e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển Fintech

21:08 | 17/06/2022 Print
Hội thảo “Tương lai của fintech vì sự phát doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” diễn ra ngày 16/6 tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ Cuộc thi Finnovation - Cuộc thi cấp quốc gia đầu tiên và lớn nhất về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính dành cho sinh viên.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn là đối tượng hàng đầu của các chính sách phát triển tại Việt nam. Trong những năm gần đây chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách, tổ chức việc thực hiện các chương trình quốc gia để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục được gia tăng về số lượng, nâng cao về khả năng quản lý, mở rộng cơ hội kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính để tạo ra sự đóng góp ngày càng có ý nghĩa với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển Fintech

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Trong vòng năm năm trở lại, đây công nghệ tài chính Fintech đã trở thành một xu thế phát triển tất yếu trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam. Có thể thấy các công ty fintech kết hợp với các định chế tài chính truyền thống và các công ty công nghệ, đã và đang tạo ra một thị trường về dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo phục vụ nền kinh tế số hiện nay. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân luôn khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo các bạn sinh viên trong lĩnh vực tài chính nói riêng và trong nền kinh tế nói chung. Trong thời gian qua Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đảng tiếp tục thực hiện đề án 1665 của bộ giáo dục và đào tạo bằng hành động và việc làm thiết thực như thành lập trung tâm khởi nghiệp sáng tạo xã hội tổ chức các hội thảo cuộc thi mang tính đổi mới sáng tạo.”

Tham gia chia sẻ tại Hội thảo “Tương lai của fintech vì sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” là những chuyên gia đi đầu và hàng đầu về fintech cũng như các lĩnh vực liên quan đến ngành nghề mới mẻ này. Tiến sĩ Lương Thái Bảo, Trưởng ban điều hành Chương trình Cử nhân Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân mang đến cho Hội thảo bức tranh tổng quan về mối quan hệ giữa fintech và doanh nghiệp vừa và nhỏ qua bài thuyết trình có tên “Fintech phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa - Cơ hội và Thách thức”. Trong khi đó, bà Trương Hồng Liên, Giám đốc tư vấn Chiến lược và Chuyển đổi số, E&Y Consulting Vietnam đóng góp góc nhìn mang tính bài bản, chuẩn mực của tập đoàn tư vấn tài chính, chiến lược hàng đầu thế giới về lĩnh vực fintech. Bà Liên đã giúp người tham dự thấy được những nét đặc thù của Fintech, Định chế tài chính truyền thống và Dịch vụ tài chính số tại thực tiễn thị trường Việt Nam. Khác với ông Bảo và bà Liên, ông Lê Tuấn Minh, Giám đốc điều hành, Limi Insurtech và ông Nguyễn Hữu Hiệu, Giám đốc Hoạt động, FiinGroup lại mang đến những chia sẻ cụ thể, đầy thực tế ở từng ngách của fintech như mô hình dịch vụ bảo hiểm B2B2C dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam; Ứng dụng phân tích dữ liệu tài chính trong việc thúc đẩy Thương mại Quốc tế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển Fintech

PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc Hội thảo “Tương lai của fintech vì sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”

Hội thảo cũng dành một phần thời gian để thảo luận các hướng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm/dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo qua phần dẫn dắt, điều phối của PGS, TS Đỗ Anh Đức - Đại học Kinh tế Quốc dân, Trưởng ban Chuyên môn Finnovation 2022; Thành viên tổ tư vấn xây dựng Đề án “Hỗ trợ thanh niên Khởi nghiệp giai đoạn 2022 – 2030”.

Phần còn lại của sự kiện là những thông tin và hỏi đáp về cuộc thi Finnovation 2022 giữa sinh viên với các đại diện Ban tổ chức. Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội là một trong những trường tiên phong có ngành học về fintech nên Ban tổ chức Cuộc thi Finnovation 2022 cũng như các chuyên gia đều kỳ vọng đây sẽ là nơi có thể tìm ra những thí sinh tiềm năng nhất để ươm tạo và phát triển thành những startup thực sự có tinh thần đổi mới sáng tạo cao, tạo ra những mô hình kinh doanh đột phá, giải quyết được những bài toán khó của thị trường, qua đó góp phần hình thành cộng đồng startup finnovation ngày càng lớn mạnh.

Dưới lăng kính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một vấn đề luôn nổi cộm, tạo ra lực cản cho sự phát triển của họ, là việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính phục vụ cho hoạt động, đầu tư và phát triển kinh doanh. Ở mức độ nào đó, hệ thống tài chính truyền thống của Việt nam đang cố gắng cùng các doanh nghiệp giải bài toán này. Trong vòng năm năm trở lại đây, công nghệ tài chính (fintech) đã trở thành một xu thế phát triển tất yếu trong khu vực tài chính của Việt Nam, bắt đầu bằng sự ra đời của các startup fintech, mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính số của các định chế tài chính truyền thống và xâm nhập vào lĩnh vực dịch vụ tài chính của các công ty công nghệ. Hệ sinh thái fintech tại Việt nam do đó đã hình thành và tiếp tục phát triển nhanh, dự kiến năm 2022 sẽ là sân chơi của 200 công ty fintech. Có thể thấy các công ty fintech này, kết hợp với các định chế tài chính truyền thống và các công ty công nghệ, đã tạo ra một thị trường về dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo phục vụ nền kinh tế.

Hiện tại các công ty fintech Việt Nam đang được phân loại theo mảng tính năng của dịch vụ và mang tính chất vừa thay thế vừa bổ sung cho các dịch vụ tài chính truyền thống, với cấu trúc chủ yếu tập trung vào mảng thanh toán. Các mô hình kinh doanh của các công ty fintech này chủ yếu rơi vào các nhóm B2C, B2B, B2B2C, O2O. Tuy nhiên, các sản phẩm hay dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo hiện có dành cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa hình thành một cách hệ thống và rõ nét. Trong khi đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn cần các dịch vụ tài chính ngày càng dễ tiếp cận hơn với sự linh hoạt trong phương thức tiêu dùng, chi phí thấp, loại hình sản phẩm/dịch vụ đa dạng. Khoảng trống về dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do đó cần được nghiên cứu, thảo luận để tìm ra hướng đi bổ sung cho không chỉ các công ty startup fintech mà còn cho các định chế tài chính truyền thống và các công ty công nghệ.

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện FinnoBox của Cuộc thi cấp quốc gia Finnovation 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS HCM, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. HCM chỉ đạo, Ban tổ chức Finnovation 2022 và Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã tổ chức một sự kiện vệ tinh để góp phần tìm ra câu trả lời của vấn đề nêu trên. Hội thảo có chủ đề “Tương lai của fintech vì sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” nhằm khám phá viễn cảnh từ phía cung và cầu của dịch vụ tài chính số mang tính đổi mới sáng tạo cho nhóm doanh nghiệp quan trọng và đầy triển vọng của Việt Nam.

Finnovation là cuộc thi định kỳ, cấp quốc gia đầu tiên và lớn nhất về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính dành cho sinh viên, được chỉ đạo bởi Bộ KH&CN, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. HCM, tổ chức bởi Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam; Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN, Đoàn Thanh niên ĐHQG Hà Nội, Ban cán sự Đoàn ĐHQG TP. HCM. Cuộc thi mang sứ mệnh nâng cao nhận thức xã hội về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ tài chính và chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng cộng đồng khởi nghiệp trong nước lớn mạnh và hướng ra quốc tế.

Finnovation 2022 hướng tới thực hiện các mục tiêu: Xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo “Finnovation” đa lĩnh vực có quy mô quốc tế, lấy công nghệ, đổi mới sáng tạo làm phương tiện, lấy lực lượng trẻ, sinh viên làm nòng cốt, lấy lợi ích cộng đồng, xã hội làm định hướng sáng tạo; Xây dựng, mở rộng và phát triển lĩnh vực Fintech trở thành một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế số, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm tài chính sáng tạo của khu vực; Tiên phong phát động, kết nối và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia kết nối quốc tế; Dẫn lối cho hoạt động nghiên cứu phát triển khởi nghiệp cũng như tinh thần đam mê kinh doanh của thanh niên, đặc biệt là khối viện trường, học sinh sinh viên; Kiến tạo ”Sandbox”, nơi thử nghiệm và phát triển các sản phẩm mới, giải pháp mới, thị trường mới, thiết lập các trung tâm khởi nghiệp ngay tại trường đại học, cao đẳng; tạo ra các công ty khởi nguồn (Spin off), công ty trẻ khởi nghiệp tầm vóc quốc tế./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư