Đẩy mạnh thực hành CSI hướng tới phát triển bền vững doanh nghiệp Việt Nam

11:25 | 24/09/2022 Print
Bộ chỉ số CSI đã và đang chứng minh những tác động tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững (PTBV), hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) nhấn mạnh, việc áp dụng Bộ chỉ số CSI sẽ góp phần thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về PTBV, giúp hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp Việt Nam.

Đẩy mạnh thực hành CSI hướng tới phát triển bền vững doanh nghiệp Việt Nam
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD). Ảnh: Anh Quyền

Xu thế phát triển bền vững và vai trò của doanh nghiệp

Phác họa bối cảnh chung về xu thế phát triển bền vững toàn cầu hiện nay, ông Nguyễn Quang Vinh mô tả thế giới đang chứng kiến sự thay đổi về các quy định pháp lý trên phạm vi toàn cầu nhằm hiện thực hóa mục tiêu PTBV.

Trong bối cảnh chung này, Chương trình nghị sự 2030 về PTBV bao gồm 17 mục tiêu PTBV (SDGs) với 169 chỉ tiêu nhằm chấm dứt đói nghèo, chống bất bình đẳng và bất công, chống biến đổi khí hậu cho tới năm 2030 đã được thông qua ngày 25/9/2015. Chương trình nghị sự nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp trong việc thực hiện thành công SDGs, bên cạnh vai trò của Chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc lần thứ 21 và 26 (COP 21 và COP 26) về giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu đến cuối thế kỷ 21 và đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân, ở đây là các doanh nghiệp, trong việc thực hiện thành công các cam kết này. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp được xem là một trong những yếu tố chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và đầu tư vào đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu PTBV và báo cáo tới các nhà hoạch định chiến lược về cách thức hoạt động của mình đóng góp vào Chương trình nghị sự về PTBV toàn cầu.

Chủ tịch VBCSD cho rằng, để thực hiện tốt điều này đòi hỏi sự thay đổi nhận thức toàn diện về PTBV từ phía doanh nghiệp. PTBV là bộ khung chính để doanh nghiệp xây dựng bộ máy hoạt động của mình, tối ưu quy trình sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng… để từ đó, không chỉ tạo ra các tác động tích cực đối với môi trường, góp phần phát triển cộng đồng, mà còn tạo ra những giá trị bền vững cho chính doanh nghiệp đó. Xét về mặt lâu dài, việc đầu tư cho PTBV sẽ là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Trong lộ trình hướng đến mục tiêu PTBV của mỗi quốc gia phải kể đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp, lực lượng góp phần đáng kể tạo ra của cải, vật chất cho xã hội; nhưng cũng chính là tác nhân “để lại” những “dấu chân” ảnh hưởng đến môi trường, đến xã hội. Một chiến lược PTBV toàn diện sẽ giúp doanh nghiệp sớm nhận diện rủi ro trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình để có kế hoạch điều chỉnh kịp thời, nâng cao hiệu suất hoạt động, xây dựng niềm tin đối với khách hàng và với tất cả các bên liên quan, qua đó nâng tầm giá trị doanh nghiệp.

PTBV doanh nghiệp, khái niệm thực tiễn “nên” áp dụng

Cũng theo Chủ tịch VBCSD, phát triển bền vững doanh nghiệp là việc thực hiện sản xuất kinh doanh tuân thủ pháp luật hiện hành, đảm bảo trách nhiệm giải trình với các đối tác, các bên liên quan và có kế hoạch thường niên tham gia các sáng kiến chung về bảo vệ môi trường và tiến bộ xã hội.

Trong đó, các bên liên quan là những người hoặc tổ chức ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, hoặc bị ảnh hưởng bởi hoạt động của doanh nghiệp. Các bên liên quan bên trong doanh nghiệp bao gồm các chủ sở hữu, quản lý doanh nghiệp, người lao động; bên ngoài doanh nghiệp bao gồm: khách hàng, nhà cung cấp, tổ chức tín dụng, cộng đồng, chính phủ, cổ đông…

Viêt Nam là một trong 6 thị trường trẻ trên thế giới. Đặc điểm tại các thị trường này là hệ thống pháp luật được cập nhật thường xuyên theo các cam kết quốc tế. Đây cũng là một điểm thuận lợi của việc áp dụng bộ chỉ số CSI cho các hoạt động PTBV của doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI

Chia sẻ về quá trình xây dựng và tầm quan trọng của Bộ chỉ số CSI, Chủ tịch VBCSD cho biết đây là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm báo cáo, trách nhiệm giải trình với các đối tác và các bên liên quan về hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, bộ chỉ số CSI 2020 lượng hóa mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp. CSI cũng giúp quản lý rủi ro, tăng cường nhận thức về cơ hội kinh doanh mới; đồng thời hỗ trợ các nhà lập pháp trong quá trình xây dựng/sửa đổi khuôn khổ pháp lý.

Năm 2020, Chính phủ đã có chủ trương giao VCCI chủ trì xây dựng chương trình nhân rộng áp dụng Bộ chỉ số CSI trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, từ năm 2014, Bộ chỉ số CSI đã được Hội đồng doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD –VCCI) chủ trì xây dựng cùng các chuyên gia của các bộ, các ngành và các chuyên gia độc lập về kinh tế, quản trị, xã hội và môi trường trên cơ sở pháp luật Việt Nam.

Đáng chú ý, bắt đầu từ năm 2016, VCCI và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sử dụng trong đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp bền vững thường niên từ năm 2016. Năm 2018, CSI có bước tiến mới khi VBCSD phối hợp cùng Deloitte, GRI thực hiện chuẩn hóa bộ chỉ số trên nguyên tắc dễ tiếp cận, dễ dàng áp dụng, phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Với những bước tiến này, doanh nghiệp giờ đây có thể sử dụng bộ chỉ số trong công bố thông tin, cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững.

Hiện Bộ chỉ số CSI được coi là một sáng kiến độc đáo hỗ trợ xây dựng và thực hiện chiến lược PTBV đối với doanh nghiệp với nguyên tắc đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng được quán triệt từ lúc bắt đầu xây dựng cho tới các kỳ cập nhật, điều chỉnh hàng năm sau này. Tính đến nay, Bộ chỉ số CSI đã được rút gọn còn 130 chỉ số cùng với tài liệu hướng dẫn rõ ràng, khoa học, nhưng vẫn đảm bảo nội dung PTBV doanh nghiệp. Nội dung Bộ chỉ số CSI hướng dẫn doanh nghiệp rà soát và từng bước thực hiện PTBV theo một chu trình khép kín từ tầm nhìn, chiến lược về PTBV; tổ chức, nhân sự; thực hiện trong sản xuất, kinh doanh; đến theo dõi, đánh giá và tiếp thu, cải tiến quy trình, hệ thống, với 70% chỉ số cơ bản thuộc vấn đề tuân thủ và 30% chỉ số nâng cao là các sáng kiến, các hoạt động vượt trên tuân thủ trong quá trình hướng tới PTBV doanh nghiệp.

Điều này cho thấy, việc thực hiện đầy đủ các chỉ số cơ bản về tuân thủ mang lại hiệu quả về bảo vệ giá trị của doanh nghiệp về hướng dẫn tuân thủ pháp luật; quản lý rủi ro trong vận hành và quản lý rủi ro về danh tiếng. Bên cạnh đó, cùng với việc đáp ứng được 90% các chỉ số nâng cao sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, xây dựng và triển khai hệ thống công bố thông tin PTBV. Ở mức độ cao hơn, việc thực hiện tất cả các chỉ số cơ bản và nâng cao tạo ra lợi thế chiến lược cho doanh nghiệp đột phá về sản phẩm, tăng thị phần và tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Với cách tiếp cận khoa học, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, trình độ phát triển của doanh nghiệp Việt Nam và thông lệ PTBV thế giới, hiện nay Bộ chỉ số đã được VBCSD-VCCI sử dụng rộng rãi để hỗ trợ doanh nghiệp PTBV thông qua các Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam. Đây là chương trình thường niên do VCCI cùng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì thực hiện. Ngoài ra, Bộ chỉ số CSI cũng chính là công cụ để đánh giá, chấm điểm lựa chọn và biểu dương 100 doanh nghiệp bền vững cho các doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, các tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mạng lưới báo chí viết về PTBV doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp lập báo cáo PTBV thông qua Bộ chỉ số CSI.

Căn cứ trên nội dung của Bộ chỉ số CSI, VBCSD-VCCI đã xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản cho tổ chức Oxfam Việt Nam năm 2016; Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững cho các doanh nghiệp da giày – túi xách cho tổ chức IDH (Hà Lan) và Hiệp hội Da giày – túi xách Việt Nam năm 2018 và tiến tới tích hợp trong việc đánh giá PTBV của khu công nghiệp trong chương trình Thúc đẩy các khu công nghiệp theo hướng bền vững tại Việt Nam của tổ chức IDH (Hà Lan) vào cuối năm 2022.

Năm 2019, VBCSD-VCCI đã nghiên cứu đánh giá quá trình PTBV của doanh nghiệp tham dự áp dụng Bộ chỉ số CSI. Kết quả cho thấy, sự tiến bộ của chính nhóm doanh nghiệp trong quá trình PTBV của doanh nghiệp trước và sau khi áp dụng Bộ chỉ số CSI và sự vượt trội của nhóm doanh nghiệp này so với các doanh nghiệp chưa áp dụng Bộ chỉ số CSI ở những khía cạnh chính của PTBV, như: quản trị doanh nghiệp, minh bạch thông tin, lao động, an sinh xã hội, dân chủ tại nơi làm việc, đóng góp vào phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường… Khi đại dịch Covid-19 xảy ra năm 2020 tại Việt Nam, VBCSD-VCCI đã tiến hành khảo sát nhanh doanh nghiệp và kết quả cho thấy, những doanh nghiệp áp dụng triệt để Bộ chỉ số CSI có sức chống chịu cao hơn rất nhiều so với nhóm doanh nghiệp không áp dụng.

Sự cần thiết áp dụng CSI đối với doanh nghiệp

Từ những lợi ích trên, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh, việc áp dụng Bộ chỉ số CSI sẽ góp phần mang lại nhiều lợi ích lớn cho doanh nghiệp thông qua đáp ứng các chỉ số cơ bản và theo các mức độ chỉ số nâng cao, từ đó giúp nâng cao hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp, góp phần tăng cường sự tin tưởng của khách hàng và nhà đầu tư. Từ đó được ghi nhận của các cơ quan chính phủ về thương hiệu doanh nghiệp bền vững và được người tiêu dùng, khách hàng, nhà đầu tư tin tưởng, đánh giá cao.

Bộ chỉ số CSI là công cụ hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp lập báo cáo bền vững (BCBV). Cần thể chế hóa hoạt động lập BCBV để công bố và quản lý thông tin doanh nghiệp. BCBV đem lại lợi ích cho nhiều bên bao gồm cả doanh nghiệp, nhà quản lý, các nhà đầu tư và công chúng.

Xây dựng cơ chế để tích hợp/lồng ghép các yêu cầu/báo cáo của các bộ ngành khác nhau vào BCBV để giảm chi phí và nguồn lực cho doanh nghiệp. Bộ chỉ số CSI tích hợp các chỉ số mang tính bao trùm, liên quan đến các lĩnh vực về bảo vệ quyền lợi của người lao động, cải thiện môi trường lao động, bảo vệ môi trường, và nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. BCBV của doanh nghiệp khi đó có nhiều thông tin liên quan tới các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau, do đó, sẽ là nguồn thông tin tốt, sẵn có phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Khi hoạt động lập BCBV trở thành yêu cầu bắt buộc, thì song hành với nó là hệ thống/chương trình giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp. Điều này yêu cầu phía Chính phủ có chương trình dài hạn về việc xây dựng cơ sở dữ liệu về BCBV của Việt Nam; thống nhất, chuẩn hóa báo cáo để việc xây dựng, cập nhật báo cáo không trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ dễ tiếp cận, sử dụng dữ liệu.

Các doanh nghiệp cần tự nhận thức vai trò quan trọng của quá trình PTBV và BCBV. Việc công bố BCBV đang trở thành thông lệ quốc tế nhằm giúp các doanh nghiệp củng cố tăng cường mối hợp tác với các bên liên quan, với nhà đầu tư và cộng đồng, đồng thời giúp các doanh nghiệp tăng cường quản lý rủi ro kinh doanh, nâng cao khả năng thích nghi trong môi trường thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh hiệu quả hơn trong môi trường kinh tế hội nhập quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động trong việc phân bổ nguồn lực và sắp xếp nhân sự dành cho hoạt động lập BCBV.

"Các doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến việc lập BCBV. Hiện nay, VCCI là cơ quan đầu mối được giao chủ trì và thực hiện hướng dẫn về Bộ chỉ số CSI, các doanh nghiệp có thể liên lạc với VCCI và các chi nhánh của VCCI ở địa phương để tìm kiếm sự trợ giúp về kỹ thuật khi cần thiết", Chủ tịch VBCSD khuyến nghị./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư