e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Chính sách

Tìm giải pháp cho Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa - xã hội…

07:00 | 02/07/2022 Print
Sáng 1/7, tại tỉnh Đắk Lắk, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên.
Tìm giải pháp cho Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa - xã hội…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương tham dự Hội nghị đánh giá và tìm giải pháp phát triển Tây Nguyên

Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng các bộ, ngành liên quan, thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết, thành viên Tổ biên tập, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội (Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, ngân sách, Ủy ban Các vấn đề xã hội), lãnh đạo 5 địa phương vùng Tây Nguyên; các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học.

Trước đó, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành tổ chức tổng kết Nghị quyết theo ngành, lĩnh vực và trên địa bàn theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Hội nghị được tổ chức nhằm tiếp tục lắng nghe các ý kiến đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 và Kết luận 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020; quan điểm, định hướng, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Kết quả Hội nghị được sử dụng để hoàn thiện Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.

Tìm giải pháp cho Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa - xã hội…
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tổng kết - tiếp thu đối đa để hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW, hoàn thiện dự thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên

Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của cả nước, thuộc khu vực Tam giác phát triển Lào – Việt Nam – Campuchia; có diện tích lớn thứ ba cả nước với dân số gần 6 triệu người; có hệ thống giao thông kết nối với các cảng biển quan trọng của vùng Duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ và là đầu nguồn của 04 con sông lớn gồm sông Sê San, sông Srepok, sông Ba và sông Đồng Nai, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, cung cấp nước ngọt cho khu vực hạ du của các địa phương thuộc hai vùng Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Tây Nguyên cũng là vùng có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế rừng, chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc bản địa phong phú và đa dạng. Các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh bảo vệ cách mạng.

Tuy nhiên, về mặt kinh tế và phát triển, Tây Nguyên lại có xuất phát điểm thấp, điều kiện khó khăn như: kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ đói nghèo cao; trình độ dân trí thấp và chậm được cải thiện; tình hình di dân tự do diễn biến phức tạp; cơ sở hạ tầng thiếu và yếu; đồng bào dân tộc thiểu số thiếu việc làm, không có đất sản xuất; an ninh, quốc phòng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…

Tìm giải pháp cho Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa - xã hội…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu đề dẫn tại Hội nghị

Để hỗ trợ Vùng Tây Nguyên vượt qua những khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Vùng, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 10 ngày 18/01/2002 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 với mục tiêu “Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết một lòng cùng với cả nước xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa – xã hội, mạnh về quốc phòng, an ninh; tiến tới xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế động lực”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kết quả đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 cho thấy, tuy đã đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng, nhưng phát triển của Vùng vẫn còn tồn tại nhiều nhiều hạn chế, yếu kém. Do vậy, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận số 12 ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020, trong đó khẳng định “Tây Nguyên là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; vừa phát huy ý chí tự lực tự cường, khai thác nội lực tại chỗ, vừa phải có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và đầu tư tương xứng của Nhà nước về chính sách, nguồn lực và sự liên kết, hỗ trợ kịp thời các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước”.

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 và Kết luận số 12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành ở Trung ương, cùng với sự nỗ lực quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trong Vùng, Vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực, qua đánh giá sơ bộ đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua nhưng tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra rằng, trong quá trình phát triển, vùng Tây Nguyên còn tồn tại khó khăn, hạn chế sau:

Thứ nhất, phát triển kinh tế của Vùng chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng thấp; một số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra.

Thứ hai, phát triển văn hóa - xã hội còn nhiều bất cập, nhiều di sản văn hoá dân tộc vùng Tây Nguyên đang đứng trước nhiều thách thức, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư có xu hướng ngày càng gia tăng.

Thứ ba, liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức; liên kết nội vùng và liên vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài theo hướng bổ trợ lẫn nhau. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu tạo đột phá cho phát triển nhanh các ngành có lợi thế.

Thứ tư, công tác quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Rừng tự nhiên suy giảm cả về diện tích và chất lượng. Hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước còn chưa hợp lý.

Thứ năm, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nguy cơ mất ổn định. Các thế lực thù địch bên ngoài vẫn còn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đất đai để tiếp tục kích động chống phá.

Thứ sáu, tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước còn bất cập, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Hệ thống chính trị ở một số cơ sở địa bàn còn yếu, chưa đủ năng lực xử lý những vấn đề an ninh, chính trị phức tạp trên địa bàn.

Tìm giải pháp cho Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa - xã hội…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở 5 vấn đề chính cần thảo luận trong khát vọng phát triển vùng Tây Nguyên

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với vị trí là địa bàn chiến lược đặc biệt trọng yếu về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái của đất nước, sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước. Bộ trưởng gợi mở một số vấn đề để các đại biểu tập trung đánh giá và thảo luận như:

Thứ nhất, đánh giá sâu sắc hơn các kết quả đạt được từ năm 2002 đến nay, những kết quả có tính chất quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội toàn Vùng; những nguồn lực, tiềm năng còn chưa được khai thác hoặc khai thác chưa hiệu quả; những điểm nghẽn, nút thắt kìm hãm sự phát triển của các địa phương trong Vùng.

Thứ hai, thảo luận, phân tích tính đồng bộ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực bên ngoài và khơi thông các nguồn lực tại chỗ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất các khuyến nghị chính sách cho Vùng.

Thứ ba, làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Vùng trong mối quan hệ tổng thể quốc gia; đánh giá các cơ hội, thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của Vùng trong thời gian tới.

Thứ tư, định hình lại, làm sâu sắc hơn các tiềm năng, lợi thế của Vùng Tây Nguyên. Trên cơ sở đó, đề xuất được các quan điểm cần được xem xét, các cơ chế chính sách cần phải thay đổi; các ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư; các trục phát triển kết nối Vùng với khu vực Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và các địa phương của Lào, Campuchia để phát triển kinh tế xã hội Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ năm, đề xuất được các giải pháp phát triển kinh tế xã hội của Vùng, trong đó làm rõ việc giải quyết các vấn đề nổi lên của Vùng như tập trung khôi phục và phát triển kinh tế rừng; bảo vệ hệ sinh thái đầu nguồn, đa dạng sinh học và an ninh nguồn nước; giải quyết tình trạng đói nghèo, thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số của vùng; giải quyết dứt điểm tình trạng dân di cư tự do; thúc đẩy việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị cấp cơ sở nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc của Vùng…

Tìm giải pháp cho Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa - xã hội…
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với một số lãnh đạo bộ, ngành, chuyên gia tại Hội nghị

Sau báo cáo Đề dẫn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết cho phát triển Tây Nguyên từ các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở báo cáo tổng kết, các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tổng kết - tiếp thu đối đa để hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW, hoàn thiện dự thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết mới của Bộ Chính trị, huy động tối đa trí tuệ tập thể, tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kế hoạch./.

MPI

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư