Doanh nghiệp Việt Nam: Giữ tâm thế tích cực

13:38 | 12/07/2022 Print
Bình quân một tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cho thấy tình hình bắt đầu khởi sắc và sôi nổi trở lại. Đây là 1 trong 9 nhận định được ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam đề cập trong bài viết “Việt Nam: vững vàng phục hồi giữa thách thức”, chia sẻ với báo chí ngày 11/07/2022.

1. Thế giới: nhiều biến động và thách thức

Năm 2022 khởi đầu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bắt đầu có dấu hiệu “hạ nhiệt” và mọi người bắt đầu nói nhiều hơn về câu chuyện phục hồi ở khắp mọi nơi. Năm ngoái, kinh tế thế giới đã tăng trưởng ngoạn mục ở mức 5,5%, tốc độ cao nhất kể từ năm 1976 trở lại đây, mở ra niềm hy vọng lớn cho năm nay.

Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, cuối tháng 2, cuộc chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra và căng thẳng kéo dài tới nay vẫn chưa được giải quyết. Thêm vào đó, tình hình COVID-19 chưa hoàn toàn “êm thấm” vì một vài nơi còn xảy ra bùng dịch, đi kèm với đó là những thách thức trên thị trường lao động, khó khăn về cung ứng và áp lực lạm phát gia tăng. Tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm lại, được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo chỉ đạt 4%. Giá năng lượng, thực phẩm và hàng hóa “rủ nhau” tăng lên, lạm phát cũng được đà không giảm xuống và được dự báo sẽ ở mức 6,7%, các ngân hàng trung ương rơi vào thế phải cân nhắc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trước tình hình này, mới đây, một loạt các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu. Liên Hợp quốc đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 từ 4,0% xuống 3,1%. WB nhận định, hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 01/2022. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng toàn cầu năm 2022 ở mức 3,6%, thấp hơn 0,8 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2022. Tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo sẽ chậm lại và chỉ đạt mức 3%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 12/2021.

2. Việt Nam: vững vàng phục hồi

Doanh nghiệp Việt Nam: giữ tâm thế tích cực

Ngô Đăng Khoa, HSBC Việt Nam

HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2022 lên 6,9% (từ 6,2% và 6,6%), nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực.

Cũng giống như tình hình chung trên thế giới, năm 2022 của Việt Nam đã khởi đầu bằng những bước đi vững chắc. Kiên trì theo đuổi chiến lược “sống chung với virus”, Việt Nam triển khai chương trình tiêm chủng thần tốc và gỡ bỏ dần các biện pháp phòng dịch, giúp phục hồi nhu cầu mua sắm trong nước, bức tranh tiêu dùng nội địa khởi sắc trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm đã tăng lên 11,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 1,9%). Đặc biệt, việc mở cửa hoàn toàn từ giữa tháng 3 đóng vai trò hết sức quan trọng với sự phục hồi của ngành dịch vụ. Nửa đầu năm, Việt Nam đón 602.000 lượt khách quốc tế, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước, cũng là dấu hiệu đáng mừng.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của chúng tôi, năm nay dự báo du lịch Việt Nam phục hồi vẫn còn chậm. Dịch COVID-19 là một nguyên nhân khiến du khách quốc tế hình thành tâm lý e ngại đi nước ngoài, cộng thêm tình hình vật giá leo thang ảnh hưởng đến chi tiêu dành cho du lịch của người dân nhiều nước trên thế giới. Một nguyên nhân khác là tình hình căng thẳng ở Nga và chiến lược “zero COVID” của Trung Quốc, hai thị trường cung cấp nguồn khách du lịch lớn của Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng sự phục hồi ngành du lịch Việt Nam.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 8,48% toàn ngành so cùng kỳ năm 2021, trong đó linh kiện điện thoại tăng 22,2%. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 51,7 điểm trong tháng 4 lên 54,7 điểm trong tháng 5, mức cao nhất trong 12 tháng qua, trước khi lùi một chút về 54 điểm trong tháng 6. Nhờ nguồn FDI ổn định trong nhiều năm đổ vào ngành sản xuất công nghệ, Việt Nam đã vươn mình rở thành một công xưởng sản xuất của thế giới. Mặc dù có lúc đại dịch đã khiến sản xuất tạm thời gián đoạn, sự quan tâm dành cho Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của Tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội và cũng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam.

Quan trọng nhất là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam đã bắt đầu chứng kiến những bước phục hồi mạnh mẽ khi tình hình thiếu hụt lao động tiếp tục giảm bớt. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trên 90% lao động đã trở lại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM). Tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ số đều tích cực góp phần đưa tăng trưởng GDP quý 2 đạt 7,72% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 6,42%. Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy, Việt Nam đang trên đà phục hồi ổn định, vững vàng. HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2022 lên 6,9% (từ 6,2% và 6.6%), nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực.

Doanh nghiệp Việt Nam: giữ tâm thế tích cực
Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội và cũng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên

Mặc dù tình hình nhìn chung có vẻ lạc quan, các yếu tố cản trở tăng trưởng vẫn còn đó. Cụ thể, Việt Nam đang gặp một loạt thách thức trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao. Điều đó sẽ khiến chi phí nhiên liệu tăng, ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại của Việt Nam. Trong khi đó, giá dầu tăng cao làm tăng chi phí sinh hoạt của người dân, làm chậm quá trình phục hồi tiêu dùng cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Giá năng lượng thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt, đẩy giá dầu trong nước liên tục lên những mức cao kỷ lục mới. Chúng tôi đánh giá xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, tạo áp lực ngược lại lên lạm phát. Mặc dù chi phí năng lượng cao, lạm phát thực phẩm ở mức độ vừa phải, sản xuất trong nước tương đối ổn định giúp kìm hãm lạm phát toàn phần.

3. Các vấn đề về chính sách đáng lưu tâm

Tương tự với các nước láng giềng trong khu vực cùng là nước nhập khẩu năng lượng ròng, Việt Nam đã dùng chính sách hỗ trợ tài khóa nhằm “hạ nhiệt” giá dầu. Ban đầu, Việt Nam dùng quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm trợ giá xăng dầu trong nước, tiếp theo đó là cắt giảm thuế bảo vệ môi trường, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại thuế phí đánh vào nhiên liệu, xuống 2.000 đồng đối với xăng và 700-1.000 đồng đối với các loại nhiên liệu khác từ 1/4/2022. Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu lần thứ hai, thời hạn áp dụng kể từ 11/7/2022 tới hết năm nay.

Về tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là một trong số ít ngân hàng trung ương ở châu Á chưa bắt đầu thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát gia tăng (dù phần lớn là lạm phát “nhập khẩu” từ nước khác) sẽ thúc giục cơ quan này cần phải thắt chặt tiền tệ. Dự trên những dự báo của chúng tôi, lạm phát nhiều khả năng sẽ nghiêm trọng hơn từ Quý 4 năm nay, thậm chí có lúc vượt trần 4% của NHNN. Chúng tôi tin rằng thời điểm áp dụng biện pháp bình thường hóa tiền tệ sẽ đến sớm hơn trong bối cảnh áp lực giá gia tăng. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm về việc NHNN nhiều khả năng sẽ điều chỉnh lãi suất tăng 50 điểm cơ sở trong Quý 3/2022 (hiệu lực từ Quý 4/2022) và dự báo sẽ tăng 50 điểm cơ sở mỗi quý kể từ Quý 4/2022 cho đến Quý 3/2023. Lãi suất điều hành sẽ tăng lên 6,50% vào cuối Quý 3 năm 2023.

4. Cẩn trọng với các rủi ro

Giá năng lượng thế giới tăng cao vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam. Tác động rõ rệt nhất chính là chi phí năng lượng tăng lên. Mặc dù xuất khẩu vững mạnh, cán cân thương mại đã thu hẹp lại dẫn đến mức thặng dư khiêm tốn chỉ 0,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, bào mòn lợi thế của tài khoản vãng lai, tạo áp lực lên đồng VND. Chúng tôi dự báo, Việt Nam sẽ thâm hụt tài khoản vãng lai năm thứ hai liên tiếp mặc dù mức độ thâm hụt sẽ ít hơn so với năm 2021.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần hết sức lưu ý những cơn gió ngược chiều cản trở tăng trưởng thương mại đang mạnh dần lên. Một mặt, tiêu dùng thế giới đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Mặt khác, gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khiến các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai. Đây chính là những yếu tố quyết định tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có khả năng duy trì đà tăng trưởng vững mạnh như hiện nay đến bao giờ.

Ngoài ra, mặc dù Chính phủ đã triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 giúp đảm bảo an sinh xã hội, lạm phát gia tăng sẽ khiến việc phục hồi cuộc sống diễn ra không đồng đều. Các hộ gia đình thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn khiến tình hình bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng hơn trong ngắn hạn.

5. Tài chính Ngân hàng: chủ động thích ứng với hoàn cảnh

Trong bối cảnh đại dịch lắng xuống, ngành Tài chính Ngân hàng cũng hoạt động tích cực để phục vụ nhu cầu hồi phục của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đạt 9,35% tính đến thời điểm 30/6, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm trước (6,47%). So với mục tiêu 14% của NHNN, hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống vẫn còn. NHNN vẫn theo dõi sát sao thị trường và có thể điều chỉnh trong nửa cuối năm 2022 với định hướng điều hành theo hướng ổn định, linh hoạt phù hợp điều kiện thực tế, mục tiêu quan trọng nhất là cung cấp đủ vốn cho kinh tế tăng trưởng nhưng vẫn phải kiểm soát hiệu quả lạm phát.

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,51% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,09%). Lãi suất huy động đã tăng đáng kể trong những tháng gần đây thu hút tiền gửi vào ngân hàng tăng trở lại so với hai năm ảm đạm vừa qua nhưng tăng trưởng chưa bằng một nửa so với tăng trưởng tín dụng.

Câu chuyện chuyển đổi số vẫn diễn ra mạnh mẽ trong ngành Tài chính Ngân hàng tiếp nối sự bùng nổ của thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến trong hai năm vừa qua do đại dịch. Đối với các tổ chức tín dụng, chuyển đổi số giờ đây không còn là một lựa chọn mà đã trở thành vấn đề sống còn. Những xu thế như định danh khách hàng trực tuyến eKYC, thanh toán/rút tiền bằng QR code, thẻ chíp contactless… đã trở thành một phần tất yếu trong hệ sinh thái thanh toán.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách và quy định. Các cơ quan chức năng đã phối hợp để nâng cấp hệ thống, mở rộng dịch vụ, tính năng của Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng đảm bảo kết nối thông suốt, ổn định đáp ứng nhu cầu thanh toán cho người dân và doanh nghiệp. Thành tựu đạt được rất đáng khích lệ. Đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm có nhiều biến động sau một loạt các vụ bắt giữ đối với một số doanh nghiệp lớn, cũng gây ra tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường. Tính đến giữa tháng 6/2022, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.339 nghìn tỷ đồng, giảm 18,4% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, xét về tăng trưởng và lợi nhuận, Việt Nam vẫn đang trên đà thắng lợi, thanh khoản cao thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ sau Thái Lan. Việt Nam cũng đang nỗ lực hết sức để cải tổ thị trường chứng khoán và tiệm cận hơn với những tiêu chuẩn quốc tế nhằm khai phá tiềm năng gia nhập chỉ số các thị trường mới nổi. FTSE đã đưa Việt Nam vào danh sách xem xét khả năng nâng hạng lên EM, dự kiến vào tháng 9/2022. Việt Nam vẫn chưa được MSCI đưa vào danh sách xem xét tuy nhiên nếu thực hiện các cải cách được yêu cầu thì Việt Nam có thể đáp ứng những tiêu chí cần thiết trước tháng 5/2023 (trước đợt xem xét mới).

6. Ngoại hối: ổn định “giữa dòng đời vạn biến”

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tiếp tăng lãi suất điều hành ba lần chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022 với mức tăng lãi suất ngày 15/06 (0,75 điểm %) cao nhất trong vòng 28 năm qua và dự kiến tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Đồng USD quốc tế tăng giá mạnh khiến đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh. Những diễn biến trên tác động bất lợi tới cân đối cung cầu ngoại tệ và tâm lý thị trường trong nước, gây áp lực đối với sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Trước bối cảnh đó, tỷ giá USD/VND không có xu hướng giảm như năm 2021 mà từ đầu năm 2022 đến nay tăng khoảng 2% so với cuối năm 2021. Mặc dù thị trường quốc tế biến động mạnh nhưng thị trường ngoại tệ trong nước vẫn hoạt động ổn định. NHNN điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực như hiện nay, với quy mô Dự trữ ngoại hối đã được NHNN mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường. Theo đó, NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, qua đó tạo điều kiện cho hệ thống Tổ chức Tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

7. Doanh nghiệp Việt Nam: giữ tâm thế tích cực

Doanh nghiệp Việt Nam: giữ tâm thế tích cực
RCEP chính thức có hiệu lực, đã nâng tổng số Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) Việt Nam tham gia có hiệu lực lên 15, tạo thêm nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp

Chương trình hỗ trợ của Chính phủ giúp doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19 đã và đang được triển khai sâu rộng. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước và gần 40,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 55,6%. Bình quân một tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cho thấy tình hình bắt đầu khởi sắc và sôi nổi trở lại.

Tuy nhiên, du lịch phục hồi còn chậm, cộng thêm tình hình chi phí logistics tăng khiến lợi nhuận bị bào mòn là những thách thức không nhỏ với cộng đồng doanh nghiệp. Mặc dù vậy, tinh thần của họ vẫn tương đối lạc quan, 85% doanh nghiệp đánh giá xu hướng Quý 3 sẽ ổn định và tốt lên so với Quý 2.

Chúng tôi đặc biệt hoan nghênh những sự hỗ trợ của nhà nước đối với khối doanh nghiệp như chương trình cấp bù lãi suất 2%, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh khi Việt Nam mở cửa trở lại, nhờ vậy cũng thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển.

Một điểm nhấn quan trọng là từ đầu năm nay, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) chính thức có hiệu lực nâng tổng số Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) Việt Nam tham gia có hiệu lực lên 15 và còn 2 FTA đang đàm phán với các khu vực kinh tế trên thế giới. Doanh nghiệp cần nghiên cứu điều chỉnh mô hình kinh doanh cho phù hợp “luật chơi”, tối ưu chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để tận dụng tối đa lợi ích từ những FTA này và tiếp cận thị trường rộng mở trong khuôn khổ FTA.

8. Triển vọng nửa cuối 2022: tiếp tục tỏa sáng

Là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng hai năm liên tiếp kể từ khi xảy ra đại dịch, Việt Nam hiện đang được coi là điểm sáng trong khu vực do tiềm năng phát triển kinh tế vững vàng và khả năng phục hồi nhanh sau COVID-19. Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC đã dự báo Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm nay.

Tuy nhiên, những gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng tác động không ít đến Việt Nam bởi nền tảng sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu rất nhiều. Trong 6 tháng đầu năm nay, 94% kim ngạch nhập khẩu đến từ nhóm hàng tư liệu sản xuất, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Khoảng 30% nhập khẩu của Việt Nam đến từ nước này, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực điện tử (30%) và thiết bị máy móc (22%). Vì vậy, tình trạng tắc nghẽn trong khâu vận chuyển ở Trung Quốc sẽ là cơn gió ngược chiều cản trở tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

FDI sẽ tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam – một trong hai thành viên nổi bật nhất trong ASEAN xét về tỷ trọng FDI trên GDP cho thấy mức độ thu hút của quốc gia này ngày một tăng lên. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng. Từng bước tiến vững chắc lên cao hơn trong chuỗi giá trị, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất chính cho các sản phẩm điện tử, thu hút FDI ổn định nhờ những điều kiện vĩ mô cơ bản lành mạnh, chính sách ưu đãi thuế và nguồn lao động giá rẻ, năng suất dồi dào.

Bên cạnh đó, thu hút FDI cũng nên đi đôi với tính bền vững. Nhiều bài học trên thế giới đã cho thấy tăng trưởng sản xuất nhanh chóng mà không đi đôi với bảo vệ môi trường sẽ để lại nhiều tác hại nghiêm trọng. Đặc biệt, khi Việt Nam đã có những cam kết đầy tham vọng tại COP26, những yếu tố bền vững càng được quan tâm hơn, ví dụ như Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ VASI cũng đề xuất kiểm soát chất lượng FDI, trong đó công nghệ đưa vào Việt Nam không được phép là công nghệ tiêu thụ nhiều năng lượng không tái tạo, hủy hoại môi trường. FDI “xanh” sẽ là xu hướng quan trọng trong tương lai mà Việt Nam không đứng ngoài cuộc.

Thực tế, Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh chiến lược phát triển nền kinh tế theo hướng xanh hơn, bền vững hơn và giảm phát thải nhà kính để thu hút được dòng FDI “xanh” thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để hiện thực hóa Chiến lược này, Chính phủ xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” đề ra nhiệm vụ, hoạt động cụ thể cho các ngành.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng gắn với nhiệm vụ phát triển tín dụng xanh - ngân hàng xanh, ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam đến 2030 với mục tiêu thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”, hướng dòng vốn tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng xanh… Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2021, có 67 tổ chức tín dụng tham gia cho vay các dự án xanh ở các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, vệ sinh môi trường, dệt may và nhiều lĩnh vực khác. Dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm hơn 4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 0,46% so với năm 2020. Rõ ràng, tiềm năng phát triển của lĩnh vực tài chính xanh còn rất rộng lớn.

Ngoài ra, Việt Nam nên tiếp cận thị trường vốn quốc tế cho phát triển xanh, tận dụng sự quan tâm của thị trường vốn với khẩu vị của nhà đầu tư đang theo chiều hướng có lợi. Hiện tại vốn quốc tế cho phát triển xanh, đặc biệt là năng lượng tái tạo vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi, ví dụ trong lĩnh vực năng lượng, nhà tài trợ còn dè dặt do hợp đồng mua bán điện chưa đủ vững mạnh để tài trợ trên cơ sở dự án và môi trường pháp lý và luật lệ để tái tài trợ các dự án đã vận hành ổn định vẫn còn nhiều giới hạn. Chính phủ sẽ cần cân nhắc đẩy mạnh việc tạo ra môi trường thông thoáng về cơ chế và quy định pháp luật để có thể tận dụng hiệu quả được nguồn vốn quốc tế cho phát triển xanh của quốc gia.

9. HSBC: tiếp tục tiên phong ngọn cờ “xanh”

Doanh nghiệp Việt Nam: giữ tâm thế tích cực
Nỗ lực để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 là một hành trình dài hơi ngay cả đối với nhiều quốc gia trên thế giới, không riêng gì Việt Nam

Năm 2022 là một năm chuyển mình về mảng tài chính bền vững đối với HSBC khi chính thức đưa ra cam kết hỗ trợ thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ cho các dự án bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam cho đến năm 2030. Tính tới thời điểm hiện tại, HSBC Việt Nam đã tham gia thu xếp 1,3 tỷ USD tài chính xanh cho Việt Nam. Chúng tôi đã hỗ trợ các dự án xanh và bền vững quan trọng tại Việt Nam, góp phần vào việc giúp nền kinh tế giảm phát thải các-bon, một số giao dịch nổi bật có thể kể đến như hỗ trợ Vinpearl chào bán thành công 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup, cung cấp khoản tín dụng xanh ngắn hạn trong lĩnh vực tổng thầu xây lắp các dự án năng lượng tái tạo cho Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1 (PCC1), cung cấp khoản vay hợp vốn xanh đầu tiên cho Vingroup và VinFast...

Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai đa dạng nhiều kênh sản phẩm nhằm hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa cam kết đạt phát thải cân bằng vào năm 2050 như đã công bố tại COP26. Cụ thể, tính tới thời điểm hiện tại, HSBC đã đưa vào triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, tín dụng liên kết bền vững, tài trợ chuỗi xanh và liên kết bền vững, trái phiếu xanh, tài trợ hợp vốn xanh… Chúng tôi cũng triển khai thành công sản phẩm tiền gửi xanh, nhằm huy động những nguồn vốn nhàn rỗi của những doanh nghiệp có cùng mục tiêu hỗ trợ chuyển đổi xanh và đưa những nguồn vốn này vào tài trợ những dự án xanh. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm bền vững để hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp Việt Nam và quốc gia trong lộ trình chuyển đổi xanh.

Không chỉ đồng hành cùng khối khách hàng doanh nghiệp, chúng tôi cũng có những giải pháp để giúp khách hàng cá nhân tham gia vào hành trình xanh của Việt Nam. Trong năm 2022, HSBC giới thiệu thẻ thanh toán bằng nhựa PVC tái chế (recycled Polyvinyl chloride – rPVC) đầu tiên tại Việt Nam. Thẻ mới được làm từ 85% nhựa tái chế có nguồn gốc từ chất thải công nghiệp. Là một trong những ngân hàng dẫn đầu trong mảng thẻ thanh toán tại Việt Nam, việc HSBC chuyển sang phát hành thẻ rPVC sẽ giúp giảm phát thải nửa tấn các-bon và tiết kiệm 0,2 tấn nhựa mỗi năm. Tổng cộng, HSBC Việt Nam cùng các thị trường khác của Tập đoàn HSBC có thể giúp giảm phát thải 161 tấn các-bon và giảm 73 tấn rác thải nhựa mỗi năm trên toàn thế giới.

Những nỗ lực kể trên của HSBC không chỉ thể hiện chiến lược khí hậu thống nhất của HSBC tại tất cả các thị trường trên thế giới mà còn phù hợp với chiến lược khí hậu và tăng trưởng xanh của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi hiểu rằng nỗ lực để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 là một hành trình dài hơi ngay cả đối với nhiều quốc gia trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực cũng như HSBC đã đạt được những bước tiến tích cực trong việc hiện thực hóa cam kết khí hậu của mình. Và chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động phối hợp cùng Việt Nam nhằm giúp quốc gia đạt được những tham vọng xanh hướng đến phát triển bền vững./.

Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư