Vì sao cấp phép cho hãng hàng không IPP Air Cargo phải rà soát quốc tịch của cổ đông?

22:46 | 01/10/2022 Print
Về việc cấp phép bay với hãng hàng không chở hàng của ông Jonathan Hạnh Nguyễn phải rà soát quốc tịch của cổ đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, đây là vấn đề rất bình thường.

Tại phiên họp báo Chính phủ ngày 01/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương lý giải vì sao phải rà soát quốc tịch của cổ đông khi cấp phép bay với hãng hàng không chở hàng của ông Jonathan Hạnh Nguyễn.

Thứ nhất, Thứ trưởng cho biết, việc xác định quốc tịch cổ đông để biết được tư cách của doanh nghiệp đó thuộc loại hình nào.

"Theo quy định hiện hành của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn, thì trong một công ty có nhiều cổ đông mà có 2 cổ đông quốc tịch nước ngoài thì cách ứng xử khác, vì khi đó doanh nghiệp là doanh nghiệp nước ngoài. Giữa doanh nghiệp 100% vốn trong nước và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài là áp dụng chính sách khác nhau", Thứ trưởng lý giải.

Thứ hai, hiện theo quy định của Luật Quốc tịch 2014, một số trường hợp người Việt Nam mang 2 quốc tịch, và trong quy định về hướng dẫn Luật Đầu tư, thì cũng có các tình huống ứng xử với nhà đầu tư mang 2 quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam để có các quy định trình tự thủ tục cụ thể đối với các trường hợp cụ thể.

"Do vậy, vấn đề đặt ra là xác định cổ đông đó, nhất là cổ đông sáng lập, cổ đông thành lập để có cách ứng xử phù hợp", Thứ trưởng khẳng định.

Vì sao cấp phép cho hãng hàng không IPP Air Cargo phải rà soát quốc tịch của cổ đông?
Máy bay mang thương hiệu IPP Air Cargo đã xuất xưởng chiếc đầu tiên vào tháng 7. Ảnh: IPP
Theo kế hoạch, mạng đường bay nội địa IPP Air Cargo sẽ bắt đầu từ các trung tâm sản xuất như: Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh... với trung tâm trung chuyển hàng hóa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để kết nối quốc tế tới các khu vực: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, châu Âu.

Cũng tại cuộc họp báo, về tiến độ cấp phép bay với hãng hàng không chở hàng của ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến, Bộ Giao thông Vận tải đã giao cho Cục Hàng không Việt Nam rà soát hồ sơ và đến ngày 26/9, hồ sơ đã được chính thức trình lên Thủ tướng.

"Sau khi có chủ trương đầu tư thì chúng tôi sẽ thực hiện quy trình cấp phép vận chuyển hàng không", ông Thọ cho biết.

Việt Nam có 6 hãng hàng không, nhưng chưa có hãng bay nào chuyên vận tải hàng hóa. Hai năm nay, quá trình xin cấp phép bay của IPP Air Cargo gặp nhiều trắc trở, bị từ chối vì thị trường hàng không thời điểm đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.

Công ty IPP Air Cargo có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. 4 cổ đông của IPP Air Cargo gồm: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Nguyễn Hạnh), Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện là ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam. Bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu là công dân Việt Nam nên IPP Air Cargo là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư