e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tăng trưởng xanh - Phát triển bền vững

Nâng cao năng lực truyền thông về ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững

18:32 | 25/07/2022 Print
Chương trình Tọa đàm Đối thoại báo chí năm 2022 với chủ đề “COP 26 và xây dựng một nền nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) phối hợp với Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tổ chức, đã diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk ngày 22/7 vừa qua.

Thông qua tọa đàm, các diễn giả đã thảo luận về các thông lệ tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hướng đến kiểm soát, cắt giảm phát thải, cách doanh nghiệp hợp tác với các bên liên quan để thực hiện các mục tiêu giảm thải của doanh nghiệp; khuyến nghị từ đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho doanh nghiệp để có thể tận dụng hiệu quả các định hướng, chính sách của Chính phủ liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, cắt giảm phát thải; các hoạt động phát triển nông nghiệp bền vững đang được triển khai tại tỉnh Đắk Lăk; cũng như các kiến nghị để có thể liên kết tốt hơn các nguồn lực khác nhau để thúc đẩy xây dựng một nền nông nghiệp tái sinh, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam.

Nâng cao năng lực truyền thông về ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
Tọa đàm “COP 26 và Xây dựng một nền nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” góp phần nâng cao năng lực truyền thông về ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững

Giảm thiểu tác động BĐKH từ nền nông nghiệp "xanh"

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Nguyễn Quỳnh Nga - Phó Giám đốc Văn phòng vì sự phát triển bền vững cho biết, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất. Trong 30 năm qua, bình quân thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu khoảng 1,5% GDP/năm và ước tính thiệt hại có thể lên tới 3 - 5% GDP/năm trong thời gian tới. Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân ở khu vực miền núi và ven biển, nhất là nhóm người nghèo, phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên theo bà Nga, cũng không thể bỏ qua thực tế là mỗi năm, sản xuất nông nghiệp nước ta thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 quy đổi, chiếm trên 30% tổng lượng khí nhà kính toàn quốc. Trong đó gần 70% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đến từ các hoạt động trồng trọt, 46% là từ hoạt động canh tác lúa nước. Đứng trước thực tế như vậy, những cam kết của Việt Nam tại COP26 về đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020, cùng với việc tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu là xu thế tất yếu nhằm đảm bảo Việt Nam sẽ trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững cho toàn cầu.

Nâng cao năng lực truyền thông về ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Văn phòng vì sự phát triển bền vững phát biểu khai mạc Tọa đàm

Bà Nga cho biết, ngay sau COP26, chúng ta đang tiếp tục tích cực để sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan, dùng một luật để sửa nhiều luật; nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể; rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch có liên quan; huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu… để thực hiện các cam kết này. Dù có nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu, hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nằm trong nỗ lực thực hiện tiến trình đó, trong thời gian tới, Việt Nam đã định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, như: chuyển đổi đối với hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng "xanh", ít phát thải và bền vững, đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân trong đầu tư, phát triển và ứng dụng tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp và nhân rộng mô hình hợp tác công tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp.

Khung pháp lý và lộ trình giải pháp giảm phát thải

Chia sẻ về các kết quả của Hội nghị COP26 và quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn, ông Phạm Nam Hưng, đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Hội nghị COP26 đã đạt được kết quả hết sức quan trọng, đó là 196 quốc gia đồng ý với "Gói Thỏa thuận khí hậu Glasgow" – hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C; cam kết giảm dần than và chuyển đổi công bằng cho các nước đang phát triển, tăng tài chính xanh lên mức 100 tỷ đô la/năm vào năm 2023; vào năm 2022, các nước sẽ đề xuất Đóng góp quốc gia tự quyết định tham vọng hơn để phù hợp với mục tiêu 1,5 độ C; tuyên bố toàn cầu về việc chuyển từ than sang năng lượng sạch; thông qua Chương trình hành động chính sách về chuyển đổi sang nông nghiệp và lương thực bền vững với sự tham gia của 17 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Nâng cao năng lực truyền thông về ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
Ông Phạm Nam Hưng, đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ về các kết quả của Hội nghị COP26 và quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn

Bên cạnh đó, ông Hưng cũng giới thiệu một số quy định pháp luật liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam, như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có 3 Điều về ứng phó với biến đổi khí hậu, giao Chính phủ quy định chi tiết; Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và bảo vệ tầng ô zôn; Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu. Trong đó, Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chia theo 2 giai đoạn: từ nay đến hết năm 2025 không tạo thêm sức ép giảm phát thải đối với các doanh nghiệp, từ năm 2026 đến hết năm 2030 sẽ thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch.

Cũng theo ông Hưng, tổ chức và phát triển thị trường các bon trong nước là một nội dung quan trọng được đưa ra cả ở trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường quy định lộ trình phát triển thị trường các bon bao gồm 2 giai đoạn: từ nay đến hết năm 2027 tập trung vào xây dựng quy định quản lý và quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các bon, vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon từ năm 2026; từ năm 2028 tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức, kết nối trao đổi tín chỉ các bon trong nước với thị trường các bon khu vực và thế giới.

Ngoài ra, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng yếu bao gồm: Hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậụ; phát triển nguồn nhân lực và phát triển khoa học công nghệ; Huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thông tin cập nhật về "Các giải pháp và lộ trình giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp", TS. Trần Đại Nghĩa, Trưởng bộ môn nghiên cứu Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, theo đánh giá của Cơ quan môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP), năm 2021, sự nóng lên toàn cầu vào cuối thế kỷ này được được dự báo là 2,7° C nếu tất cả các cam kết 2030 vô điều kiện được thực hiện đầy đủ và 2,6° C nếu tất cả các cam kết có điều kiện cũng được thực hiện. Nếu các cam kết đưa phát thải ròng về 0 được thực hiện đầy đủ, thì ước tính nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng khoảng 2,2° C. Tuy nhiên, nguồn lực để hiện thực hóa được các mục tiêu này còn rất hạn chế.

Nâng cao năng lực truyền thông về ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
TS. Trần Đại Nghĩa, Trưởng bộ môn nghiên cứu kinh tế Tài nguyên và môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thông tin cập nhật về các giải pháp và lộ trình giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp

Cụ thể, nhu cầu tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) của các nước đang phát triển lớn hơn các dòng tiền mà các quỹ tài chính công quốc tế hiện tại huy động được cho ứng phó BĐKH từ 5 đến 10 lần. Trong lĩnh vực nông nghiệp, mục tiêu đến năm 2025 giảm 15.3%, đến năm 2030 giảm 30% lượng phát thải CO2 so với kịch bản thông thường (tối thiểu 129,8 triệu tấn CO2tđ bao gồm cả giảm phát thải từ sửng dụng năng lượng trong nông nghiệp).

Liên quan đến các nhóm giải pháp giảm thải CO2 đến năm 2030, ông Nghĩa cho biết, đối với ngành trồng trọt, 2 giải pháp có tiềm năng giảm thải cao nhất là quản lý nước và áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến trong sản xuất lúa nước (tiềm năng giảm 10,8 triệu tấn CO2tđ), và thu gom, quản lý và tái sử dụng sản phẩm từ phế phẩm cây trồng (tiềm năng giảm 8,7 triệu tấn CO2tđ). Đối với ngành chăn nuôi, giải pháp cải thiện khẩu phần thức ăn chăn nuôi, công nghệ tái sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ ( tiềm năng giảm 5,92 triệu tấn CO2tđ) là các giải pháp trọng tâm của ngành.

Ông Nghĩa nhấn mạnh để thực hiện kế hoạch cần huy động mọi nguồn lực và các thành phần kinh tế tham gia, nhất là khối tư nhân, trong đó Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, kêu gọi hỗ trợ quốc tế và huy động các nguồn lực từ khối tư nhân và nguồn xã hội. Thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, thích ứng BĐKH, các bon thấp, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh.

Vai trò của doanh nghiệp trong hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0

Chia sẻ về "Vai trò và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình hướng tới cam kết Net Zero", ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Nestlé Việt Nam cho biết, từ cuối năm 2019, Tập đoàn Nestlé đã công bố Cam kết phát thải ròng bằng “0” – Net Zero vào năm 2050 cùng với lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu này.

Nâng cao năng lực truyền thông về ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Nestlé Việt Nam cho biết từ cuối năm 2019, Tập đoàn Nestlé đã công bố Cam kết Phát thải ròng bằng “0” – Net Zero vào năm 2050

"Kiểm đếm phát thải carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng của chúng tôi cho thấy, gần 2/3 lượng khí thải nhà kính đến từ nông nghiệp. Vì vậy giải quyết lượng khí thải này là một trong những lĩnh vực trọng tâm chính của Nestlé để đạt được cam kết Net Zero, trong đó nông nghiệp tái sinh là yếu tố chủ đạo. Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được Nestlé lồng ghép và thực hiện trong khuôn khổ Chương trình NESCAFÉ Plan Nông nghiệp tái sinh nhằm mục đích bảo tồn và khôi phục đất nông nghiệp, hệ sinh thái và các tài nguyên quan trọng của nó bao gồm đất, đa dạng sinh học và nước, mang lại lợi ích cho nông dân, môi trường và xã hội nói chung. Những lợi ích này bao gồm thu giữ carbon trong đất và sinh khối thực vật; cải thiện sức khỏe và độ phì nhiêu của đất; giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp và giảm phát thải ròng khí nhà kính", ông Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hưng, quan trọng nhất trong mô hình này đó là nông dân phải là trung tâm của mô hình. Nông dân là những người quản lý các nguồn lực và đưa ra quyết định về các hoạt động phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của chính mình. Hợp tác với nông dân và các bên liên quan khác là chìa khóa cho một quá trình chuyển đổi công bằng.

Giới thiệu kết quả cụ thể, ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận Hỗ trợ nông nghiệp Nestlé Việt Nam cho hay đến nay, chương trình NESCAFÉ Plan Nông nghiệp tái sinh của Nestlé đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, tổng số nông hộ hưởng lợi đạt trên 21,000 người tuân thủ theo tiêu chuẩn 4C và có trên 15,000 nông dân tích cực tham gia hàng năm tại các tỉnh Tây Nguyên thông qua chương trình Phân phát cây giống (2011-2022).

Nâng cao năng lực truyền thông về ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
Ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận Hỗ trợ nông nghiệp Nestlé Việt Nam giới thiệu các kết quả của Chương trình NESCAFÉ Plan Nông nghiệp tái sinh

Ngoài ra, có trên 330,000 nông dân tham gia các buổi tập huấn về GAP/NBFP. Tính đến nay, 63 triệu cây giống kháng rỉ sắt và năng suất cao được sản xuất và phân phát thông qua WASI (2011-2022). Mô hình nền nông nghiệp tái sinh được triển khai đồng bộ thông qua việc thúc đẩy các mô hình xen canh hợp lý, quản lý cỏ dại tổng hợp, giảm 40% -60% lượng nước tiêu thụ trong tưới tiêu và tối ưu hóa 20% việc sử dụng phân bón bằng cách đưa vào sản xuất phân compost làm từ vỏ và bã cà phê.

Theo đánh của hàng năm của Rainforest Alliance, chương trình đã mang lại nhiều tác động tích cực như 63,000 cà phề già cỗi đã được tái canh bằng nguồn giống tốt; Năng suất trang trại tăng cao hơn đáng kể so với mức trung bình (TB 3.2 tấn/ha so với 2.8 tấn/ha bình quân)​, trong khi đó giảm 20% Chi phí sản xuất​ cho người nông dân, giảm 60% lượng nước tưới và 20% lượng phân hóa học.

Theo ông Hưng, Để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, và các cam kết quốc tế như đã đề cập phía trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân gồm các doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau cùng phát triển một nền nông nghiệp xanh, carbon thấp và bền vững.

“Với vai trò là Đồng chủ trì của Hội đồng DN PTBV (VBCSD), đồng chủ trì của Đối tác Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV), Nestlé Việt Nam mong muốn là doanh nghiệp đi tiên phong trong các hoạt động về phát triển bền vững, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp tái sinh, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu chung về giảm phát thải của quốc gia”, ông Hưng khẳng định.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu đã cùng tham gia chuyến tham quan và trao đổi thực địa tại Viện Nông lâm nghiệp Tây nguyên và Vườn nông dân Y Hưng thuộc Dự án Nescafe Plan tại Buôn Pu Hue, Xã Ea Ktur, Huyện Cư Kuin, Tỉnh Đăk Lăk. Anh Y Hưng từng có 2 năm làm việc tại Israel cho một công ty của Thái Lan và sau đó quay về hỗ trợ bố để canh tác cà phê theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp thuộc chương trình Nescafe Plan Việt Nam. Đây là thế hệ nông dân trẻ kế thừa và tiếp nối sự phát triển cho một thế hệ nông nghiệp tái sinh với thực hành canh tác mới và ứng dụng số hóa trong quản lý nông hộ.

Nâng cao năng lực truyền thông về ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
Vườn nông dân Y Hưng thuộc Dự án Nescafe Plan tại Buôn Pu Hue, Xã Ea Ktur, Huyện Cư Kuin, Tỉnh Đăk Lăk là một điển hình thực hiện thành công mô hình xen canh cây cà phê và cây tiêu theo chương trình Nông nghiệp tái sinh

Gia đình Y Hưng tham gia Nescafe Plan từ 2014 và đã mua giống của Nescafe – WASI về tái canh năm 2015. Trang trại đã hoàn toàn tham gia vào các biện pháp can thiệp nông nghiệp tái sinh, bằng cách áp dụng mô hình xen canh phù hợp bằng cách phủ lớp phủ từ các tàn dư (cành, cỏ dại sau khi cắt tỉa...) và giảm 40%-60% lượng nước tưới, hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Tất cả các hoạt động đã được ghi lại đầy đủ trên FFB kỹ thuật số để tính toán phát thải CO2 và chi phí sản xuất, điều này sẽ hỗ trợ gia đình anh quyết định các giải pháp phù hợp đồng thời tính toán thời điểm bán cà phê và tiêu đen của mình vào thời kỳ có lãi tốt nhất và cải thiện thu nhập và năng suất cũng như giảm nhẹ tác động lên môi trường của vườn nhà./.

Hoạt động tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững (PTBV) là sáng kiến của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD-VCCI), được triển khai thường niên từ năm 2018, nhằm cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí các thông tin cập nhật về các chính sách, định hướng phát triển bền vững của Đảng, Chính phủ, cũng như thực tiễn và các thông lệ tốt trong kinh doanh bền vững của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Qua đó, VBCSD-VCCI giúp nâng cao nhận thức, hỗ trợ các cơ quan truyền thông tác nghiệp hiệu quả hơn và thúc đẩy các nhà báo, phóng viên đồng hành chặt chẽ hơn cùng cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình kinh doanh có trách nhiệm.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư