5 ưu tiên đổi mới ngành y hậu Covid-19, nhìn từ kinh nghiệm của nước Anh

10:32 | 05/09/2022 Print
Để định hình và phát triển ngành y sau thời gian dài dịch Covid-19 tồn tại, rất nhiều giải pháp được nước Anh quan tâm triển khai, như: chú trọng tới lực lượng lao động, thay đổi về bất bình đẳng và sức khỏe dân số, cải cách lĩnh vực chăm sóc xã hội, tăng tốc ứng dụng kỹ thuật số…

1. Chú ý đến lực lượng lao động trong ngành y

Qua đợt dịch Covid-19 cho thấy, nhân viên y tế ở tất cả các tuyến đã thể hiện tốt bản lĩnh, vai trò, nhiệm vụ của mình, tận tâm, tận lực để hoàn thành nhiệm vụ. Không nên đánh giá thấp tác động của đại dịch đối với đời sống của nhân viên y tế cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Covid-19 làm gia tăng căng thẳng, kiệt sức đối với nhân viên ngành y. Ngoài tác động ban đầu, những người làm việc trong ngành y có nguy cơ phát triển các loại bệnh lý liên quan đến sức khỏe tâm thần dài kỳ, chẳng hạn như: rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), trầm cảm, lo âu và mệt mỏi. Gần đây còn xuất hiện tình trạng phân biệt đối xử, quấy rối và lạm dụng, thậm chí còn đe dọa đến tính mạng nhân viên và bác sĩ trực tiếp chữa bệnh.

Cuộc khủng hoảng lực lượng lao động là vấn đề lớn, mà hệ thống chăm sóc và y tế toàn cầu phải đối mặt sau khi Covid-19 tạm lắng. Tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế, chăm sóc xã hội đang lộ dần. Ví dụ tại Anh, theo Dịch vụ y tế Quốc gia (NHS) ngành y hiện thiếu khoảng 120.000 vị trí tuyển dụng. NHS đang có kế hoạch tuyển dụng bổ sung trên 5.000 y tá quốc tế. Ngoài ra, NHS đang chú trọng thực hiện chương trình Kế hoạch con người của NHS (NHS People Plan), để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực cho ngành y, kể cả tuyển dụng lẫn đón nhận sự đóng góp của các tổ chức và tình nguyện viên trong nước và ngoài nước.

5 ưu tiên đổi mới ngành y hậu Covid-19, nhìn từ kinh nghiệm của nước Anh
Nhân tố lao động trong ngành y là ưu tiên số một, vì con người quyết định mọi thứ (Nguồn: Healthcurrents)

Ngoài ra, NHS còn thực hiện hỗ trợ tốt hơn phúc lợi cho nhân viên để giữ chân người lao động, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, bền vững hậu thời kỳ Covid-19. Nhân viên cần được cung cấp thời gian, không gian và nguồn lực để phục hồi, ví dụ như thông qua việc cung cấp thời gian nghỉ sau những giai đoạn căng thẳng, hỗ trợ tâm lý và môi trường làm việc. Đây không chỉ được coi là một phản ứng ngắn hạn đối với những áp lực khi làm việc trong bối cảnh chống chọi với Covid-19, mà là một cam kết bền vững để đáp ứng nhu cầu của nhân viên, giải quyết những nguyên nhân lâu dài do kinh nghiệm của nhân viên kém và giải quyết khối lượng công việc quá mức kéo dài. Lãnh đạo các cấp về y tế và chăm sóc phải ưu tiên phát triển văn hóa nhân văn, hòa nhập và hợp tác, để cải thiện chăm sóc bệnh nhân và tạo ra nơi làm việc chất lượng cao cho nhân viên.

2. Cải cách bất bình đẳng về sức khỏe dân số

Covid-19 đã làm bộc lộ rõ những bất bình đẳng sâu sắc về sức khỏe tồn tại trên khắp nước Anh. Trước đại dịch, sự cải thiện về tuổi thọ gần như bị chững lại, còn bất bình đẳng về sức khỏe vốn đã không thể chấp nhận được giữa những người giàu nhất và nghèo nhất lại càng gia tăng. Nam giới sống ở những vùng ít thiếu thốn nhất khi sinh ra có thể sống lâu hơn 9,4 năm so với những người sinh ra ở những vùng thiếu thốn nhất. Còn ở phụ nữ, sự khác biệt này là 7,4 năm.

Các hậu quả về kinh tế và xã hội của các biện pháp ngăn chặn vi rút có nguy cơ làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng nói trên. Đã đến lúc phải thiết lập lại chính sách công, để cải thiện sức khỏe cho người dân và giải quyết các vấn đề bất bình đẳng sâu sắc. Điều này có thể giải quyết thông qua các động lực về kinh tế, xã hội, sức khỏe, như: nhà ở, giáo dục, việc làm và tiếp cận thực phẩm lành mạnh với giá cả hợp lý. Đây sẽ là một bài kiểm tra thực sự về mức độ nghiêm túc của chính phủ đối với chương trình nghị sự “nâng cấp” của mình. Cần có những hành động nhất quán và bền vững trong việc ngăn ngừa và quản lý bất bình đẳng trong ngành y tế ở tất cả các cấp, bao gồm thông qua quan hệ đối tác địa phương bao gồm: NHS, chính quyền địa phương, các tổ chức tình nguyện và chính cộng đồng.

Cụ thể, bước đầu tiên là chính phủ cần nhanh chóng tiến hành xây dựng chiến lược liên chính phủ về bất bình đẳng sức khỏe. Điều này bao gồm các mục tiêu ràng buộc, đầy tham vọng, nhằm cải thiện sức khỏe của quốc gia và giảm bất bình đẳng kèm theo trách nhiệm giải trình rõ ràng để đạt được các mục tiêu nói trên. Chính phủ nên mạnh dạn hơn trong việc sử dụng tất cả các đòn bẩy khả dụng, để cải thiện sức khỏe cộng đồng, bao gồm cả thuế và quy định, thực hiện tốt những lời hứa trong Kế hoạch dài hạn của NHS (NHS Long Term Plan). Điều đó có nghĩa là đầu tư nhiều hơn vào phòng ngừa, giảm bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc…

3. Tiếp tục cải cách, hoàn thiện lĩnh vực y tế và chăm sóc xã hội

Quy mô số ca tử vong tại các cơ sở chăm sóc bệnh nhân Covid-19 là một thảm kịch quốc gia mà Anh đã chứng kiến. Từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 6/2020, hơn 19.000 cư dân tại nhà chăm sóc đã chết vì virus trên khắp nước Anh và xứ Wales (40% tổng số ca tử vong do Covid-19) và số ca tử vong thực tế còn cao hơn. Hơn 16.000 cư dân tại nhà chăm sóc đã chết vì virus từ tháng 11/2020 đến đầu tháng 2/2021 (26% tổng số ca tử vong do Covid-19 được báo cáo trong giai đoạn này). Điều này bộc lộ những yếu kém dài hạn do nhiều năm thiếu đầu tư và thiếu hụt lực lượng lao động. Mặc dù có bằng chứng quốc tế cho thấy, các cơ sở chăm sóc xã hội có nguy cơ cao bị nhiễm trùng cao nhưng lại ít được quan tâm.

Về giải pháp, chính phủ đã khẩn trương giải quyết áp lực kinh phí ngắn hạn, vốn cho đại dịch, để ngăn chặn sự suy giảm hơn nữa về khả năng tiếp cận, kinh nghiệm và kết quả cho những người cần hỗ trợ chăm sóc xã hội. Điều này giúp ổn định thị trường cung cấp dịch vụ mong manh, bao gồm hỗ trợ tăng số tiền chính quyền địa phương có thể chi trả cho dịch vụ chăm sóc. Chính phủ đưa ra các đề xuất về đầu tư dài hạn và cải cách như một ưu tiên trước mắt để tạo ra một hệ thống đơn giản hơn, công bằng hơn, tăng kinh phí, cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo ra dịch vụ y tế công bằng cho mọi đối tượng.

Cải cách sâu rộng được củng cố bằng việc trả lương, điều kiện và đào tạo tốt hơn cho lực lượng chăm sóc xã hội, để hạn chế tình trạng nhảy việc, giúp ngành y có thể hoạt động độc lập. Ngoài ra, cũng cần khai thác tối đa tài trợ trung ương, địa phương và các nguồn xã hội khác.

5 ưu tiên đổi mới ngành y hậu Covid-19, nhìn từ kinh nghiệm của nước Anh
Cần sớm giải quyết áp lực kinh phí, vốn để giúp ngành y phục hồi nhanh do ảnh hưởng của đại dịch (Nguồn: Financialexpress)

4. Tăng tốc kỹ thuật số và ứng dụng khoa học công nghệ mới cho ngành y

Covid-19 xuất hiện và nhu cầu chăm sóc từ xa đã chứng minh sự hữu dụng của các dịch vụ y tế kỹ thuật số. Trong vòng vài tuần sau khi dịch bùng phát, hơn 3/4 ca phẫu thuật đã được bác sĩ đa khoa tiến hành qua video và gần một nửa số cuộc tư vấn vào tháng 5/2020 được thực hiện qua điện thoại. Được hỗ trợ bởi một nền tảng quốc gia, các cuộc hẹn khám ngoại trú tại bệnh viện từ xa cũng tăng mạnh. NHS chưa bao giờ chứng kiến ​​sự chuyển đổi kênh nhanh chóng và rộng rãi như vậy. Bên cạnh đó, một số vùng ở Anh đã đẩy nhanh việc triển khai công nghệ kỹ thuật số, chẳng hạn như thiết bị máy tính bảng, để cho phép người dùng các dịch vụ chăm sóc xã hội tiếp cận hỗ trợ và tư vấn từ xa.

Quy mô thay đổi này có được là nhờ sự kích hoạt bởi nhân viên y tế, tính cầu thị, ưa học hỏi, đổi mới của các nhân viên ngành y, cũng như tài trợ từ các cơ quan quốc gia, các công ty cung ứng kỹ thuật số. Nói cách khác, công nghệ như một yếu tố thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ chăm sóc, không phải là tự thân. Bên cạnh những thành tựu, NHS cũng nhận thấy còn nhiều yếu kém như: ra quyết định quá tập trung, không đủ đầu tư và cơ sở hạ tầng, thiếu nhân viên, các yêu cầu quản lý thông tin hạn chế và khả năng tương tác kém, khiến chất lượng chăm sóc, chữa bệnh chưa được như kỳ vọng.

Trong tương lai, nhiệm vụ đối với các cơ quan quốc gia và lãnh đạo địa phương là rút ra bài học từ kinh nghiệm này, để thực hiện các điều chỉnh lâu dài về chính sách và thực hành nhằm tạo ra một môi trường “đổi mới toàn diên”, tạo ra ngành y tế kỹ thuật số đủ mạnh để cải thiện chăm sóc bệnh nhân. Điều quan trọng là di sản kỹ thuật số thời kỳ hậu Covid-19 cần phải kiên trì và bền bỉ, nó phải được xây dựng dựa trên sự đồng thuận của công chúng; hỗ trợ nhân viên y tế và chăm sóc cho vai trò của họ; có một khuôn khổ pháp lý về các biện pháp bảo vệ tương xứng.

Để làm được điều này, NHS nhận thấy sự đổi mới là rất quan trọng, bao gồm các thay đổi đối với tài trợ, mua sắm, quản trị thông tin, hỗ trợ nhân viên và đồng nghiệp - tác động của những thay đổi dẫn đến đối với bệnh nhân và nhân viên, đặc biệt là trong thực hành nói chung và chăm sóc ngoại trú. Cơ sở hạ tầng và công cụ kỹ thuật số cần được xây dựng với sự minh bạch và sự tham gia của mọi người trong cộng đồng, cũng như nhân viên y tế. Áp dụng quy trình đồng phát triển và tham gia có chủ ý, tăng cường an ninh mạng để bảo vệ quyền riêng tư, quyền lợi cho mọi người, nhất là bệnh nhân.

Một trong những chủ đề kỹ thuật số được NHS ứng dụng liên quan đến dịch vụ dược phẩm, đó là nghiên cứu phát triển các loại thuốc đặc trị, hiện chiếm 40% doanh thu của ngành dược. Tiếp tục đổi mới trong phát triển thuốc có thể mở rộng nhóm lợi nhuận từ chuyên khoa tăng nhanh, dự kiến CAGR (tăng trưởng kép) sẽ tăng 8% vào năm 2025 so với năm 2021. Trong các nhóm giá trị cao có liên quan đến dịch truyền, Covid-19 đã tăng tốc dịch chuyển địa điểm chăm sóc, cho phép phát triển dịch vụ truyền dịch tại nhà, giảm bệnh nhân ở bệnh viện. Các hiệu thuốc hỗ trợ công nghệ mới đã xuất hiện, có mô hình trực tiếp đến người tiêu dùng với quản lý đơn thuốc kỹ thuật số, quy trình làm việc tự động và dịch vụ giao hàng tận nhà nhanh hơn.

5. Định hình lại mối quan hệ giữa cộng đồng và các dịch vụ công

Covid-19 xuất hiện đã mang lại sự đoàn kết và hoạt động tích cực trong cộng đồng, bao gồm hàng trăm nghìn người dành thời gian và sự hỗ trợ của họ thông qua các nhóm hỗ trợ lẫn nhau tại địa phương. NHS nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của y tế cơ sở địa phương. Khả năng y tế cơ sở là chìa khóa cho quá trình phục hồi và sự tham gia có ý nghĩa của cộng đồng là một phần thiết yếu của các nỗ lực phục hồi thành công. Covid-19 xuất hiện đã thực sự định hình lại mối quan hệ giữa các dịch vụ công và tư, thúc đẩy văn hóa dịch vụ công tìm cách xây dựng dựa trên sức mạnh, cũng như tài sản của cộng đồng và của tư nhân để cải thiện dịch vụ. Thuật ngữ "phục hồi cộng đồng" - hay đúng hơn là "phục hồi do cộng đồng cùng hành động" giúp ngành y chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, bền vững hậu Covid-19.

Để làm được điều này, NHS ưu tiên phát triển sức mạnh của cộng đồng và y tế cơ sở, hỗ trợ mọi người cải thiện sức khỏe của chính họ và gia đình họ. Đối với hệ thống y tế địa phương, việc “nhúng” cách làm này đã làm thay đổi văn hóa lâu dài và giúp y tế địa phương huy động được “nhân tài vật lực” tại chỗ, như của gia đình, của các tổ chức tình nguyện và của cộng đồng. Theo NHS, các tổ chức quốc gia không thể bắt buộc áp dụng những thay đổi này, nhưng chúng có thể giúp loại bỏ các rào cản để ngành y phát triển hơn. Các cơ quan chính phủ và các cơ quan quốc gia NHS cần phát huy vai trò của mình, để hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc định hình các dịch vụ chăm sóc và y tế địa phương, thay đổi từ trên xuống là cách tiếp cận hiệu quả, đồng thời giảm phiền hà cho nhân dân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Y tế địa phương phát triển còn là cầu nối giữa công và tư, giúp nhà nước hiểu được những gì đang diễn ra tại địa phương để nắm bắt và điều chỉnh cho phù hợp./.

Khắc Nam

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư