Lưu thông hàng hóa không còn chịu tác động quá lớn của dịch Covid-19

15:19 | 04/07/2022 Print
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 27,3% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 6,6%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng 1,4% so với tháng trước

Lưu thông hàng hóa không còn chịu tác động quá lớn của dịch Covid-19
6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.717 nghìn tỷ đồng

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lưu thông hàng hóa trên thị trường không còn chịu tác động quá lớn của dịch bệnh Covid-19. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng.

Tuy nhiên, thị trường hàng hóa trong nước cũng chịu tác động của thị trường thế giới nhưng nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong những giai đoạn nhu cầu tăng mạnh như Tết Nguyên đán, giai đoạn mùa vụ sản xuất...

Giá hàng hóa chịu ảnh hưởng của mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới nên có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng như xăng dầu tăng khá cao.

Để bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước so với mức tăng của giá thế giới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm khá cao và đang dần bắt kịp tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 27,3% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 6,6%).

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,9%), trong đó quý II/2022 đạt 1.395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với quý trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, do đang vào mùa cao điểm của hoạt động du lịch nên doanh thu du lịch có mức tăng ấn tượng, tăng 94,4%, kéo theo mức tăng nhanh của doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, tăng 20,9%; trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác tăng 5,6%.

Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng. Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đã đạt được mức tăng trưởng khá tốt, tăng 11,3% với sự gia tăng của các nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục, lương thực, thực phẩm (tăng từ 13,7-16,3%); nhóm du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng trưởng mạnh sau thời gian giảm vì dịch bệnh Co0vid-19 và nhu cầu du lịch của người dân tăng cao vào dịp nghỉ hè.

Theo Bộ Công Thương, thời gian tới, cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do việc mở cửa du lịch trở lại kích thích mua sắm, tiêu dùng, sản xuất phục hồi, người lao động trở lại làm việc, thu nhập gia tăng.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng phải đối mặt với những khó khăn. Nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Mặc dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine không lớn, song đây cũng là 2 quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản, các loại nông sản như lúa mì, nguyên liệu như than, phân bón, các sản phẩm kim loại... nên khi xung đột kéo dài sẽ tác động đến giá cả trên thị trường toàn cầu, nhất là giá nguyên liệu đầu vào gia tăng.

Giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu của sản xuất dự báo tiếp tục giữ ở mức cao, khiến giá hàng hóa trong nước tăng gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xung đột Nga-Ukraine tác động lớn đến chuỗi cung ứng nói chung và giá dầu thô từ Nga, đẩy giá thành ở các thị trường đó lên làm gia tăng áp lực lên thị trường thế giới, các loại hàng hóa như xăng dầu, phân bón, lương thực ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Việt Nam, nhất là những ngành sử dụng nguyên liệu đầu vào như hóa chất, phân bón...

Việc triển khai các gói kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đồng thời gia tăng áp lực lạm phát.

Đẩy mạnh phương thức kinh doanh theo loại hình thương mại điện tử

Vì vậy, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong giai đoạn xảy ra dịch Covid-19 và các dịp lễ, Tết, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá.

Tăng cường công tác kết nối giữa địa phương và doanh nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang vào vụ thu hoạch.

Đẩy mạnh phương thức kinh doanh theo loại hình thương mại điện tử nhằm đa dạng hóa các kênh cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng phướng án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư