Công nhân cố tình mang lửa vào trong lò sẽ bị đuổi việc

14:35 | 12/09/2022 Print
Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) Lê Minh Chuẩn cho biết, công nhân cố tình mang lửa vào trong lò sẽ bị đuổi việc.

“Tập đoàn TKV hoạt động trên 4 lĩnh vực đều liên quan đến an toàn, phòng chống cháy nổ…”, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) Lê Minh Chuẩn cho biết, tại Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy diễn ra sáng nay (ngày 12/9).

Từ nhận thức như trên, ông Chuẩn cho hay, trong những năm qua, Tập đoàn luôn chỉ đạo các đơn vị về vấn đề bảo đảm phòng, chống cháy nổ và an toàn lao động, đặc biệt là về khai thác trong hầm lò đặc thù. Tập đoàn đầu tư rất nhiều cho công nghệ, khoa học để giảm thiểu tai nạn lao động. Trong quá trình hoạt động của ngành, qua những sự cố cháy, nổ hầm lò đã dẫn đến thiệt mạng nhiều công nhân. Đây là những bài học ngành đã đúc kết được.

Công nhân cố tình mang lửa vào trong lò sẽ bị đuổi việc

Theo Chủ tịch TKV Lê Minh Chuẩn, hiện ngành than có khoảng gần 50.000 lao động làm việc dưới hầm lò ngày 3 ca và với hàng nghìn cây số hầm lò, nên vấn đề an toàn luôn đặt lên hàng đầu (Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ, theo Chủ tịch TKV, một trong những vấn đề quan trọng là thực hiện đúng quy định của pháp luật và quy định của ngành, chỉ đạo của Chính phủ, trong đó tập trung vào các giải pháp như sau.

Thứ nhất, đối với công trình trên mặt hầm lò, ngành đã chuẩn bị những vật liệu không cháy, không để các vật liệu cháy gần cửa lò, cấm lửa trong khu vực hầm lò; không để xảy ra quá tải các thiết bị hoạt động; không phát sinh tia lửa, nhiệt; không để hàm lượng khí cháy nổ tích tụ.

Thứ hai, tất cả mỏ hầm lò được trang bị hệ thống quan trắc khí, cảnh báo tự động và ngắt các thiết bị điện khi nồng độ khí tới hạn.

Thứ ba, triển khai đặt ống lấy mẫu nhằm phát hiện khí CO trong vùng phá hỏa; định kỳ chủ động bơm khí nitơ vào vùng đã khai thác, để phòng ngừa cháy nội sinh theo đúng các biện pháp mà Tập đoàn đã chỉ đạo.

Chủ tịch TKV Lê Minh Chuẩn cho biết, Tập đoàn có lực lượng cấp cứu bán chuyên trách, khoảng 1.000 cán bộ thuộc tất cả các đơn vị, khắc phục sự cố từ khi mới phát sinh. Tổ chức hoạt động lực lượng cấp cứu chuyên trách, đóng trên địa bàn Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí… Lực lượng này thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ, thường trực 24/24h.

Thứ tư, tuyệt đối cấm ngọn lửa trần trong hầm lò, công nhân cố tình mang lửa vào trong lò sẽ bị đuổi việc. Các thiết bị trong lò được kiểm định nghiêm ngặt về an toàn cháy nổ.

Thứ năm, để đề phòng than oxy hóa, ủ nhiệt thì các đường lò của vỉa than có tính tự cháy đã được phun trám để cách ly than với không khí; tất cả các đường lò hiện nay đều chống lò bằng vật liệu không cháy… Hiện ngành than có khoảng gần 50.000 lao động làm việc dưới hầm lò ngày 3 ca và với hàng nghìn cây số hầm lò, nên vấn đề an toàn luôn đặt lên hàng đầu.

Thứ sáu, trang bị hệ thống đường ống nước chữa cháy độc lập theo quy định; đầu tư các thiết bị dập cháy.

Thứ bảy, kiện toàn lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, chuyên ngành; lực lượng cấp cứu mỏ bán chuyên được huấn luyện định kỳ và thực hiện diễn tập 2 tháng một lần. Lực lượng cấp cứu mỏ chuyên nghiệp thường trực sẵn sàng, đủ sức dập tắt tất cả các sự cố cháy nổ.

Thứ tám, công tác tuyên truyền về phòng ngừa cháy mỏ được các công ty triển khai vào đầu các ca sản xuất góp phần nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ đối với cán bộ công nhân, từ đó hạn chế nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra. Công nhân khi vào hầm lò đều được trang bị thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp. Các cán bộ dưới hầm lò phải sử dụng được bình cứu sinh và bình tự cứu.

“Hiện chúng tôi có 2 xe chữa cháy, 10 xe chuyên dụng, 1 xe cứu hộ đa năng, 6 tổ hợp sinh khí ni tơ có thể di chuyển đến các mỏ. Riêng công nhân làm hầm lò có 100% trang bị bình dưỡng khí…”, ông Chuẩn cho hay./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư