Thương nhớ hồn quê…

17:26 | 11/08/2022 Print
Những con mương (ngòi) ngày xưa đầy cua cá, giờ thì trong vắt, chẳng thấy có con gì. À í a quê tôi thay đổi. À í a tôm cá đi về đâu...

Khúc Văn Quý

Hà Nội đang dần vào Thu. Năm nay thời tiết mùa hè dễ đoán, cứ sau một ngày oi nóng là lại xuất hiện vài ngày mưa rào làm dịu mát cả phố, còn dịch bệnh Covid thì đã được kiểm soát. Điều kiện năm nay rất thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất, giao thương, học tập, nghiên cứu...

Tôi có người anh, là một nhà khoa học uyên bác, mỗi khi tìm thấy bức ảnh hay/lạ, ông ấy lại gửi cho xem rồi bình. Vài hôm trước, ông gửi tôi một bức hình về những người phụ nữ đang sắn quần bắt cá bằng chiếc nơm (Hình 1). Bức ảnh cũ đen trắng nhưng còn sắc nét để đọc được chữ “TONKIN”. Tôi hiểu là bức hình chụp những người phụ nữ Việt Nam ở xứ đàng ngoài trong thời kỳ Pháp thuộc đang dùng nơm bắt cá.

Thương nhớ hồn quê…
Hình 1. Úp nơm bắt cá. Nguồn: wikipedia.org

Với tôi, chiếc nơm cũng không phải xa lạ gì bởi nó được làm từ tre già và dây mây nếp. Tôi vốn xuất thân từ quê, thuở nhỏ gắn bó với việc đồng áng, hết chính vụ lại cùng bạn trong làng đi bắt cua cá để gia đình dùng, thậm chí nhiều lần bán lấy tiền. Vì thế chiếc nơm tre gợi nhớ đến một thời gian sống ở quê [1], nơi nhiều kỷ niệm tuổi thơ tôi vẫn còn lưu giữ.

Tôi bây giờ sống ở Hà Nội và thỉnh thoảng về quê thăm người thân. Quê hương sau mấy chục năm đổi mới, ấn tượng đọng lại với tôi là bây giờ về quê rất tiện lợi. Hơn 20 năm trước, khi còn là sinh viên, muốn lên Hà Nội thì tôi phải bảo bố tôi chở ra đầu đường xã Quốc Tuấn (cách nhà 2km), hoặc muốn ăn chắc thì ra ngã ba Tiền Trung (cách nhà chừng 5km) đón xe. Bây giờ, chỉ cần bấm điện thoại gọi đặt xe trước là đúng giờ có xe con đến tận cửa đón. Vì là đi ghép nên giá cả cũng rất hợp lý, chỉ dao động từ 100-200.000 đồng/chuyến đi Hà Nội. Ấn tượng nữa là đường xá rộng rãi, sạch sẽ, nhà cửa khang trang mọc lên đôi bên đường. Nghĩ lại thuở nhỏ ở quê có nằm mơ tôi cũng không nghĩ là làng quê mình phát triển nhanh đến thế.

Nhưng không phải tất cả ở quê giờ là lộng lẫy, tích cực. Ẩn sau sự đổi thay về kinh tế, cuộc sống người dân khấm khá, thậm chí sung túc ấy, là sự thay đổi, suy thoái của môi trường sống. Những con mương (ngòi) ngày xưa đầy cua cá, giờ thì trong vắt, chẳng thấy có con gì. Sau nhiều năm người dân dùng thuốc trừ sâu không được kiểm soát cộng với việc dùng kích điện để khai thác đã làm cho cua cá biến mất. Hay nói cách khác, văn hóa khai thác tận diệt, văn hóa hưởng thụ thay cho văn hóa kiến tạo, văn hóa giá trị cao [1] đã biến những cánh đồng sinh thái ngày xưa thành những cánh đồng chết.

Sử dụng lý thuyết mindsponge [2] và nguyên lý bán dẫn giá trị kinh tế môi trường [3], tôi cũng đang kiểm tra xem có phải những người sống gần thiên nhiên thì sẽ có xu hướng bảo vệ thiên nhiên hơn những người không có ký ức về thiên nhiên hay là không. Nhưng trong khi chờ đợi kết quả thì những bằng chứng từ quan sát tận mắt về sự biến mất của các loài tôm cá mà người dân là tác nhân chính gây ra môi trường ô nhiễm và khai thác tận diệt thì càng giúp tôi củng cố giả thuyết (lập luận) rằng, người dân thiếu văn hóa môi trường [3,4] là nguyên nhân gốc rễ. Những con người sống gần thiên nhiên nhưng không có nghĩa là họ có văn hóa môi trường, có kiến thức và hành động bảo vệ môi trường, môi sinh.

Thương nhớ hồn quê, sông (ngòi) không còn cá/nhiều cá nữa, bây giờ chiếc nơm tre chỉ còn lại trong ký ức. Điều này cứ làm tôi day dứt mỗi lần về quê…

À í a quê tôi thay đổi

À í a tôm cá đi về đâu

Còn đâu môi trường sống trong lành nơi quê hương như xưa...

Tài liệu tham khảo

[1] Khuc, Q. Van. (2022). Transforming our world from high-value culture. Working paper. https://doi.org/10.31219/osf.io/r5pcy

[2] Vuong, Q. H., & Napier, N. K. (2015). Acculturation and global mindsponge: An emerging market perspective. International Journal of Intercultural Relations, 49, 354–367. https://doi.org/10.1016/j.ijintrel.2015.06.003

[3] The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284–290. https://doi.org/10.17811/ebl.10.3.2021.284-290

[4] Khuc, Q. Van. (2021). Khucc tower: from cultural values to practical solutions. Working paper. https://doi.org/10.31219/osf.io/stbj4

...

[1] Huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư