e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Khởi động dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh Việt Nam 2022

09:22 | 12/08/2022 Print
Lễ Khởi động Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (Logistics Competitiveness Index - LCI) Việt Nam 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) tổ chức đã diễn ra sáng 11/8 tại TP. HCM.

Phát biểu khai mạc tại Lễ khởi động, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, Chỉ số Năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh Việt Nam là Chỉ số đo lường và đánh giá tốc độ phát triển, chất lượng, cơ sở hạ tầng, chính sách của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam về ngành kinh doanh dịch vụ Logistics Việt Nam.

Chỉ số LCI sẽ đem đến một bức tranh chung về ngành kinh doanh dịch vụ Logistics tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, từ đó giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển ngành này tại các địa phương trên cả nước. Qua đó, tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất xuất khẩu, và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả góp phần giúp Việt Nam phát triển.

Khởi động dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh Việt Nam 2022
Chủ tịch Hiệp hội VLA Lê Duy Hiệp biểu khai mạc tại Lễ khởi động

Cùng với tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, LCI sẽ được sử dụng để tham gia phản biện chính sách với chính quyền địa phương để cải thiện, phát triển ngành dịch vụ logistics phục vụ kinh doanh. Ngoài ra, con số và các đánh giá trong báo cáo chỉ số sẽ giúp Doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến LCI như là hỗ trợ quan trọng cho việc quyết định lựa chọn địa điểm và mở rộng sản xuất kinh doanh....Chỉ số LCI giúp truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về ngành dịch vụ logistics.

"Với mong muốn thực hiện thành công Dự án Chỉ số LCI Việt Nam, qua đó có những đóng góp ý nghĩa cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics và cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam rất mong nhận được sự hỗ trợ, đồng hành nhiệt tình, tích cực từ các chuyên gia, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong suốt quá trình thực hiện Dự án. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất xuất khẩu, và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả góp phần giúp Việt Nam phát triển", ông Hiệp nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiệp, Dự án đã bám sát việc thực hiện các Nhiệm vụ trong Quyết định 221/QĐ-TTg, đồng thời với mong muốn góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu việc phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam theo tinh thần tinh thần “Chuyển đổi số, Đổi mới, Sáng tạo” mà Đại hội Nhiệm kỳ VIII (2021-2024) của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã đề ra.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam có bước tiến đáng kể. Sự quan tâm của các bộ ngành, địa phương với ngành dịch vụ logistics Việt Nam ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, nhiều hạn chế còn bộc lộ rõ như chi phí dịch vụ logistics còn là gánh nặng đối với các doanh nghiệp, hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành logistics. Thêm nữa, Sự quan tâm của các ngành, địa phương với ngành logistics vẫn chưa đồng đều. Do đó, việc Hiệp hội VLA cùng các đơn vị phối hợp thực hiện Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh Việt Nam là cơ sở để các ngành, địa phương có cách nhìn về thực trạng kinh tế chung, trong đó có ngành logistics qua đó tham mưu với lãnh đạo các cấp để có quy hoạch phát triển kinh tế phù hợp", ông Hải nhấn mạnh.

Logistics - ngành được Chính phủ quan tâm đầu tư

Logistics là bộ phận rất quan trọng trong quản trị chuỗi cung ứng. Ở nước ta, logistics ngày càng có vai trò trọng yếu trong việc phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong thời gian phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Tiến trình phục hồi và phát triển bền vững kinh tế- xã hội sau đại dịch Covid-19, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra đòi hỏi ngành dịch vụ logistics, một ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, phải có những bước phát triển đột phá để đáp ứng yêu cầu là mạch máu của nền kinh tế.

Ngày 22/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 221/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày14 tháng 2 năm 2017 về việc Phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Quyết định đề ra 61 nhiệm vụ, giao cho các Cơ quan Bộ, Ban, Ngành, Hiệp hội… phối hợp thực hiện nhằm thúc đẩy ngành dịch vụ logistics Việt Nam lên một tầm cao mới.

Trong các Nhiệm vụ tại Quyết định 221/QĐ-TTg được giao cho Hiệp hội VLA thực hiện có: Nhiệm vụ số 36 về hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics và Nhiệm vụ 60 về Xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics và doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Bám sát việc thực hiện các Nhiệm vụ trong Quyết định 221/QĐ-TTg, đồng thời với mong muốn góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu việc phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam theo tinh thần tinh thần “Chuyển đổi số, Đổi mới, Sáng tạo” mà Đại hội Nhiệm kỳ VIII (2021-2024) của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã đề ra, VLA phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các đơn vị nghiên cứu VCCI, Dream Incubator (DI) và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) thực hiện Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (LCI) Việt Nam 2022.

Khởi động dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh Việt Nam 2022
Chỉ số LCI sẽ đem đến một bức tranh chung về ngành kinh doanh dịch vụ Logistics tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, từ đó giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển lĩnh vực này một cách hiệu quả

Chỉ số năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (Logistics Competitiveness Index - LCI) là Chỉ số đo lường và đánh giá tốc độ phát triển, chất lượng, cơ sở hạ tầng, chính sách của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam về ngành kinh doanh dịch vụ Logistics Việt Nam.

Chỉ số LCI là sáng kiến của Hiệp hội VLA, được Hiệp hội VLA và VCCI phối hợp tổ chức với sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu Dream Incubator (DI) và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI). Công tác nghiên cứu, đánh giá sẽ được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước.

Những tác động và đóng góp của chỉ số LCI

Chỉ số LCI sẽ tìm hiểu và lý giải vì sao có sự khác biệt, chênh lệch giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam trong phát triển logistics phục vụ kinh doanh, xuất nhập khẩu. Chính vì thế, những đánh giá từ Kết quả Chỉ số LCI sẽ có những tác động và đóng góp quan trọng cho các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

LCI là công cụ đắc lực để phản biện chính sách – một trong bốn trụ cột xây dựng nên hệ thống logistics Việt Nam. Cùng với tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, LCI sẽ được sử dụng để tham gia phản biện chính sách với chính quyền địa phương để cải thiện, phát triển ngành dịch vụ logistics phục vụ kinh doanh. Các nhà hoạch định chính sách trung ương tham khảo các chỉ tiêu của LCI làm tiêu chí đánh giá cho nhiều chính sách cải cách kinh tế.

Cùng với việc tác động tích cực trong việc thay đổi công tác hoạch định chính sách liên quan nhằm phát triển dịch vụ logistics, về dâu dài, Chỉ số LCI sẽ góp phần tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất xuất khẩu.

Ngoài ra, LCI góp phần tạo dựng hình ảnh và uy tín cho các địa phương cũng như Việt Nam trong việc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; đồng thời, giúp các địa phương có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm, bài học thực tiễn tốt từ những nơi khác để áp dụng tại địa phương mình. Con số và các đánh giá trong báo cáo chỉ số sẽ giúp Doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến LCI như là hỗ trợ quan trọng cho việc quyết định lựa chọn địa điểm và mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Chỉ số LCI cũng sẽ giúp truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về ngành dịch vụ logistics./.

Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (LCI) Việt Nam 2022 được Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức với sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu Dream Incubator (DI) và Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế Việt Nam (VLI). Dự án sau khi khởi động sẽ được triển khai trong năm 2022 trên phạm vi cấp tỉnh của Việt Nam.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư