e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Kinh tế - Xã hội

Bộ Công thương: Thị trường hàng hóa tháng 7 không có biến động lớn

11:36 | 02/08/2022 Print
Thị trường hàng hóa tháng 7 không có biến động lớn, đây là tháng cao điểm của mùa hè nên nhu cầu đối với các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng tăng cao. Nguồn cung các mặt hàng, nhất là các hàng hóa thiết yếu luôn được bảo đảm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 2,4%

Theo nhận định của Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa tháng 7 không có biến động lớn, đây là tháng cao điểm của mùa hè nên nhu cầu đối với các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng tăng cao. Nguồn cung các mặt hàng, nhất là các hàng hóa thiết yếu luôn được bảo đảm.

Một số mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng có xu hướng giảm do ảnh hưởng của giá thế giới và tác động của việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 08 tháng 7 năm 2022 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng nông nghiệp như thịt lợn, thức ăn chăn nuôi tiếp tục có xu hướng tăng so với tháng trước, giá thịt lợn ở mức cao có nguy cơ ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân. Các mặt hàng thiết yếu khác, cung cầu, giá cả không có biến động bất thường.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, lưu thông hàng hóa trên thị trường không còn chịu tác động quá lớn của dịch bệnh Covid-19. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng.

Bộ Công thương: Thị trường hàng hóa tháng 7 không có biến động lớn
7 tháng năm 2022, nhóm bán lẻ hàng hóa đã đạt mức tăng trưởng khá tốt (tăng 13,7% với sự gia tăng của các nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục, lương thực, thực phẩm tăng 13,8-21,4%),

Tuy nhiên, thị trường hàng hóa trong nước cũng chịu tác động của thị trường thế giới nhưng nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp.

Giá hàng hóa chịu ảnh hưởng của mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới nên có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng như xăng dầu tăng khá cao. Để bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước so với mức tăng của giá thế giới.

Bộ Công Thương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 đạt 485.984 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 19,5% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương).

Trong đó, nhóm có mức tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước là du lịch lữ hành (tăng 3451% so với tháng 7/2021), dịch vụ lưu trú ăn uống (tăng 135%), dịch vụ khác (tăng 108%) do đang vào cao điểm du lịch, nhu cầu tăng mạnh khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, học sinh nghỉ hè. Trong đó, riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 29,4%.

Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt quy mô cao, đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm trước giảm 0,3% do ảnh hưởng của dịch Covid-19).

Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đã đạt mức tăng trưởng khá tốt (tăng 13,7% với sự gia tăng của các nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục, lương thực, thực phẩm tăng 13,8-21,4%), nhóm du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng trưởng mạnh sau thời gian giảm vì dịch bệnh Covid-19 (với mức tăng từ 37 - 166%), dịch vụ khác tăng 13,9%.

Các nhóm còn lại tăng từ 3,7-9,7%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đầu năm vẫn tăng 11,9%.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá

Những tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương phối hợp với Bộ làm việc và theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong các trường hợp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón… cho sản xuất và sinh hoạt.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp. Các địa phương tạo điều kiện giải phóng mặt bằng những dự án trọng điểm, cấp bách, tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính của các dự án trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại trên địa bàn.

Tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Đối với mặt hàng xăng dầu, trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đồng thời kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư