e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Sửa đổi Luật Hợp tác xã để phù hợp với nền kinh tế thị trường

14:57 | 21/06/2022 Print
Luật Hợp tác xã đến nay đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập nên cần xem xét sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh mới. Đây là ý kiến chung được các đại biểu đưa ra tại cuộc Tọa đàm đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hôm qua, 20/6 tại Vĩnh Phúc.

Tại Tọa đàm, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Hợp tác xã cho phù hợp yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế trong bối cảnh hiện hiện nay. Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này, ngày 13/6/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được bổ sung vào chương trình xây Luật, pháp lệnh năm 2022 và dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), trình thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Sửa đổi Luật Hợp tác xã để phù hợp với nền kinh tế thị trường
Các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi, ban hành mới một số nội dung tại Luật Hợp tác xã năm 2012

Đóng góp ý kiến tại Tọa đàm, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Ban soạn thảo dự thảo nghị quyết nghiên cứu, làm rõ muc đích sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012, từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã.

Bên cạnh đó, ông Giang cũng đề xuất Ban soạn thảo nếu rõ những điểm mới, các cơ hội, thị trường bán lẻ của hợp tác xã trong bối cảnh hội nhập; có cơ chế để hợp tác xã dễ dàng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển. Có quy định cụ thể về tỷ lệ góp vốn, năng lực quản trị, quy mô thành viên, cơ chế vận hành, công nghệ ứng dụng và loại bỏ được những rào cản, quy định rườm rà ảnh hưởng đến hoạt động của hợp tác xã.

Tại cuộc Tọa đàm, các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi, ban hành mới các nội dung của một số chương, điều, bởi trên thực tế, sau gần 10 năm, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Một số quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 còn chồng chéo, chưa thông nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác; quy định về nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã chưa phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của thế giới, gây cản trợ sự phát triển của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Số lượng hợp tác xã được thụ hưởng còn ít và gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hợp tác xã quy mô nhỏ chưa chủ động liên kết, liên hiệp để tạo lợi thế cạnh tranh…

Để phù hợp với sửa đổi nội dung, nhiều đại biểu đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc thay đổi tên gọi Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác nhằm phù hợp với đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh và thiết kế nội dung dự thảo Luật. Điều chỉnh bố cục của Luật theo hướng giảm một điều, bảo đảm sự chặt chẽ, rõ chức năng của tổ hợp tác, liên đoàn hợp tác xã, tập đoàn kinh tế hợp tác theo khung pháp lý… Đồng thời, có quy định rõ về số lượng tối thiểu của hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã, tập đoàn kinh tế hợp tác; các cơ chế, chính sách phù hợp để tất cả các hợp tác xã được tiếp cận, hưởng thụ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Quy định rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản nhà nước các cấp đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Nghiên cứu, xem xét cắt giảm thủ tục, quy trình đăng ký thành lập đối với các tổ chức kinh tế hợp tác.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Lê Văn Nghị cho biết, mục tiêu xây dựng Luật Hợp tác xã sửa đổi có mang tính bao trùm rộng, với đối tượng hướng đến là người dân đang hoạt động ở các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ ít doanh nghiệp đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại khu vực, lĩnh vực còn khó khăn nhằm khai thác tiềm năng, nâng cao đời sống người dân.

Ông Lê Văn Nghị đề nghị, Ban soạn thảo dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi tiếp thu ý kiến các đại biểu, làm rõ nội hàm của Luật, loại bỏ được các quy định gây trở ngại, giúp các hợp tác xã hoạt động ngày càng hiệu quả trong nền kinh tế thị trường.

Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi gồm 11 chương, 351 điều, tăng 2 chương 287 điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012, nhằm tạo hành lang pháp lý, loại bỏ các quy định gây cản trở việc gia nhập thị trường, phát triển thành viên; có tính khả thi cao trong thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển năng động, hiệu quả, bền vững. Đồng thời tạo nền tảng quan trọng để người dân nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư