e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Diễn đàn khoa học/Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

08:00 | 07/08/2022 Print
Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế tri thức, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) ở các trường đại học (ĐH) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh còn bất cập cả về cơ cấu và chất lượng đội ngũ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do chưa có chiến lược phát triển NNLCLC đáp ứng chức năng, nhiệm vụ ngày càng mở rộng của các trường ĐH. Do đó, đã chưa thực sự thu hút, khuyến khích, động viên và sử dụng người tài, người giỏi, có tâm huyết vào làm việc.

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Trong NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đội ngũ giảng viên chiếm tỷ lệ lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo và sự phát triển của các trường. Thời gian qua, cùng với việc mở rộng các chuyên ngành đào tạo, tăng số lượng tuyển sinh của các nhà trường, đội ngũ giảng viên tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có sự gia tăng đáng kể.

Thống kê cho thấy, so với năm học 2015-2016, số lượng giảng viên trong các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm học 2019-2020 tăng 103,1%. Sự gia tăng về số lượng giảng viên diễn ra trong tất cả các trường ĐH [4].

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Chất lượng của NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từng bước được nâng cao.

Số lượng giảng viên trong các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh gia tăng cơ bản đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của các nhà trường. Thể hiện rõ qua tỷ lệ sinh viên/một giảng viên của các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh dao động từ 26 đến 28 người. Tỷ lệ này cơ bản bảo đảm được yêu cầu triển khai các nội dung, chương trình đào tạo của các nhà trường [2].

Thực tế cho thấy, mặc dù có sự biến động về NNLCLC trong các năm học, nhưng nhìn chung NNLCLC trong các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có sự ổn định. Nghiên cứu thực tế của tác giả thông qua các website của các trường ĐH trên địa bàn cho thấy, số lượng giảng viên không có sự biến động quá lớn trong từng năm học. Điều này giúp các nhà trường triển khai đầy đủ, có chất lượng các chương trình đào tạo đã xác định.

Điều đáng mừng là chất lượng của NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từng bước được nâng cao, thể hiện qua 3 nội dung:

(i) Về thể lực: Thời gian quan nhìn chung, thể lực của NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã được cải thiện rõ nét. Chỉ số chiều cao, cân nặng của NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tăng đáng kể. Theo Viện Kinh tế (2020), nếu như năm 2016 chiều cao trung bình của NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn đối với nam là 1,61m, nữ 1,53m; thì đến năm 2019, chỉ số này là 1,66m và nữ 1,56m. Đại đa số cán bộ, giảng viên, nhân viên trình độ cao có tình trạng sức khỏe tốt và rất tốt. Số ngày nghỉ ốm bình quân của người lao động trong các trường năm 2016 là 6,01 ngày/người/năm, đến năm 2018 là 5,42 ngày/người/năm và năm 2019 con số này chỉ còn 2,07 ngày/người/năm. Như vậy, tỷ lệ ngày công lao động theo quy định của NNLCLC trong các nhà trường luôn ở mức cao.

(ii) Về trí lực: Tính đến năm 2020, NNLCLC của các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cơ bản đáp ứng được yêu cầu về học hàm, học vị, bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với từng lĩnh vực giảng dạy; đáp ứng được yêu cầu về ngạch, bậc. Năm 2010, số cán bộ, giảng viên có trình độ sau ĐH (thạc sĩ, tiến sĩ) của các trường chỉ chiếm 60,1%, thì đến 2018, tỷ lệ này đã được nâng lên 89,7. Giai đoạn 2010-2020, trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin của cán bộ, giảng viên tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ngày càng được nâng lên đáng kể. Số cán bộ, giảng viên có thể sử dụng ngoại ngữ phổ biến (như: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật….) trong giao tiếp thông thường tăng từ 55,5% năm 2012 lên 82% năm 2019 [4].

NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ tốt đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học của các nhà trường đặt ra.

Năng lực về nghiên cứu khoa học của NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từng bước phát triển. Tỷ lệ tăng trưởng công bố ISI của các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bình quân đạt từ 10% đến trên 20% trong giai đoạn 2010-2020 [7].

(iii) Về tâm lực: Tuyệt đại đa số NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có nhận thức tư tưởng chính trị tốt, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của nhà trường; có ý thức xây dựng tập thể. Đồng thời, luôn có ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách và lối sống lành mạnh, trong sáng; tạo được sự tín nhiệm của đồng nghiệp và sinh viên. Nhiều cán bộ, giảng viên có phẩm chất tốt được giới thiệu, kết nạp, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngoài ra, các nhà trường đã triển khai sâu rộng các phong trào đặc thù của ngành, như: “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Giỏi việc trường - đảm việc nhà”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, cơ cấu NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có sự chuyển biến tích cực.

Một là, về cơ cấu theo trình độ đào tạo: Kết quả khảo sát của tác giả dựa trên các báo cáo Ba công khai của các trường cho thấy, cơ cấu trình độ của NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có sự chuyển dịch tương đối hợp lý. Đến nay, các trường ĐH trên địa bàn Thành phố đã cơ bản hoàn thành chuẩn hóa về trình độ đào tạo NNLCLC. Tỷ lệ NNLCLC có trình độ sau ĐH ngày càng tăng.

Hai là, về cơ cấu theo độ tuổi: Xét về độ tuổi, đội ngũ cán bộ, giảng viên trong các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được chia thành 3 nhóm tuổi, bao gồm: dưới 30, từ 30-50 và trên 50. Căn cứ vào cách phân loại, trong giai đoạn 2010-2020, cơ cấu theo độ tuổi của NNLCLC trong các trường ĐH trên địa bàn Thành phố có sự chuyển dịch rõ nét. Độ tuổi từ 30-50 tăng từ 73,5% năm 2010 lên 88,9% năm 2020, trong khi đó, độ tuổi trên 50 có xu hướng giảm, từ 26,5% năm 2010 xuống 11,1% năm 2020. Tỷ lệ NNLCLC có thâm niên công tác từ 10 năm đến 20 năm chiếm đa số.

Ba là, về cơ cấu theo ngành chuyên môn: Cơ cấu NNLCLC theo ngành chuyên môn tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có sự chuyển dịch tích cực theo sự phát triển ngành nghề đào tạo của các trường. Bên cạnh NNLCLC thuộc các lĩnh vực đào tạo mang tính chất “truyền thống”, phổ biến như: kế toán, kiểm toán, ngân hàng, tài chính, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ… NNLCLC trong một số nhóm ngành đào tạo có xu hướng gia tăng nhanh, như: truyền thông - marketing; thương mại quốc tế; công nghệ thông tin - lập trình - phần mềm; dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch; dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ, sức khỏe; kỹ thuật ô tô, cơ khí; trí tuệ nhân tạo. Theo Báo cáo công khai năm học 2019-2020 của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ giảng viên trong các ngành, nhóm ngành mới này tại các trường ĐH trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn 2015-2020 đã tăng lên trên 25%.

NHỮNG TỒN TẠI HẠN CHẾ

Một là, số lượng NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh còn thiếu, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của các nhà trường. Trong 10 năm (2010-2020) số lượng trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng khoảng 1,7 lần. Cùng với sự gia tăng số lượng trường ĐH, số lượng sinh viên đã tăng 20 lần; trong khi số lượng giảng viên chỉ tăng 4,4 lần. Điều này chứng tỏ số lượng NNLCLC trong tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phát triển chưa theo kịp sự phát triển của các trường [5].

Hiện nay, một số trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang rất thiếu giảng viên có chất lượng và liên tục đăng tin tuyển với nhiều chế độ ưu đãi hấp dẫn. Tuy nhiên, việc chọn được những giảng viên có chất lượng không phải là điều đơn giản. Việc thiếu giảng viên, đặc biệt là giảng viên chuyên ngành là một nỗi lo lớn cho các trường ĐH trên địa bàn Thành phố.

Hai là, chất lượng của NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn còn hạn chế, chưa thực sự tương xứng với đòi hỏi phát triển của xã hội và xu thế hội nhập. Cụ thể, trong đội ngũ giảng viên của các nhà trường, số có học hàm giáo sư, phó giáo sư đang chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.

Trình độ ngoại ngữ, tin học của NNLCLC trong các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế. Các trường mở ngành đào tạo theo chương trình tiên tiến, nhưng đội ngũ giảng viên đủ trình độ giảng dạy tốt bằng tiếng Anh chưa nhiều, mới chỉ tập trung ở một số trường “top” và một số ngành “hot”. Theo số liệu điều tra, chỉ có 36,6% giảng viên ĐH công lập trên địa bàn Thành phố được bồi dưỡng ngoại ngữ, 39,5% bồi dưỡng công nghệ thông tin, một con số đáng báo động khi giáo dục đại học của Thành phố đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ [5].

Năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học của một bộ phận NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh còn thấp. Liên quan đến hoạt động giảng dạy, thực trạng hiện nay cho thấy có tình trạng quá tải giờ dạy của đội ngũ giảng viên trong các trường ĐH trên địa bàn Thành phố do sự gia tăng nhanh chóng về quy mô đào tạo, trong khi số lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy không tăng kịp theo tốc độ tăng quy mô.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh còn có nhiều bất cập. Theo kết quả điều tra tại một số trường ĐH trên địa bàn của Huỳnh Thế Nguyễn và Trương Thị Tuyết An (2015), hiện nay chỉ có 19% giảng viên thường xuyên tham gia nghiên cứu khoa học, 49% giảng viên thỉnh thoảng có tham gia và 15% hiếm khi tham gia. Ngoài ra, còn một số trường ĐH không đưa môn phương pháp nghiên cứu khoa học vào giảng dạy, bồi dưỡng cho cán bộ, giảng viên.

Ba là, cơ cấu NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh còn tồn tại một số bất cập. Cụ thể:

Về cơ cấu theo trình độ đào tạo: Tổng hợp từ báo cáo Ba công khai của các trường cho thấy, NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang có sự mất cân đối lớn về trình độ đào tạo. Cụ thể, trong đội ngũ giảng viên của các nhà trường, tỷ lệ NNLCLC có học hàm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ còn thấp. Giảng viên có trình độ ĐH, thạc sĩ vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Tùy theo từng nhà trường, tỷ lệ giảng viên có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ dao động từ 16,2% đến 25,5%; còn lại là giảng viên có trình độ thấp hơn. Con số này còn quá thấp so với mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra là, đến năm 2020, phải đạt ít nhất 35% giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Cơ cấu theo độ tuổi: Cơ cấu theo độ tuổi của NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang có sự mất cân đối, chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài. Độ tuổi trung bình của NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có học hàm Giáo sư là hơn 57 tuổi và phó giáo sư là hơn 50; trong khi tuổi trung bình của lực lượng tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân dao động từ 30-40 tuổi. Các nhà trường đang phải đối diện với tình trạng hẫng hụt, chắp vá giữa các thế hệ cán bộ, giảng viên; thiếu đội ngũ nòng cốt kế cận có trình độ chuyên môn cao.

Cơ cấu theo ngành chuyên môn: NNLCLC trong các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang có sự mất cân đối về cơ cấu ngành chuyên môn. Nguồn NLCLC thường có xu hướng tập trung ở các ngành nghề, như: Quản trị kinh doanh, luật kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán, công nghệ thông tin; Thiết kế đồ họa; Ngoại ngữ… Bên cạnh đó, một số nhóm ngành đào tạo đang thiếu giảng viên trầm trọng, như: Khoa học xã hội; Chính sách và quản lý.

Cơ cấu giảng viên cơ hữu - giảng viên thỉnh giảng: Cũng theo báo cáo công khai của các trường, một số trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhất là các trường mới được thành lập và trường tư thục, số lượng giảng viên thỉnh giảng cao hơn so với đội ngũ cán bộ cơ hữu làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo của nhà trường. Việc sử dụng quá đông giảng viên thỉnh giảng một mặt làm cho cơ sở đào tạo khó chủ động thực hiện kế hoạch đề ra và chất lượng đào tạo không cao, do giảng viên thỉnh giảng ít có điều kiện tham gia sinh hoạt chuyên môn tại cơ sở thỉnh giảng và không có thời gian tập trung nghiên cứu, nâng cao chất lượng giảng dạy.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Để phát triển nguồn NNCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới, cần thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch phát triển NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Các giải pháp nâng cao chất lượng NNLCLC bao gồm các vấn đề về: nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; tuyển chọn, đánh giá, sử dụng, các chính sách ưu đãi NNLCLC. Đây là những nội dung cơ bản nâng cao chất lượng NNLCLC. Thực hiện dân chủ, công khai, bảo đảm tuyển chọn đúng người có đủ tiêu chuẩn. Khi có nhu cầu tuyển chọn NNLCLC, cần công bố công khai rộng rãi nhu cầu, đối tượng, tiêu chuẩn cần tuyển.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng NNLCLC của các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phải xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch hóa đào tạo NNLCLC. Hội đồng quản trị, hiệu trưởng các trường ĐH phải căn cứ vào thực trạng NNLCLC để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng sát với thực tế. Mỗi trường cần cung cấp đầy đủ tài liệu về đánh giá và xếp loại NNLCLC theo chuẩn nghề nghiệp để mỗi người nghiên cứu, tìm hiểu và có định hướng phấn đấu. Đầu tư kinh phí để hỗ trợ công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ cho NNLCLC, như: kinh phí đi lại, ăn ở, mua tài liệu; khen thưởng những người đạt kết quả xuất sắc.

Thứ ba, xây dựng và thực hiện tốt chính sách đối với NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Xây dựng chính sách tác động đến quá trình phân phối và phân phối lại thu nhập của NNLCLC tại các trường ĐH, xây dựng chính sách tác động đến đời sống tinh thần của NNLCLC, cải thiện điều kiện đảm bảo hoạt động của nguồn nhân lực chất lượng, hiệu quả.

Thứ tư, mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế phát triển NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn Thành phố. Theo đó, cần xác định đúng yêu cầu và nội dung hợp tác quốc tế trong phát triển NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn Thành phố, từ đó lên kế hoạch, xây dựng phương án phù hợp. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển NNLCLC tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh./.

Tài liệu tham khảo

1. Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (2020). Báo cáo tổng kết Chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020

2. ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2016). Chiến lược Phát triển giai đoạn 2016-2020

3. ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2019). Báo cáo Ba công khai năm học 2019-2020, ngày 28/12/2019

4. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh (2020). Niên giám Thống kê TP. Hồ Chí Minh năm 2019, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh

5. ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh (2019). Kỷ yếu Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực +chất lượng cao phục vụ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, ngày 14/3/2019

6. Huỳnh Thế Nguyễn, Trương Thị Tuyết An (2015). Phát triển nhân lực khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, Hội thảo ĐH Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh

7. Tống Thị Hạnh (2019). Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các trường đại học Việt Nam trong hội nhập quốc tế, Luận án tiến sĩ, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Nguyễn Đức Thọ

Tập đoàn Giáo dục An Tín

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 35 năm 2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư