Nhân rộng các thực hành tốt để thúc đẩy phát triển cộng đồng bền vững

16:51 | 24/10/2022 Print
Tổ chức Bánh mì cho thế giới (BfdW) và các đối tác tuần qua vừa tổ chức hội thảo để giới thiệu các thực hành tốt trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và sinh thái nông nghiệp ở Việt Nam nhân kỷ niệm 25 chặng đường hợp tác và hoạt động tại Việt Nam. Sự kiện này có sự tham dự của 100 đại diện đến từ các đối tác chiến lược, các cộng đồng thụ hưởng dự án của BfdW, các cơ quan chính phủ, các đại sứ quán, quỹ và giới truyền thông.

Hội thảo là một phần trong hoạt động kỷ niệm chặng đường 25 năm BfdW hỗ trợ Việt Nam. Sự kiện này nhằm tạo ra các cơ hội để chia sẻ và học hỏi các thực hành tốt về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và nông nghiệp sinh thái thông qua nhiều kênh khác nhau như: triển lãm, networking và thảo luận bàn tròn.

Nhân rộng các thực hành tốt để thúc đẩy phát triển cộng đồng bền vững
Bà Eva-Maria Jongen, Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức Bánh mì cho Thế giới khu vực Việt Nam – Lào phát biểu tại Hội thảo

“Hội thảo chia sẻ và học hỏi này là điểm xuất phát của chúng ta để phổ biến các thực hành tốt trong lĩnh vực khí hậu tới công chúng, cũng như gia tăng sức mạnh tổng hợp để tăng cường năng lực cho các nhóm dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu ở Việt Nam”, bà Eva-Maria Jongen, Trưởng văn phòng đại diện Tổ chức Bánh mì cho Thế giới khu vực Việt Nam – Lào cho biết.

Biến đổi khí hậu ngày càng được công nhận là một mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững toàn cầu. Báo cáo 1,5o của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu chỉ ra rằng, nếu phát thải toàn cầu không giảm đi một nửa vào năm 2030, thì sự ấm lên toàn cầu sẽ đạt 1,5o vào những năm 2030 và sẽ không còn cơ hội để trở về mốc 1,5o.

Tại Việt Nam, số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mực nước biển dâng gây mất 5% đất dọc các bờ biển và giảm 10% GDP. Tác động của biến đổi khí hậu - trong đó có hạn hán và suy giảm tài nguyên nước, xói lở đất và mất chất dinh dưỡng trong đất, sa mạc hóa, gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai, và suy giảm sản xuất lương thực, thực phẩm - đã gạt đi bao thành tựu đạt được, làm chậm sự phát triển trong nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của đời sống con người.

Nhân rộng các thực hành tốt để thúc đẩy phát triển cộng đồng bền vững
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại Hội thảo

Năng lượng vừa là bài toán, vừa là lời giải trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Sản xuất và tiêu thụ năng lượng, hiện là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất ở Việt Nam, cũng như trên thế giới. Mặt khác, sự phát triển đột phá của năng lượng gió và mặt trời đã trở thành giải pháp then chốt để cứu loài người khỏi thảm họa khí hậu.

Giải pháp xanh và sinh kế bền vững cho cộng đồng

Phát biểu tại sự kiện, bà Eva-Maria Jongen, cho biết, trong 25 năm qua, BfdW đã đồng hành cùng nhiều tổ chức đối tác ở Việt Nam để thực hiện 450 dự án và chương trình, trực tiếp hỗ trợ cho khoảng 5 triệu người đang gặp khó khăn. Quan hệ đối tác đa phương nhấn mạnh các giải pháp xanh đối với biến đổi khí hậu, bao gồm các mô hình nông nghiệp thân thiện với môi trường, sinh kế thích ứng với khí hậu, các sáng kiến về năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo, tăng cường hấp thụ các-bon và thúc đẩy khôi phục hệ sinh thái, nâng cao khả năng chống chịu với khí hậu cho các cộng đồng còn gặp khó khăn.

Nhân rộng các thực hành tốt để thúc đẩy phát triển cộng đồng bền vững
Giới thiệu và chia sẻ các mô hình thành công tại Hội thảo

“Người dân địa phương, đặc biệt là người nghèo dân tộc thiểu số, được tăng cường năng lực thông qua các hoạt động đối tác này, đã xác định được các cách tốt nhất để giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với bối cảnh của mình. Các biện pháp do nông dân đề xuất và thực hiện như: loại bỏ hoàn toàn thuốc diệt cỏ, giảm hóa chất, ủ phân compost và sử dụng chế phẩm sinh học kiểm soát sâu bệnh, đã giúp phục hồi các hệ sinh thái, đồng thời cải thiện sinh kế ở địa phương. Các đối tác của BfdW đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện sinh kế, cũng như bảo tồn và phát triển kiến thức bản địa”, bà Eva-Maria Jongen cho biết.

Bên cạnh đó, BfdW và các đối tác đã đẩy mạnh các giải pháp về tiếp cận năng lượng sạch trong các cộng đồng, gia tăng các cơ hội phát triển công bằng, đồng thời bảo đảm sức khỏe và phát triển bền vững cho người dân địa phương. Các trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sự kiện này sẽ nhấn mạnh việc sử dụng các phương pháp tiếp cận nông nghiệp sinh thái. Theo đó, giới thiệu các lộ trình tiềm năng về phát triển nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp sinh thái tích hợp các nguyên tắc sinh thái và các vấn đề kinh tế - xã hội vào trong các hệ thống sản xuất nông nghiệp.

Nhân rộng các thực hành tốt để thúc đẩy phát triển cộng đồng bền vững
Mô hình ao ương trong nuôi trồng tuần hoàn

Các cánh đồng mẫu ở vùng Tây Bắc cho thấy, nông nghiệp sinh thái có thể ngăn cản sự suy thoái của các hệ sinh thái, khôi phục đa dạng sinh học, và cải thiện các sinh kế cho người dân địa phương, đặc biệt là nhóm người dân tộc thiểu số, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, thông qua các biện pháp sinh học, các lộ trình nông nghiệp sinh thái có thể làm giảm việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp.

Chia sẻ về định hướng hỗ trợ trong thời gian tới của BfdW cho các dự án phát triển bền vững tại Việt Nam, bà Eva-Maria Jongen nhấn mạnh, định hướng hỗ trợ phát triển của chúng tôi phụ thuộc vào nhu cầu cộng đồng, bởi hầu hết các dự án của chúng tôi bao giờ cũng tham khảo ý kiến cộng đồng, hướng đến phục vụ cộng đồng khó khăn, hỗ trợ lợi ích chung cộng đồng. Mỗi thiết kế dự án đều tham khảo cộng đồng địa phương gồm cán bộ địa phương và người dân, để đảm bảo đúng nhu cầu bức thiết hỗ trợ cộng đồng. Trong các chương trình ưu tiên hỗ trợ cho Việt Nam trong chiến lược của BfdW, cùng với tập trung vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ giảm tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy nông nghiệp sinh thái và năng lượng tái tạo.

Nhân rộng các thực hành tốt để thúc đẩy phát triển cộng đồng bền vững
Hỗ trợ trồng cây đước mắm cho các hộ tham gia hoạt động trồng cây, nuôi tôm dưới tán rừng

“Việt Nam có cam kết rất ấn tượng tại COP26, đó là sẽ giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính phủ có nhiều chính sách và điều luật để xã hội và cộng đồng giảm phát thải, giảm tác động của biến đổi khí hậu, song biến đổi khí hậu vẫn diễn ra hàng ngày với tác động lớn, nên rất cần có sự chung tay đóng góp của tất cả các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, thì mới đạt được kết quả tích cực và đạt mục tiêu mong muốn để giảm thiểu các tác động này”, bà Eva-Maria Jongen khuyến nghị.

Tăng cường hợp tác hiệu quả, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng

Là một trong những đối tác hợp tác hiệu quả với BfdW, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) cùng Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) đã và đang triển khai nhiều dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng, trong đó các chương trình và dự án do BfdW tài trợ, AAV-AFV đang thực hiện tập trung vào 2 lĩnh vực chính là chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng cộng đồng với sinh kế bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một số kết quả đạt được trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính gồm: đề xuất, thử nghiệm, và thực hiện phương pháp khoa học đo lường và giám sát phát thải khí nhà kính trong các ao nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam; thí điểm mô hình nuôi trồng thuỷ sản tuần hoàn nhằm giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo tại 153 hộ nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ tại một số địa phương, khuyến khích thực hành nuôi trồng thủy sản tự nhiên dưới rừng ngập mặn tại các cộng đồng, hướng tới mục tiêu các chính sách mới giảm lượng khí thải từ nuôi trồng thủy sản ít nhất 20% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường (BAU).

Nhân rộng các thực hành tốt để thúc đẩy phát triển cộng đồng bền vững
Mô hình trồng rau hữu cơ

Về Chương trình xây dựng cộng đồng với sinh kế bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, các dự án đang được triển khai bao gồm: 180 hộ gia đình ở huyện Kế Sách và TP. Trà Vinh thực hiện các mô hình sinh kế thích ứng với khí hậu. 167 hộ thu được lợi nhuận, 41 giải pháp thay thế sinh kế được nhân rộng mà không cần hỗ trợ tài chính của Dự án; 6 Kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRMP) được xây dựng và lồng ghép vào Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (SEDP) tại 6 xã dự án.

Tính đến tháng 6/2022, có 608 người đã được bảo vệ khỏi thiệt hại về tài sản và mất đất do triều cường, lũ lụt và sạt lở đất; 1.400 người sống gần rừng có thể phát triển sinh kế bền vững từ nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường trong rừng ngập mặn; 105 ha rừng ngập mặn sẽ được trồng, góp phần giảm tác động tiêu cực của thiên tai và nâng cao khả năng chống chịu bằng các giải pháp tự nhiên; 8 Nhóm sinh kế dựa vào cộng đồng (CBLGs) với 200 thành viên đã được thành lập kể từ khi triển khai Dự án.

Chia sẻ về nỗ lực hợp tác của AAV, AFV trong các dự án triển khai với sự hỗ trợ của BfdW để đồng hành cùng người dân tốt nhất trong quá trình thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện AAV cho biết, các dự án tập trung vào các vấn đề lớn bao gồm: tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tới sinh kế truyền thống của người dân các địa phương; vấn đề di dân, tìm sinh kế thay thế cùng các vấn đề chính sách an sinh cho các nhóm cộng đồng; tác động về mặt sức khỏe và tinh thần đối với cộng đồng, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em.

Nhân rộng các thực hành tốt để thúc đẩy phát triển cộng đồng bền vững
Hỗ trợ mô hình điện mặt trời cho nuôi tôm thâm canh

“Các chương trình hợp tác của AAV, AFV với BfdW và các đối tác đang cố gắng giải quyết phần nào tác động của biến đổi khí hậu,cũng như tìm phương cách có sinh kế thay thế cho người dân. AAV tiếp cận câu chuyện sinh kế từ nhiều hướng, coi đây là mục tiêu ưu tiên để hỗ trợ cộng đồng có giải pháp lâu dài thông qua các giải pháp và mô hình trồng trọt, chăn nuôi, phát triển rừng và bảo vệ đê kè. Các dự án hợp tác đã có một số mô hình điển hình thành công được địa phương quan tâm nhân rộng phát triển. Chúng tôi rất mong tiếp tục có các cơ hội hợp tác với Chính phủ, các tổ chức tài trợ, cộng đồng và cơ quan địa phương để tìm ra giải pháp khả thi, có thêm thời gian và nguồn lực để thử nghiệm và nhân rộng một số mô hình đa dạng và phù hợp hơn, góp phần đa dạng hóa sinh kế cho người dân tại nhiều địa phương./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư