e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

“Nóng” chất vấn Bộ trưởng Công an về mẫu hộ chiếu mới

16:23 | 10/08/2022 Print
Nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về những rắc rối phát sinh, mà người dân sử dụng hộ chiếu phổ thông mới phải đối mặt.

Sẽ bổ sung nội dung “nơi sinh” vào mẫu hộ chiếu mới

“Một số quốc gia không chấp nhận hộ chiếu phổ thông hiện nay gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Vậy, trách nhiệm này thuộc về ai và biện pháp khắc phục trong thời gian tới như thế nào?”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, tại phiên họp lần thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra hôm nay (ngày 10/8), theo Văn phòng Quốc hội.

Giải trình nội dung trên, ông Tô Lâm, cho biết, so với hộ chiếu mẫu cũ, hộ chiếu mẫu mới được sản xuất, in ấn bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an cao hơn và chống nguy cơ làm giả, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Theo quy định của ICAO, tiêu chuẩn hộ chiếu, các thông tin bắt buộc phải có trên hộ chiếu bao gồm: loại hộ chiếu, họ và tên, số hộ chiếu, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính và ngày hết hạn hộ chiếu. Mẫu hộ chiếu mới ban hành kèm theo Thông tư số 73/2021/TT-BCA đã tuân thủ chặt chẽ các quy định trên và hoàn toàn đáp ứng đúng các tiêu chuẩn quốc tế.

“Nóng” chất vấn Bộ trưởng Công an về mẫu hộ chiếu mới
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, về lâu dài sẽ sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục nơi sinh (ảnh: Quốc hội)

“Một số nước châu Âu thông báo từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chức năng của các nước và xác định đây là vấn đề mang tính kỹ thuật. Hộ chiếu thiếu nơi sinh sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của các nước sở tại. Để giải quyết vấn đề này, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân ta khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước trong khu vực Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu, Bộ Công an đã thống nhất với Bộ Ngoại giao trước mắt tiến hành bị chú ‘nơi sinh’ vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân khi họ đề nghị. Về lâu dài sẽ tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục ‘nơi sinh’…”, ông Tô Lâm giải trình.

Chưa thoả mãn với câu trả lời của Bộ trưởng, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi), chất vấn, vấn đề cấp hộ chiếu phổ thông mới đang gây trục trặc nhập cảnh cho công dân tại một số nước châu Âu, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề kỹ thuật. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết việc thay đổi này có thuận lợi và khó khăn, lãng phí như thế nào đối với công dân và xã hội? Đồng thời làm rõ hơn trách nhiệm của Bộ Công an trong vấn đề này?

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc này cơ bản thuận lợi cho người dân. Hộ chiếu mới đáp ứng được nhu cầu của người dân; việc đăng ký, nhận, cấp, sử dụng, quản lý đều thuận lợi, không gây khó khăn, phiền toái. Một số nước yêu cầu bổ sung thông tin về nơi sinh, Bộ đã tiến hành bổ sung thông tin với các nước quan tâm. Bộ trưởng cũng khẳng định, việc cấp hộ chiếu mới không lãng phí, hộ chiếu cũ vẫn có giá trị sử dụng bình thường đến khi hết hạn. Tới đây, Bộ Công an sẽ nghiên cứu triển khai hộ chiếu điện tử, hộ chiếu có gắn chip, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân.

Làm căn cước công dân, người dân phải sửa lại nhiều lần

Một nội dung “nóng” khác mà Đại biểu Quốc hội chất vấn Tư lệnh ngành Công an là liên quan đến cấp căn cước công dân. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chất vấn hiện ở nhiều địa phương, dữ liệu thông tin chưa đồng bộ, nên rất khó khăn trong khâu triển khai. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này?

Ông Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an đang triển khai tích hợp các thông tin của các ngành lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, thẻ căn cước công dân. Các loại căn cước công dân có gắn chip điện tử có thể tích hợp được thông tin của hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như: giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, sổ hộ khẩu… Hiện Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở dữ liệu để kết nối liên thông, đáp ứng việc khai thác, sử dụng đồng bộ. Ngày 9/8, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đã đặt ra lộ trình về việc này, để có kết nối dữ liệu đồng bộ phục vụ cho công tác quản lý, quản trị của các cơ quan nhà nước.

“Thời gian tới, khi hệ thống dữ liệu quốc gia đồng bộ với các bộ, ngành khác, giao dịch của người dân đi làm các thủ tục hành chính khác sẽ thuận lợi hơn rất nhiều...”, ông Tô Lâm cho hay.

“Nóng” chất vấn Bộ trưởng Công an về mẫu hộ chiếu mới
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu câu hỏi, có chạy theo thành tích trong làm căn cước công dân? (ảnh: Quốc hội)

Tranh luận với Bộ trưởng về nội dung trên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ rõ một số hạn chế trong việc cấp thẻ căn cước công dân nhiều nơi làm việc quá sức dẫn đến sai sót dữ liệu, người dân phải đi sửa lại nhiều lần. Vấn đề này có chạy theo thành tích trong làm căn cước công dân?

Giải trình nội dung trên, ông Tô Lâm cho biết, Bộ đã thực hiện đúng nguyên tắc, tuy nhiên, có những trường hợp thay đổi thông tin cá nhân. Công dân có quyền thay đổi thông tin cá nhân của mình về: tên, họ, quê quán, chỉnh sửa ngày sinh… Ngoài ra, cũng có trường hợp người khai lần đầu không đưa ra thông tin chính xác, hoặc cán bộ thực hiện thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều. Bộ sẽ tích cực phối hợp, hoàn thiện, cấp đủ giấy tờ cho công dân, trên cơ sở đó, các cơ quan khác căn cứ vào dữ liệu chính xác đó để tiến hành công việc của mình. Đây là việc rất công phu, đòi hỏi công sức và thời gian…/.

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư