Đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng lên hàng đầu

15:53 | 04/10/2022 Print
Về định hướng điều hành thị trường tiền tệ sắp tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống lên hàng đầu…

Nhiều thách thức

“Bối cảnh hiện nay vô cùng khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường và chưa có tiền lệ, khi sau 2 năm bị tác động bởi dịch Covid-19, các chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới thực hiện nhiều gói hỗ trợ tài khóa và nới lỏng tiền tệ. Nhưng khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các nước lại phải đối mặt với nguy cơ lạm phát. Xu hướng lạm phát gia tăng đang diễn ra trên toàn cầu, nhất là các nền kinh tế lớn như: Mỹ, Anh, các nước khu vực đồng tiền chung Euro… đang đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ…”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, tại Hội nghị về công tác tín dụng, truyền thông, do NHNN vừa tổ chức.

Đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng lên hàng đầu
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN chịu nhiều áp lực (ảnh: sbv)

Cũng theo bà Hồng, để ứng phó với lạm phát, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang tăng nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành. Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã điều chỉnh liên tiếp lãi suất với tốc độ cao. Gần đây, Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm và là lần tăng thứ 3 liên tiếp. Đáng chú ý, Fed tuyên bố kỳ vọng đến năm 2023 có thể lãi suất duy trì ở mức 4,6% đến hết năm 2023 trước khi lạm phát được kiểm soát. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng phải liên tiếp tăng lãi suất sau 11 năm...

Trong khi đó, Việt Nam với độ mở cửa kinh tế rất lớn, nhu cầu vốn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng nhiều…, nên công tác điều hành vĩ mô, trong đó có điều hành chính sách tiền tệ của NHNN chịu nhiều áp lực… Những biến động của kinh tế thế giới và trong nước tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân, nên ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Theo Thống đốc, vấn đề đang được quan tâm hiện nay là tăng trưởng tín dụng. Từ đầu năm nay, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 14%, có điều chỉnh theo thực tế. Năm nay hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%, nhưng hiện chỉ số lạm phát cơ bản tăng mạnh. Từ đầu năm, lạm phát được đánh giá chủ yếu có nguyên nhân do cầu kéo, chi phí đẩy, nhưng hiện tại kỳ vọng lạm phát đang ở mức rất cao. Do vậy, tất cả các công cụ chính sách của NHNN phải đảm bảo sự nhất quán…

Giữ chân dòng vốn ngoại

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết thời gian tới, NHNN sẽ thành lập đoàn kiểm tra, giám sát để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính sách tại một số tỉnh, thành phố với sự tham gia của NHNN, lãnh đạo địa phương, thành viên đoàn đại biểu Quốc hội…

Về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, 59/63 tỉnh, thành phát sinh các khoản vay có hỗ trợ lãi suất. Tại các ngân hàng thương mại, 16/44 ngân hàng phát sinh dư nợ có hỗ trợ lãi suất. NHNN đã có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại báo cáo kết quả triển khai vào cuối tháng 9/2022 và rà soát khách hàng để triển khai gói hỗ trợ lãi suất, khả năng hỗ trợ dự kiến… Đến hết tháng 8/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất khoảng 10.700 tỷ đồng với gần 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất 9.820 tỷ đồng.

“Để đạt được mục tiêu chung là góp phần ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Công tác điều hành tín dụng của NHNN nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh và đặc biệt là giữ chân dòng vốn đầu tư nước ngoài…”, Thống đốc cho hay.

Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, bà Hồng yêu cầu các vụ, cục thuộc NHNN phải phối hợp chỉ đạo các chi nhánh để chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát số dư tín dụng. Toàn ngành Ngân hàng cần tiếp trục đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và thực hiện báo cáo đầy đủ, kịp thời các nguyên nhân từ thực tiễn khách quan.

“NHNN luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống lên hàng đầu, vì nếu như lạm phát không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ người dân, nhất là những người còn khó khăn nên phải kiên định mục tiêu…”, bà Hồng nói.

Thống đốc đề nghị NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị để giải thích rõ với doanh nghiệp. Nếu không ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, doanh nghiệp sẽ là những người gặp khó khăn khi thị trường biến động. Giải thích rõ với doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn hoặc có trường hợp cho vay sẽ khiến ngân hàng chạm ngưỡng tỷ lệ an toàn, không nên “đổ" hết cho room tín dụng…/.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư