Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc được đánh giá ra sao?

17:48 | 08/06/2022 Print
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tuy lần đầu trả lời chất vấn, nhưng Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã tập trung trả lời vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.

Lĩnh vực tài chính còn một số bất cập, hạn chế…

Phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính vào chiều nay (ngày 8/6), theo Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính tuy lần đầu trả lời chất vấn, nhưng đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc được đánh giá ra sao?
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tập trung trả lời vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra (ảnh: Quốc hội)

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, lĩnh vực tài chính còn một số bất cập, hạn chế. Cụ thể, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm; chưa hoàn thành Đề án về tổng mức huy động nguồn lực cho Chương trình, kể cả vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; quản lý thu ngân sách còn bất cập, nhất là đối với thuế chuyển nhượng bất động sản, chuyển giá của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…

Thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn rất chậm, trì trệ. Quá trình chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện còn bất cập.

Thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững. Việc kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh sai phạm chưa kịp thời nên khi phát hiện, xử lý thì các vụ việc đã rất nghiêm trọng, hiệu ứng xấu cho thị trường và niềm tin của nhà đầu tư. Thị trường cổ phiếu xuất hiện hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi.

“Một số cổ phiếu, nhóm cổ phiếu biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro, đã xảy ra gian lận khi xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp, vi phạm quy định khi cung cấp dịch vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp...”, ông Vương Đình Huệ chỉ rõ.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý các giải pháp khắc phục

Từ những bất cập, hạn chế trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục nhưng tồn tại, trong đó tập trung vào các vấn đề trọng tâm sau:

Khẩn trương ban hành đầy đủ và hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phê duyệt và triển khai Đề án huy động nguồn lực cho Chương trình, sửa đổi quy định về sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp...

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc được đánh giá ra sao?
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính có các giải pháp hiệu quả để khắc phục những tồn tại (ảnh: Quốc hội)

Thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bổ sung dự toán năm 2022, xây dựng dự toán năm 2023 và giải ngân được số tăng bội chi và các nguồn lực khác.

Tiếp tục kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội, nâng cao chất lượng tổng hợp, phân tích, dự báo, theo dõi sát tình hình kinh tế - chính trị, diễn biến lạm phát, giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược trong nước và trên thế giới. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, có giải pháp hỗ trợ người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu và giá sách giáo khoa.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, chủ động phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ để giữ vững kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước, nâng cao trình độ của cán bộ thực thi nhiệm vụ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát...

Sửa đổi, bổ sung quy định về mua sắm tập trung, đấu thầu mua sắm công, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Nghiên cứu ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, mức giá dự toán của tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Khẩn trương ban hành danh mục, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp. Tập trung sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hoàn thiện các quy định về định giá doanh nghiệp, việc tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, cá thể hóa trách nhiệm trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa...

Tổ chức tái cơ cấu toàn diện thị trường vốn, thị trường chứng khoán theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025…/.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư