e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Đấu giá “biển số đẹp”, khó nhất là xác định giá khởi điểm

09:42 | 13/10/2022 Print
Về đấu giá “biển số đẹp”, theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, giá khởi điểm là vấn đề khó khăn nhất, vướng mắc, nên nhiều năm qua không thực hiện được.

Tránh dư luận cho rằng có trục lợi trong cấp "biển số đẹp"

“Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá sẽ được thực hiện thí điểm trong 3 năm…”, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, tại Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), khi cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết này, theo Văn phòng Quốc hội.

Đấu giá “biển số đẹp”, khó nhất là xác định giá khởi điểm
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, việc cấp quyền lựa chọn sử dụng "biển số đẹp" bằng hình thức đấu giá vừa đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách (ảnh: QH)

Cũng theo ông Long, nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu sở hữu những biển số theo sở thích, thường gọi là "biển số đẹp" và việc cấp quyền lựa chọn sử dụng "biển số đẹp" bằng hình thức đấu giá vừa đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, quá trình triển khai đấu giá đã gặp vướng mắc, có những quy định mang tính đặc thù so với các quy định của pháp luật hiện hành.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng trong kho biển số chưa được đăng ký, mà không thí điểm với biển số ô tô nền vàng chữ đen, biển số mô tô, xe gắn máy, vì mở rộng thì số lượng quá lớn dẫn đến thiếu tập trung, ảnh hưởng đến việc thí điểm.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, việc cấp quyền sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là đáp ứng nhu cầu của người dân và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tránh dư luận cho rằng có sự thiếu minh bạch, trục lợi trong cấp biển số xe, nhất là "biển số đẹp".

Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa vùng 1 và vùng 2 không có ý nghĩa, khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa vùng 1 và vùng 2. Trên cơ sở đề xuất giá khởi điểm của Chính phủ (40 triệu đồng, 20 triệu đồng), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.

Mức giá khởi điểm quá cao chưa chắc thu hút được người dân tham gia

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, cần quy định quyền của người trúng đấu giá được mở rộng hơn, như liên quan đến thừa kế, cho tặng được gắn vào xe mới (khi xe cũ hỏng). Nếu được vậy thì người tham gia đấu giá sẵn sàng trả mức giá cao.

“Cần làm rõ cách thức lựa chọn một tổ chức đấu giá. Theo đó, trong dự thảo Nghị quyết cần quy định điều kiện, tiêu chí nào, công khai, minh bạch ra sao, để qua đó kiểm soát, hạn chế rủi ro dẫn đến tiêu cực khi đấu giá biển số ô tô...”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề xuất.

Đấu giá “biển số đẹp”, khó nhất là xác định giá khởi điểm
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, mức giá khởi điểm quá cao chưa chắc đã thu hút được người dân tham gia (ảnh: QH)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo Nghị quyết chỉ nên thể hiện các nguyên tắc lớn, còn lại giao Chính phủ quy định và thực hiện. Về giá khởi điểm, đề nghị nghiên cứu có thể quy định một mức chung. Mức giá khởi điểm quá cao chưa chắc đã thu hút được người dân tham gia. Về trình tự thủ tục, cần rà soát để tạo thuận lợi nhất cho người dân, bảo đảm cao nhất quyền lợi cho họ, từ đó tạo hấp dẫn người dân tham gia đấu giá.

Giải trình các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, giá khởi điểm là vấn đề khó khăn nhất, vướng mắc dẫn đến nhiều năm qua không thực hiện đấu giá được. Vì đối với biển số ô tô, hiện không có cơ quan xác định giá khởi điểm và cũng không có đơn vị thẩm định. Mức giá khởi điểm ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 40 triệu đồng, gấp đôi mức lệ phí đăng ký hiện nay; các địa phương khác là 20 triệu đồng. Mức giá này tương đương 5% giá trung bình của một phương tiện.

Kết luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, UBTVQH nhất trí ban hành Nghị quyết và đề nghị Chính phủ rà soát bảo đảm tính thống nhất với Luật Giao thông Đường bộ. Về giá khởi điểm, tiền đặt trước và bước giá, đa số thành viên UBTVQH nhất trí với báo cáo thẩm tra sơ bộ là áp dụng một mức giá thống nhất, còn cao hay thấp thì do Chính phủ trình nhưng không nên cao quá để cho nhiều người tham gia, có độ hấp dẫn và để việc đấu giá thuận lợi.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu để Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức chủ trì, phối hợp với các cơ quan thẩm tra; giao Tổng thư ký Quốc hội chuẩn bị kết luận của UBTVQH gửi cho các cơ quan tổ chức thực hiện...”, ông Phương lưu ý./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư