e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Thủ tướng Chính phủ lắng nghe và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp

23:08 | 11/08/2022 Print
Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì đã diễn ra sáng 11/8 theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội, kết nối với nhiều đầu cầu trên cả nước.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực chất, khách quan các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam, thực trạng, khó khăn, thách thức cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt, kết quả đạt được và chưa đạt được trong triển khai chính sách, giải pháp của Chính phủ thời gian qua.

Hội nghị đã nghe báo cáo tình hình hoạt động, phát triển doanh nghiệp thời gian qua; lãnh đạo các doanh nghiệp phát biểu ý kiến về những khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan giải đáp về những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ lắng nghe và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp

Trên cơ sở nhận diện thời cơ, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách; đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội nói chung, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp, sự trao đổi thẳng thắn của đại diện các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị. Thủ tướng khẳng định, sau hơn 2 năm chống dịch, cả nước kiểm soát được dịch bệnh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ được đà tăng trưởng kinh tế; đảm bảo các cân đối lớn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, mục tiêu của Việt Nam là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường, an toàn, công khai, minh bạch; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; xây dựng chính phủ số, xã hội số, công dân số; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người dân.

Trên cơ sở các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Thủ tướng khái quát, chia sẻ thêm về những nhóm khó khăn, thách thức chính các doanh nghiệp đang phải đối mặt, đó là Sức ép lạm phát, giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; thiếu hụt lao động cục bộ; khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; cung và cầu bị ảnh hưởng lớn, tình trạng thiếu linh kiện, nguyên phụ liệu đầu vào để sản xuất, giảm đơn hàng cuối năm đang gia tăng, thị trường xuất khẩu có khả năng thu hẹp do các nước nhập khẩu đang gặp khó khăn, nhu cầu giảm; các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để; quy mô, năng lực, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế; việc tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chưa được như mong muốn, đổi mới sáng tạo còn hạn chế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… còn gặp khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ lắng nghe và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp
Thủ tướng đánh giá cao các đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong thành tựu chung của đất nước

Thủ tướng cơ bản đồng tình với các giải pháp thời gian tới được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trong báo cáo và các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị, nhấn mạnh các nhiệm vụ giải pháp ngắn và dài hạn cần triển khai để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển.

Theo đó, trong ngắn hạn, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời xử lý, giải quyết kịp thời trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét. Thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư công để dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực xã hội. Nâng cao năng lực dự báo, giúp doanh nghiệp định hướng sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong doanh nghiệp...

Để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi phát triển, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu các chính sách tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế phí có liên quan đến doanh nghiệp như chính sách về giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào, vật liệu sản xuất, ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu trong nước để giảm chi phí.

Các ngành, nhất là các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động; đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong thời kỳ mới; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng Chính phủ lắng nghe và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị

Về nhóm nhiệm vụ dài hạn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp xây dựng định hướng đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn và bền vững. Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt đón đầu các xu hướng kinh doanh, hướng vào chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế tri thức…

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị cộng đồng doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cùng các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Thủ tướng đề nghị các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, thích ứng với giai đoạn mới.

Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng; nâng cao năng suất, năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản trị doanh nghiệp; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng chỉ rõ yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, bền vững là con người, công nghệ và phương thức, mô hình kinh doanh. Trong điều kiện hiện nay, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ thì doanh nghiệp cần tiếp cận và ứng dụng những thành tựu của nó vào thực tiễn, đổi mới công nghệ, áp dụng các mô hình kinh doanh mới, thân thiện với môi trường để phát triển bền vững. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam để không chỉ sẵn sàng tham gia vào chuyển giao công nghệ mà còn có khả năng đổi mới, sáng tạo ra những tiến bộ công nghệ mới.

Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nhân cần nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế đất nước.

“Doanh nhân Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực xây dựng đội ngũ doanh nhân có bản sắc Việt Nam: có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, có bản lĩnh, trí tuệ, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, không chỉ nhìn lợi ích trong ngắn hạn mà phải có chiến lược, tư duy dài hạn trong kinh doanh; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội và có đạo đức, văn hoá kinh doanh, góp phần chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bản lĩnh, lớn mạnh, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư