e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng/Tài chính

Giá xăng dầu giảm, nhưng giá nhiều mặt hàng không hạ, Bộ Tài chính nói gì?

10:44 | 05/08/2022 Print
Trước thực tế “nóng” là giá xăng, dầu liên tục giảm trong thời gian gần đây, nhưng giá các mặt hàng thiết yếu không giảm, Bộ Tài chính vừa có thông tin phản hồi.

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 7/2022, giá xăng, dầu có 3 đợt điều chỉnh giảm, trong đó kỳ điều hành ngày 11/7 và 21/7 giá giảm mạnh, do tiếp tục điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường và giá xăng dầu thế giới giảm. Việc giảm giá xăng, dầu sẽ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá của các mặt hàng, nhất là những hàng hóa, dịch vụ sử dụng xăng, dầu làm đầu vào chính trong sản xuất.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho hay, trong tháng 7/2022, mặc dù giá xăng, dầu trong nước giảm mạnh, nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn có biến động tăng, do nhiều yếu tố tác động đan xen như: tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ...

Giá xăng dầu giảm, nhưng giá nhiều mặt hàng không hạ, Bộ Tài chính nói gì?
Giá xăng, dầu liên tục giảm trong thời gian gần đây nhưng giá nhiều mặt hàng "ăn theo" giá xăng, dầu không hạ (ảnh: PLX)
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đối với các dịch vụ vận tải do nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, đề nghị cơ quan tiếp nhận kê khai rà soát mức giá kê khai dịch vụ vận tải phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá và đề xuất, tham mưu cơ quan có thẩm quyền có biện pháp quản lý giá phù hợp với tình hình thực tế

Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng, dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng, dầu như: dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logicstic, để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng, dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng cũng yêu cầu: các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý...

Đối với giá cước vận tải, theo quy định hiện hành thì Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải, Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp khi có yêu cầu.

Hiện Bộ Giao Thông vận tải, Sở Giao thông Vận tải tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ; cước vận tải hành khách bằng taxi. Riêng giá dịch vụ chuyên ngành hàng không và giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá…/.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư