Chuyển mạnh thu hút FDI trong công nghiệp hóa chất từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm

11:07 | 24/06/2022 Print
Đó là định hướng phát triển trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 mới được Chính phủ ban hành.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 726/QĐ-TTg, ngày 16/6/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Chuyển mạnh thu hút FDI trong công nghiệp hóa chất từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm
Đến năm 2040, ngành công nghiệp hóa chất đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước các sản phẩm hóa chất cơ bản hữu cơ

Phấn đấu tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4%-5% vào năm 2030

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 (Chiến lược) với quan điểm phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp hóa chất, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn…

Chiến lược đã đề ra mục tiêu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp hóa chất đạt bình quân từ 10-11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4-5% vào năm 2030.

Giai đoạn đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 7 đến 8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành Công nghiệp duy trì khoảng 4-5%.

Trong đó, nhóm sản phẩm hóa dầu, hóa dược, cao su kỹ thuật, hóa chất cơ bản đạt 10-12%/năm giai đoạn 2021- 2030; giai đoạn 2031-2040 đạt trung bình 8-11%/năm. Nhóm sản phẩm phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, sản phẩm nguồn điện hóa học, sản phẩm chất tẩy rửa, khí công nghiệp, sản phẩm săm lốp và sơn - mực in đạt 3-5%/năm giai đoạn 2021- 2030 và giai đoạn 2031-2040 đạt trung bình 4-6%/năm.

Đến năm 2030, duy trì mức đáp ứng nhu cầu trong nước đối với các loại phân bón ure, lân, NPK, sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, khí công nghiệp, sơn - mực in thông dụng, chất tẩy rửa, pin thông dụng và phát triển thị trường xuất khẩu. Đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước các sản phẩm phân bón sunfat amon. Nâng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân của các sản phẩm hóa dầu lên 40%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 30%, hóa chất cơ bản lên 70%, cao su kỹ thuật lên 40%, ắc quy lên 75%.

Đến năm 2040, đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước các sản phẩm hóa chất cơ bản hữu cơ, sơn đặc chủng, pin - ắc quy công nghệ cao; nâng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân của các sản phẩm hóa dầu lên 60%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 50%, hóa chất cơ bản lên 80%, cao su kỹ thuật lên 50%, ắc quy lên 80%; phấn đấu nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9-11%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, giai đoạn 2030 - 2040 tăng trưởng bình quân 7,5 - 9%/năm.

Phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng công nghiệp nền tảng, hiện đại

Theo Chiến lược, công nghiệp hóa chất Việt Nam sẽ phát triển theo hướng là một ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại với cơ cấu ngành tương đối hoàn chỉnh gồm 10 phân ngành: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa dược, hóa dầu, hóa chất cơ bản (gồm cả tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp), các sản phẩm cao su, điện hóa, chất tẩy rửa, sơn - mực in, khí công nghiệp. Trong đó tập trung vào chiến lược phát triển một số phân ngành trọng điểm: hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược và phân bón.

Sắp xếp lại các cơ sở sản xuất hiện có theo hướng tập trung, quy mô; duy trì và phát triển các nhà máy sản xuất có công nghệ tiên tiến; hạn chế tối đa việc hình thành mới và từng bước loại bỏ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, chất lượng sản phẩm kém, gây ô nhiễm môi trường,...

Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành hóa chất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả.

Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần chi phối đối với các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực chủ chốt căn bản như hạ tầng của khu công nghiệp hóa chất, hạ tầng của khu kinh doanh hóa chất, những phân ngành hóa chất ưu tiên, vốn đầu tư lớn hoặc những phân ngành gắn với quốc phòng, an ninh; khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hóa chất, tận dụng tối đa nội lực của đầu tư xã hội, phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp hóa chất.

Chuyển mạnh chính sách thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất từ số lượng sang chất lượng và có trọng tâm, trọng điểm, khuyến khích các dự án FDI đầu tư vào các lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng tập trung, phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng địa phương, không dàn đều theo địa giới hành chính, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh. Hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp hóa chất có quy mô lớn để thu hút các dự án sản xuất hóa chất, các dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực khác, trung tâm logistics về hóa chất tại các địa điểm có quỹ đất đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông, khuyến khích các công nghệ tuần hoàn, sản phẩm, chất thải không sử dụng của nhà máy này làm nguyên liệu cho các nhà máy khác…/.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư