Kết nối doanh nghiệp ASEAN hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

17:04 | 13/09/2022 Print
Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế không carbon, nền kinh tế xanh, phát triển nền kinh tế bền vững phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21. Đây là thông điệp được truyền tải tại Diễn đàn Nhịp cầu ASEAN++ với chủ đề “Kết nối để phát triển bền vững” hướng đến nền kinh tế xanh vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Kết nối và hợp tác để hướng tới nền kinh tế xanh

Phát biểu tại diễn đàn, bà Cao Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân TP. Hồ Chí Minh (HAWEE) cho biết, mục tiêu của Diễn đàn nhằm khuyến khích đầu tư giữa các nước trong khối ASEAN++, tạo nên cơ hội kết nối phát triển bền vững giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời giới thiệu nét đẹp văn hóa của các quốc gia trong khối ASEAN, cũng như các nước ở khu vực châu Á.

Kết nối doanh nghiệp ASEAN hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Diễn đàn Nhịp cầu ASEAN++ với chủ đề “Kết nối để phát triển bền vững” hướng đến nền kinh tế xanh

Bà Dung cho rằng, sau đại dịch Covid-19 là thời cơ mà các doanh nghiệp tận dụng để tái cấu trúc, kết nối nội tại, tự nối liền các đứt gãy trong chính chuỗi giá trị của doanh nghiệp, nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và đáp ứng phần nào nguồn cung trong và ngoài nước.

“Đây chính là thời điểm cần đẩy mạnh cho sự 'kết nối và hợp tác', để cùng nhau phát triển bền vững hướng đến một nền kinh tế xanh. Hoạt động phát triển bền vững đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ trong cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, để đạt được các chỉ tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần có sự xuyên suốt về phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng. Do vậy, việc kết nối cộng đồng doanh nhân, nâng cao nhận thức, kiến thức để cùng nhau phát triển bền vững là điều cần thiết”, bà Dung nhấn mạnh.

Thông điệp của Diễn đàn lần này không đơn thuần chỉ hướng đến sự kết nối bền vững, mà được nâng tầm để song hành cùng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Đây cũng là cơ hội để toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và trái đất. Bên cạnh đó, việc triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế tuần hoàn là trách nhiệm trong thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết và cũng là động lực để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Một vấn đề lớn được nhiều ý kiến đặt ra tại Diễn đàn, đó là biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng , mà trước hết là do tác động trực tiếp của con người từ nạn phá rừng, rác thải nhựa. Do đó, điều quan trọng hiện nay là phải thay đổi tư duy theo hướng thuận thiên, tôn trọng sinh thái. Điều này dẫn đến mục tiêu cụ thể là hướng đến các giá trị về trách nhiệm lợi nhuận, trách nhiệm pháp luật, bên cạnh đó không thể thiếu trách nhiệm đạo đức, thiện nguyện và chuyển giao.

"Chúng ta phải hành động thật nhanh hơn nữa bởi còn phải đi qua giai đoạn 'quá độ sinh thái', thì mới có được 'phát triển bền vững'. Vì vậy, việc giáo dục chuyển hóa con người phải là trọng tâm nhằm chuyển đổi xã hội. Diễn đàn hôm nay không chỉ dừng lại ở nội dung nghị sự, mà phải biến thành chương trình hành động của mỗi doanh nghiệp, thành chương trình hoạt động của các sở, ngành và điều hành của UBND TP. Hồ Chí Minh. Tôi mong những ý kiến đóng góp hôm nay sẽ được các cơ quan tham mưu, đề xuất cho BND TP. Hồ Chí Minh trong quá trình chỉ đạo phát triển kinh tế sẽ ứng dụng và thúc đẩy cho kinh tế Thành phố tiếp tục phát triển trong thời gian tới…” bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Bà Thắng khẳng định, đối với Việt Nam, ASEAN giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế. ASEAN++ là đối tác quan trọng của TP. Hồ Chí Minh trong hoạt động ngoại thương, chiếm 26% kim ngạch xuất khẩu và 44% kim ngạch nhập khẩu của Thành phố. Việc tăng cường hợp tác, thúc đẩy hoạt động giao lưu kinh tế giữa các doanh nghiệp trong khu vực có ý nghĩa thiết thực, góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược hội nhập quốc tế của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Doanh nghiệp đi tiên phong trong tư duy và hành động phát triển bền vững

Chia sẻ kinh nghiệm tại Diễn đàn, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho rằng, phát triển bền vững không chỉ là điều nên làm, mà là cần thiết phải làm nếu có đủ khả năng.

“Đây cũng là điều chúng ta bắt buộc phải làm nếu muốn thành công. Và chúng ta hãy bắt đầu càng sớm càng tốt”, ông Binu Jacob nói.

Kết nối doanh nghiệp ASEAN hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam chia sẻ về chiến lược và kinh nghiệm phát triển bền vững của doanh nghiệp tại Diễn đàn

Cũng theo ông Binu, để phát triển bền vững trước hết lãnh đạo doanh nghiệp phải có niềm tin và phải cam kết hành động, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp phải tạo nên giá trị, đem lại sự tốt đẹp cho xã hội.

"Dù người tiêu dùng Việt Nam đã hiểu về phát triển bền vững, nhưng vấn đề là cộng đồng đang nghĩ đó là trách nhiệm của các doanh nghiệp, chứ không phải của chính bản thân người tiêu dùng. Vì thế, doanh nghiệp cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để cộng đồng cùng chung tay thực hiện phát triển bền vững...", ông Binu Jacob khuyến nghị.

Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, người tiêu dùng hiện đại đang có xu hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp có cam kết phát triển bền vững. Bà cho rằng, “phát triển bền vững” đang là từ khóa quan trọng cho tất cả các doanh nghiệp với mong muốn phát triển vững mạnh và lâu dài.

Trong phiên tọa đàm, ông Binu Jacob đã khẳng định cam kết của Nestlé là luôn nỗ lực thực hiện các hành động tạo ra tác động tích cực đối với 3 lĩnh vực gồm: cá nhân, gia đình, cộng đồng và hành tinh. Đặc biệt, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp tái sinh như một cách tiếp cận nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường và phục hồi hệ sinh thái.

Với quan điểm con người không thể sống mà không có hành tinh, ông Binu Jacob đã chia sẻ câu chuyện về chương trình NESCAFÉ Plan. Thông qua chương trình này, Nestlé Việt Nam đã đồng hành cùng nông dân trồng cà phê Việt Nam chuyển đổi mô hình canh tác bền vững, tăng chất lượng cho hạt cà phê Việt và tăng thu nhập cho người nông dân. Điều này không chỉ mang lại tác động tích cực đối với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, mà còn nâng cao nhận thức và tạo cơ hội việc làm cho nông dân, đặc biệt là nâng cao vai trò của người phụ nữ trong hoạt động kinh tế nông thôn.../.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư