Hơn 80% doanh nghiệp chưa nắm rõ chính sách về các nội dung liên quan đến giảm phát thải

11:57 | 11/10/2022 Print
Để doanh nghiệp nắm bắt các nội dung liên quan đến giảm phát thải, nguồn tự tìm hiểu chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đó là nguồn từ phía cơ quan nhà nước.

Thông tin trên được bà Đỗ Thị Thu Hương - đại diện Văn phòng Ban IV, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội thảo “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào sáng nay, ngày 11/10.

Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ 55 năm ngày Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát hành số đầu tiên (tháng 10/1967).

Hơn 80% doanh nghiệp chưa nắm rõ chính sách về các nội dung liên quan đến giảm phát thải
Bà Đỗ Thị Thu Hương - đại diện Văn phòng Ban IV, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội thảo

Những quy định khắt khe của Cơ chế điều chỉnh hạn ngạch cacbon (CBAM) đối với doanh nghiệp xuất khẩu

Bà Hương cho biết, nhiều nước đã cam kết phát thải ròng bằng 0. Theo đó, có 12 nước đã ban hành luật như: Thụy Điển, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc…; 31 nước đã có chính sách như: Phần Lan, Singapore, Ý, Hoa Kỳ, Áo…; 15 nước đã có tuyên bố/cam kết như: Việt Nam, Ấn Độ, Nga, Malaysia, Thái Lan…

Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia phát thải lớn nhất tại ASEAN, nhưng đã rất quyết liệt trong việc phê duyệt Chiến lược phát thải ròng bằng 0 (giảm 43,5% đến năm 2030), một trong những nước châu Á đặt tham vọng lớn nhất. Tuy nhiên, nhiều thách thức đang đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại EU, CBAM sẽ thí điểm vào năm 2023 và chính thức áp dụng vào năm 2026. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu phải được khai báo bởi đại lý được ủy quyền tại châu Âu và bị áp thuế theo tổng lượng phát thải CO2 thay vì lượng phát thải vượt quá hạn ngạch, các mặt hàng bị áp dụng là sắt thép, xi măng phân bón, nhôm, năng lượng điện.

Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, CBAM nếu được thông qua thì thời gian áp dụng của Đạo luật cạnh tranh Sạch sẽ là vào năm 2024, không có thời gian thí điểm. Khi đó, dựa vào số liệu phát thải toàn nền kinh tế có hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ nói chung hoặc số liệu phát thải một ngành cụ thể để tính thuế vượt hạn ngạch. Sự ngoại lệ của việc tính thuế này được áp dụng cho các hàng hóa sơ cấp được nhập khẩu vào Hoa Kỳ và được sản xuất tại một số quốc gia tương đối kém phát triển.

Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở, đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Hiện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 sang Hoa Kỳ là 96,29 tỷ USD; sang EU là 45,8 tỷ USD. Vì vậy, điều này đặt ra những quan ngại trong việc doanh nghiệp phải đáp ứng những tiêu chuẩn trên, nếu muốn xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm là Hoa Kỳ và EU.

53% doanh nghiệp không biết về CBAM

Bà Hương cho biết, mới đây, Ban IV, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và Vnexpress đã thực hiện một cuộc khảo sát với 400 doanh nghiệp về mức độ nhận thức của doanh nghiệp về các chính sách/cơ chế liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon, thì có 41% doanh nghiệp tham gia khảo sát không biết đến một trong những chính sách được hỏi liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính.

Trong khi đó, chưa đến 20% doanh nghiệp nắm rõ chính sách về các nội dung liên quan đến giảm phát thải, nghĩa là có hơn 80% doanh nghiệp chưa nắm rõ các chính sách này.

Để doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt các nội dung liên quan đến giảm phát thải, nguồn tự tìm hiểu chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đó là nguồn từ phía cơ quan nhà nước.

Đối với mức độ nhận thức của doanh nghiệp về CBAM, chỉ có 11% doanh nghiệp nắm rõ nội dung; 53% doanh nghiệp không biết...

“Nhiều doanh nghiệp muốn tìm hiểu về CBAM, nhưng không biết tìm từ nguồn nào và rất nhiều vấn đề liên quan đến kỹ thuật”, bà Hương nhấn mạnh.

Cần đẩy mạnh truyền thông tới các doanh nghiệp

Theo bà Hương, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông tới các doanh nghiệp trong thời gian tới về các thông tin, chính sách liên quan đến giảm phát thải, cũng như các cam kết của Chính phủ tại COP26.

Bà khuyến nghị, đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực cho doanh nghiệp, đẩy nhanh hoàn thiện khung pháp lý về thị trường carbon.

Đối với doanh nghiệp, cần tìm hiểu những thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước và các nguồn tin chính thống khác; chủ động tìm hiểu về các hệ giải pháp đã áp dụng trên thế giới; phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng…/.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư