Bộ Tài chính đề xuất giảm kịch sàn thuế bảo vệ môi trường để “giảm nhiệt” giá xăng, dầu

16:00 | 20/06/2022 Print
Trong bối cảnh giá xăng, dầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Bộ Tài chính đề xuất phương án giảm kịch sàn thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này.

Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng, dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 15 lần (giá xăng tăng 12 lần và giảm 3 lần, trong đó có 2 lần giảm sau khi thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Không dừng lại ở đó, theo đánh giá của Bộ Tài chính, với diễn biến giá dầu thô thế giới vẫn tiếp tục duy trì trên 100 USD/thùng, giá bán lẻ xăng, dầu tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng cao, trong đó có xăng, dầu.

Bộ Tài chính đề xuất giảm kịch sàn thuế bảo vệ môi trường để “giảm nhiệt” giá xăng, dầu
Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng đã được điều chỉnh tăng 12 lần và giảm 3 lần. Ảnh: PLX

Trong bối cảnh thị trường xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng ngày càng tăng cao, để góp phần ổn định giá xăng, dầu, kiềm chế lạm phát, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính vừa dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 (từ ngày 1/1/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Với dự kiến sản lượng tiêu thụ như hiện nay, nếu áp dụng chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất nêu trên, theo tính toán của Bộ Tài chính, ước giảm thu ngân sách nhà nước bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) là khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022, với mức giảm từ 700-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu (tùy loại). Trong đó, giảm mạnh nhất là xăng, với dự kiến giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; tiếp đến là dầu mazut, dầu nhờn dự kiến giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; nhiên liệu bay dự kiến giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít…

Về hiệu lực thi hành, theo Bộ Tài chính, trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022, đề nghị hiệu lực thi hành của Nghị quyết kể từ ngày 1/8/2022 để đảm bảo triển khai thực hiện sớm. Dự kiến, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh…/.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư