Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về “cái khó” khi sửa Luật Đất đai

09:54 | 23/09/2022 Print
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, dự án Luật Đất đai sửa đổi đã quy định trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, nhưng rất khó để đưa ra tiêu chí toàn diện về vấn đề này…

22/112 luật có nội dung chồng chéo với Luật Đất đai

“22 trong tổng số 112 luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai hiện hành. Tuy nhiên, trong báo cáo chưa rà soát về tính tương thích, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Hiến pháp năm 2013…”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nêu vấn đề tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), khi cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về “cái khó” khi sửa Luật Đất đai
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị dự

Trước thực trạng trên, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ Hiến pháp năm 2013 vào dự thảo Luật. Đồng thời tập trung rà soát các nút thắt mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất để tạo không gian mới, động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, giảm tối đa thủ tục hành chính về đất đai…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về “cái khó” khi sửa Luật Đất đai

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý về đấu giá đất sạch, bởi khoản 3 Điều 66 dự thảo Luật quy định theo Luật Đấu giá tài sản, tuy nhiên Luật Đấu giá tài sản chưa quy định cụ thể. Do đó, cần quy định rõ ở trong luật này để bảo đảm việc đấu giá tường minh hơn. Không nên quy định bắt buộc mà quy định theo hướng khuyến khích việc giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Tại Chương II dự thảo Luật quy định về quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân với đất đai có tất cả 18 Điều, nhưng lại dành 16 Điều quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, chỉ có 2 Điều quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân. Do đó, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị ban soạn thảo cần xem xét để có sự tương xứng giữa 2 chủ thể nhà nước và công dân. Thống nhất nhận thức đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu, tuy nhiên cần bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức sử dụng đất được nhà nước giao với tư cách là người sử dụng tài sản công. Đây là tài sản đặc biệt có khả năng sinh lời rất cao nếu chuyển mục đích sử dụng sang thương mại, dịch vụ. Thực tế vừa qua có nhiều nơi, nhiều chỗ sai phạm về vấn đề này.

“Cần nghiên cứu mở rộng quy định về phạm vi lấy ý kiến của nhân dân, bảo đảm nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình nghiêm túc, minh bạch, công khai, khắc phục thực tế việc lấy ý kiến nhân dân mang tính hình thức…”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh ủng hộ quan điểm cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất khi thực hiện thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại. Nên cho phép chủ đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; hạn chế thực hiện việc thu hồi đất để tránh khiếu kiện về đất đai.

“Khi thu hồi đất thì bồi thường cho người có quyền sử dụng đất bị thu hồi phải đảm bảo đời sống tốt hơn, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã nêu rất rõ, nhưng trong dự thảo Luật chỉ nhắc lại chứ không cụ thể hơn… Nếu các chế định trong luật này mà làm không kỹ, không thận trọng, không cân nhắc kỹ lưỡng sẽ tác động trực tiếp đến các mối quan hệ pháp lý khác…”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cảnh báo.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình gì?

Phát biểu giải trình một số vấn đề tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đã nêu, hoàn thiện dự án Luật chặt chẽ và toàn diện hơn nữa, đảm bảo chất lượng cao.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về “cái khó” khi sửa Luật Đất đai
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu để nghiên cứu, làm rõ nội hàm việc thu hồi đất đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc (ảnh: QH)

Liên quan đến các trường hợp nhà nước thu hồi đất, ông Hà cho biết, dự án Luật đã quy định trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, rất khó để đưa điều kiện, tiêu chí toàn diện về vấn đề này. Tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu để nghiên cứu, làm rõ nội hàm việc thu hồi đất đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc.

Về hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm, theo ông Hà, việc bổ sung quy định này nhằm góp phần khuyến khích thực hiện hình thức cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, đồng thời, thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW về “đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất”. Tuy nhiên, “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm” là một khái niệm mới, nên cơ quan soan thảo sẽ tiếp tục làm rõ và đánh giá tác động của quy định này, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và các doanh nghiệp.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật./.

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư