e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Kinh tế - Xã hội

Rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô của nước ta là rất lớn!

20:08 | 18/09/2022 Print
Nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng với độ mở kinh tế lớn, trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn khiêm tốn, nên rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta là rất lớn.

Năm 2023 có rất nhiều khó khăn, thách thức, cả quốc tế và trong nước

Chiều ngày 18/9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 tiến hành họp Phiên toàn thể với chủ đề: “Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.

Tại phiên này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, cùng với các vấn đề mới xuất hiện trong năm 2022 như: xung đột Nga – Ucraina; suy giảm tăng trưởng và lạm phát cao tại Mỹ; EU và nhiều nước phát triển đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng; việc điều chỉnh đảo ngược nhanh, mạnh các chính sách tiền tệ, tài khóa của nhiều nền kinh tế lớn; thiên tai, lũ lụt, hạn hán và nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, lương thực… đã khiến tình hình thế giới nhìn chung diễn biến theo chiều hướng phức tạp, kém lạc quan hơn.

"Những yếu tố này đã chuyển nhiều vấn đề ngắn hạn trở thành vấn đề trong trung và dài hạn tại nhiều nền kinh tế lớn. Điều này tạo rất nhiều khó khăn, thách thức trong chỉ đạo, điều hành, tham mưu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các năm tiếp theo; tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức về tăng trưởng, ổn định vĩ mô, các lĩnh vực xã hội, đời sống người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp", Thứ trưởng nói.

Rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô của nước ta là rất lớn!

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Hồ Long

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức nêu trên, càng phải nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023); chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời tập trung vừa xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, vừa thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn, để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 5 năm đề ra; bảo đảm hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện các giải pháp để vừa phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng, vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Đồng thời cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, đối tượng yếu thế để ổn định và nâng cao đời sống; tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Năm 2023 là năm sơ kết, đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch 5 năm về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công, tài chính công… Các kết quả đạt được của năm 2023 là cơ sở quan trọng để nước ta tiếp tục phấn đấu thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm đã đề ra.

“Nhưng năm 2023 cũng là năm có rất nhiều khó khăn, thách thức, cả quốc tế và trong nước”, Thứ trưởng cảnh báo. Trong đó, thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều các yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng. Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo chậm lại, nguy cơ suy thoái gia tăng. Lạm phát tiếp tục cao, có khả năng kéo dài trong trung hạn tại một số quốc gia. Xu hướng phân mảng, khu vực hóa, cạnh tranh kinh tế ngày càng gia tăng.

Việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn trong trung và dài hạn có thể trở thành vòng lặp “thắt chặt – suy thoái”, “nới lỏng – tăng trưởng”, “lạm phát cao – thắt chặt”, khi những vấn đề về xung đột Nga – Ucraina, nguồn cung năng lượng, chuỗi cung ứng, cạnh tranh chiến lược… không thể giải quyết trong ngắn hạn; tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán… có chiều hướng diễn biến phức tạp, trái quy luật, khó dự báo hơn.

Trong bối cảnh đó, làn sóng dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, cũng là cơ hội để Việt Nam và các nước đang phát triển khác tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Về tình hình trong nước, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng với độ mở kinh tế lớn, trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn khiêm tốn, rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta là rất lớn.

Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước…

Thứ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, xây dựng Kế hoạch năm 2023, dự kiến xác định 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở bám sát các mục tiêu phát triển trong cả giai đoạn 2021-2025, dự báo khả năng đạt được trong năm 2022, phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ và phát triển lao động - việc làm, phát triển các lĩnh vực xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống người dân.

"Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2022 và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023", Thứ trưởng cho biết.

Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh tích lũy, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Tại Diễn đàn, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Andrea Coppola thông tin rằng, qua thống kê, khảo sát, các số liệu cho thấy, trong khi các nước trên thế giới đang quan ngại về tình hình lạm phát, Việt Nam vẫn đang thực hiện linh hoạt các chính sách kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam ở mức thấp so với thế giới. GDP tăng trưởng ở mức khả quan. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế tương đối hợp lý, tỷ lệ đóng góp của khối ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế khá lớn và không ngừng tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô của nước ta là rất lớn!
Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Andrea Coppola

Trong quý II/2022, khối ngành công nghiệp và dịch vụ có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó, ngành kinh doanh nhà hàng, khách sạn có bước tăng trưởng nhảy vọt. Điều này cho thấy, nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19 và những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng đang có được đà hồi phục ấn tượng.

Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ, chính sách tiền tệ linh hoạt và hệ thống ngân hàng được tăng cường. Để đạt được mục tiêu đó, ông Andrea Coppola cho rằng, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh tích lũy, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Hiện tại, chính sách quản trị nguồn lực của Việt Nam đang xoay quanh nguồn vốn sản xuất và vốn con người. Trong đó, việc phát triển doanh nghiệp theo hướng năng động, xây dựng hạ tầng bảo đảm hiệu suất hướng đến tích lũy và phát huy vốn sản xuất; việc tích cực nâng cao kỹ năng của người lao động, mở rộng cơ hội việc làm cho mọi người hướng đến làm giàu thêm vốn con người.

Để đạt được bước đột phá, hướng đến phát triển bền vững, ông Andrea Coppola khuyến nghị, cần nhận thức rõ và chú trọng vào vốn thiên nhiên, hướng đến tăng trưởng xanh, đồng thời, cần kịp thời nhập cuộc, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để nhanh chóng tăng năng suất.

Phát biểu trực tuyến tại phiên toàn thể, GS. Andreas Hauskrecht - Đại học Indiana, Hoa Kỳ nêu rõ, việc đánh giá lạm phát do cung hay cầu cần nhìn vào các chỉ số quan trọng, trong đó, lạm phát không liên quan đến chính sách tiền tệ.

Nhìn vào chỉ số dự báo thị trường, chỉ số thị trường tương lai, cũng như các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, GS.Andreas Hauskrecht cho biết, khi FED thay đổi chính sách tiền tệ, khả năng cao FED sẽ tạo suy thoái ở Hoa Kỳ. Điều này cũng tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là tỷ giá VND/ USD.

"Dự báo VND sẽ tăng mạnh so với đồng Euro và các đồng tiền khác, khi đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh toán, ảnh hưởng nhất đến giá trị xuất nhập khẩu", vị chuyên gia này lưu ý.

Cũng theo GS.Andreas Hauskrecht, việc thoái đầu tư, thoái vốn ở nhóm trái phiếu mới nổi từ những tháng đầu năm 2022 là vấn đề cần tính đến./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư