờ hoàn thiện, nhưng hiện tại dầu thô của Nga là mặt hàng giúp cho các công ty vận tải biển có trụ sở tại EU kiếm được bộn tiền. Theo Tạp chí Lloyd’s List, nơi chuyên cung cấp tin tức vận tải hàng tuần ở London, thì mạng lưới các tàu thuộc sở hữu của Hy Lạp đang tiếp nhận khối lượng lớn dầu các tàu Nga bị trừng phạt trên biển, trước khi định tuyến lại tuyến chở dầu mới tới cho Ấn Độ và các khách hàng khác ở châu Á.

Richard Meade, biên tập viên của Lloyd’s List cho biết: “Các chủ tàu Hy Lạp đã ồ ạt gia nhập vào đội tàu lớn, nổi tiếng của Hy Lạp khi chuyển dầu thô cho Nga”. Ngoài ra, còn xuất hiện cả những kỹ thuật mới, công nghệ mới để ngụy tạo nguồn gốc xuất xứ của dầu của Nga, chẳng hạn như pha với các loại dầu thô khác và gắn nhãn hàng hóa là hỗn hợp dầu “Kazakhstan”, “Latvia” hoặc “Turkmenistan”. Các tàu chở dầu thô của Nga còn tắt bộ phát tín hiệu nhận dạng, gây khó khăn cho việc theo dõi điểm đến của chúng.

Maria Shagina, quan chức cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan cho biết, những người đang kinh doanh trong điều kiện trốn tránh lệnh trừng phạt biết rõ những thủ thuật này. Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất coi đây là tội phạm trên toàn EU, nhưng nó cần có sự chấp thuận nhất trí của 27 thành viên của khối.

5. Tác động của lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga

Bất kỳ sự sụt giảm doanh số nào cũng gây ra rắc rối lớn cho ngành dầu mỏ của Nga; nước này thiếu khả năng lưu trữ dầu nên có thể buộc phải ngừng bơm. Nếu điều đó xảy ra, các mỏ dầu có thể bị hư hại vĩnh viễn. “Về mặt logic, nếu dầu của Nga tiếp tục không tìm được người mua, thì những tác động bất lợi đó trong vòng vài tháng, nếu không sớm hơn, sẽ buộc các nhà sản xuất dầu thô đầu nguồn của Nga bắt đầu cắt giảm”.

Theo các tài liệu của Bộ năng lượng Nga, có những dấu hiệu cho thấy sản lượng của Nga giảm 830.000 thùng/ngày trong tháng Năm so với tháng Hai. Lý do các công ty giao dịch lớn đã giảm các giao dịch để đáp ứng thời hạn chót ngày 15 tháng 5 đối với các giao dịch của Rosneft, Gazprom Neft và Transneft. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nêu trong báo cáo thị trường dầu tháng 5/2022, dự kiến mức cắt giảm của Nga vào khoảng 3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay vì “các lệnh cấm vận mới… đẩy nhanh việc định hướng lại các dòng chảy thương mại đang được tiến hành và… buộc các công ty dầu mỏ của Nga phải đóng cửa nhiều giếng hơn”, IEA viết.

6. Tiếp theo dầu sẽ là khí?

6 điều cần biết về thỏa thuận trừng phạt dầu của EU nhắm vào Nga
Ấn Độ và Trung Quốc sẽ thế chân EU mua dầu Nga

Dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga, tiếp theo là khí đốt tự nhiên, nơi EU cũng là một khách hàng khổng lồ. Nhưng khả năng trừng phạt của EU nhắm vào khí gas không mạnh bằng dầu. Phải mất 6 vòng trừng phạt để cấm hoàn toàn dầu mỏ và EU sẽ có một thời gian khó khăn hơn nhiều để nhanh chóng loại bỏ khí đốt mà họ được cung cấp bằng đường ống của Nga. Một số quốc gia thành viên, đặc biệt là Ba Lan và Baltics, đang thúc đẩy làm điều này.

Thủ tướng Latvia Krišjānis Kariņš cho biết: “Ngày 24 tháng 2 Lavia cho rằng, chúng ta cần áp dụng các biện pháp trừng phạt năng lượng ngay lập tức và đầy đủ đối với dầu mỏ, than và khí đốt của Nga”. Tuy nhiên, thực tế kế hoạch REPowerEU của EU nhằm loại bỏ khí đốt của Nga sẽ được thực hiện trước năm 2030 và có rất ít mong muốn chính trị để tiến hành nhanh hơn.

Ngày 31-5, Thủ tướng Áo Karl Nehammer bác bỏ khả năng EU sẽ theo đuổi khí đốt của Nga. Ông nói: “Khí đốt hoạt động rất khác so với dầu về mặt an ninh nguồn cung, bù đắp cho dầu dễ dàng hơn nhiều. Do đó, lệnh cấm vận khí đốt cũng sẽ không được thảo luận trong một gói trừng phạt tiếp theo”, ông Karl Nehammer nói thẳng./.

Khắc Nam

Theo BCNN – 5/2022

https://www.politico.eu/article/6-things-know-eu-russia-oil-ban/

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư