Giải pháp phòng, chống bệnh quan liêu trong cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

14:20 | 19/08/2022 Print
Thấm nhuần lời dạy của V.I.Lênin: “Kẻ thù bên trong tệ hại nhất của chúng ta, chính là anh chàng quan liêu... Chúng ta phải gạt bỏ kẻ thù đó[1], Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác… phải tẩy sạch nó để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính[2]... Bài viết tập trung làm rõ nội hàm tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống bệnh quan liêu trong cán bộ, đảng viên. Đây là bệnh rất nguy hiểm, tác hại vô cùng lớn, là kẻ thù nội xâm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đánh giá khái quát thực trạng, tác giả đề xuất một số biện pháp chính nhằm tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống bệnh quan liêu trong cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay.

THỰC TRẠNG PHÒNG, CHỐNG BỆNH QUAN LIÊU TRONG CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Những kết quả tích cực

Thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, nhất là trong cán bộ, đảng viên. Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh, nhất là trong giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân, nghiêm túc tự phê bình và phê bình… Qua đó, đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên. “Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ đạt được một số kết quả”[3]. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng, chống các biểu hiện quan liêu, Đảng ta nhiều lần đề cập, xem đây là nhân tố quan trọng để xây dựng Đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Đảng ta thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới. “Công tác cán bộ là ‘then chốt của then chốt’ có nhiều đổi mới, đạt một số kết quả quan trọng”[4].

Một số tồn tại

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa thực sự phát huy được vai trò, hiệu quả, trách nhiệm trong công tác, tinh thần tự giác trong học tập, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tự phê bình và phê bình chưa cao. “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn”[5].

Đánh giá hiệu quả công việc của cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương chủ yếu dựa trên các báo cáo, “lối làm việc bàn giấy”, chưa nghiên cứu tình hình thực tế. Do đó, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị không cao, gây bức xúc trong nhân dân. “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp; năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa”[6]. Những biểu hiện đó đã và đang làm giảm sút ý chí chiến đấu, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết trong nội bộ, là cơ hội để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ động đấu tranh phòng, chống biểu hiện quan liêu trong cán bộ, đảng viên là việc làm cần thiết, thường xuyên, thông qua việc nhận thức và thực hiện đồng bộ, toàn diện nhiều biện pháp cả về nhận thức tư tưởng, tổ chức, luật pháp và chính sách, trong đó, trọng tâm là một số nội dung cơ bản sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi tổ chức, cá nhân, trước hết là cấp uỷ, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức các cấp nhận thức rõ biểu hiện, tác hại của bệnh quan liêu. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và tiêu chuẩn cán bộ được Bộ Chính trị khóa XII nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, Quy định số 90-QĐ/TW về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cần công tâm, khách quan, dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng cán bộ, đảng viên, bảo đảm khách quan, công khai, thực chất. Đưa các buổi sinh hoạt chuyên đề, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên rèn luyện và nâng cao trình độ mọi mặt từ chính thực tiễn thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất gắn với môi trường công tác, văn hóa công sở lành mạnh. Tạo môi trường lành mạnh, thu hút cán bộ, đảng viên và quần chúng phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết; thiết thực phòng, chống và ngăn chặn, triệt tiêu các biểu hiện quan liêu, xa dân trong cán bộ, đảng viên.

Hai là, thường xuyên đẩy mạnh tự tự phê bình và phê bình gắn với đề cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên

Thực hiện nghiêm túc chế độ phê bình từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên; cấp trên phải làm gương tự phê bình trước, cấp dưới làm sau; tập thể làm trước, cá nhân làm sau. Chủ động tạo các kênh thông tin để nhân dân phản ánh, đánh giá cán bộ, giúp cho cán bộ gần dân, nghe dân, hiểu dân, thể hiện tinh thần, trách nhiệm, trình độ và năng lực của mình trong sinh hoạt và công tác. Gắn chế độ tự phê bình và phê bình trong cơ quan, đơn vị với công tác phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân. Các cấp ủy đảng cần giữ vững các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình. Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi; kết hợp “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ, những khâu yếu, mặt yếu. Quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình phải bảo đảm thật sự dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng.

Xây dựng và thực hiện tốt các quy định, để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên. Việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ... Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn chuẩn mực từ lời nói đến việc làm, cử chỉ, thái độ, hành vi ứng xử, góp phần xây dựng hình ảnh, uy tín. Tăng cường tuyên truyền những tấm gương “người tốt việc tốt”, những “công bộc” hết lòng đối với dân, vì nhân dân phục vụ. Kịp thời ngăn ngừa, đấu tranh khắc phục các hiện tượng quan liêu, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, hay thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Ba là, phát huy tính tự giác, tích cực, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và trong rèn luyện đạo đức cách mạng; phòng, chống bệnh quan liêu

Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung; có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”[7]. Mỗi cán bộ, đảng viên nỗ lực học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ với tinh thần cầu tiến bộ, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm; tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phê bình và tự phê bình. Xây dựng kế hoạch, tiến hành có hiệu quả công tác giáo dục, nâng cao năng lực và tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, thông qua thực tiễn để đánh giá năng lực công tác và trách nhiệm của cán bộ. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo với rèn luyện trong thực tiễn; không ngừng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, tạo uy tín cao trong tập thể.

Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội. “Xây dựng và thực hiện phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, chịu khó học hỏi, nói đi đôi với làm”[8]. Chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường rèn luyện phương pháp, phong cách làm việc quần chúng, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến góp ý của tập thể, cấp dưới và của nhân dân. Tích cực hoạt động thực tiễn, chủ động nghiên cứu thực tế, rèn luyện khả năng đánh giá, định hướng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động thực tiễn. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng, để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng

“Thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng”[9]. Đổi mới phương pháp, quy trình, kỹ năng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, thận trọng, chặt chẽ, khả thi, trong đó tập trung vào các cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng chủ động xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận.

Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tổ chức có hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. “Phê phán, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân”[10]. Quá trình kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi cán bộ, đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống theo Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Tăng cường cơ chế chất vấn, giải trình trong công tác cán bộ. Cương quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách, vi phạm những điều cấm đảng viên không được làm./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 45, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.18

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.177

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ Tư Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.21

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.75

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ Tư Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr.22

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, tr.2

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.187

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.199

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.181

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.192

Thiếu tá, ThS. Nguyễn Quang Bình

Phó Chủ nhiệm bộ môn Nguyên lý Chủ nghĩa xã hội khoa học, Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư