Nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội, “xây” là căn bản, “chống” là quyết liệt…

18:07 | 27/09/2022 Print
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống”, thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để…

“Cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cách thức tổ chức và hoạt động của các đoàn công tác, tổ khảo sát bảo đảm gọn nhẹ, khoa học và hiệu quả, tránh gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị là đối tượng chịu sự giám sát...”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đề xuất, tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, diễn ra hôm nay (ngày 27/9). Đây là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát, theo Văn phòng Quốc hội.

Nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội, “xây” là căn bản, “chống” là quyết liệt…
Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (ảnh: QH)

Bà Thủy cho rằng, kết luận, kiến nghị giám sát phải tập trung vào các nội dung trọng tâm, sâu sắc, có tính thuyết phục và thực tiễn; chỉ rõ mặt được, chưa được và nguyên nhân, trách nhiệm đối với với các vấn đề tồn tại, hạn chế; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để khắc phục các bất cập, hạn chế gắn với trách nhiệm thực hiện và tiến độ hoàn thành cụ thể, để có cơ sở kiểm tra, giám sát. Cần quan tâm hơn nữa đến công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát...

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh, để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát, cũng như phát huy được vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong các hoạt động giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đề nghị Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội xem xét có kế hoạch giám sát trung hạn (2-3 năm) hoặc định hướng sớm hơn về các chuyên đề dự kiến giám sát hằng năm (tối thiểu trước 1 năm). Các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu thêm một trong hướng tiếp cận khi lựa chọn chủ đề giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trên cơ sở khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán đã thực hiện.

Để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là yêu cầu tại văn kiện Đại hội lần thứ XIII về “đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”; xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, UBTVQH; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát; tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...

Nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội, “xây” là căn bản, “chống” là quyết liệt…
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn (ảnh: QH)

“Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH là vấn đề đã và đang được Quốc hội, UBTVQH thực hiện và thể hiện thông qua những thay đổi trong tư duy, cách làm nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…”, ông Vương Đình Huệ cho biết.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống”, thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách; phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước. Quốc hội luôn tự đổi mới chính bản thân mình, do vậy, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động Quốc hội” như kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư