Thấy gì từ đầu tư và hiệu quả đầu tư?

16:25 | 24/10/2022 Print
Vốn đầu tư là yếu tố trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vốn đầu tư không chỉ là số lượng (quy mô) vốn, thể hiện ở tỷ lệ vốn/GDP, mà quan trọng hơn là hiệu quả đầu tư.

Kết quả tích cực

Kết quả tích cực về đầu tư và hiệu quả đầu tư trong 9 tháng 2022 được thể hiện trên nhiều mặt. Trong đó, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP đã tăng lên qua các quý (Biểu đồ 1).

Biểu đồ 1: Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP (%)

Thấy gì từ đầu tư và hiệu quả đầu tư?
Nguồn: Tổng cục Thống kê và dự báo của tác giả

Đà tăng của tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP đã góp phần làm cho tốc độ tăng GDP so với cùng kỳ năm trước tăng cao qua các quý (quý I tăng 5,12%, quý II tăng 7,83%, quý III tăng 13,67%, 9 tháng tăng 8,83%). Đây là tín hiệu khả quan để cả năm tăng trên 7%, thậm chí tăng trên 7,5% - cao hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và đứng hàng đầu trong khu vực.

Cơ cấu vốn đầu tư theo nguồn trong 9 tháng năm 2022 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.

Vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước 9 tháng chiếm tỷ trọng cao nhất (57,6%) trong 3 nguồn và đạt tốc độ tăng khá (10%).

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước có xu hướng tăng qua các quý: quý I đạt 76,1 nghìn tỷ đồng; quý II đạt 115,3 nghìn tỷ đồng; quý III đạt 143,1 nghìn tỷ đồng; tính chung 9 tháng đạt 334,5 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ vốn thực hiện so với kế hoạch cả năm của một số bộ/ngành, địa phương như: Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải; Quảng Ninh; Thanh Hóa; Quảng Nam; Hòa Bình… cao hơn tỷ lệ chung của các nước.

Vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh tăng khá (29,9%); góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng (1,9%); vốn thực hiện đạt quy mô lớn (15,43 tỷ USD), tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm trước.

Kết quả tích cực về đầu tư không chỉ thể hiện ở quy mô vốn, cơ cấu nguồn vốn, còn thể hiện ở hiệu quả đầu tư. Hiệu quả đầu tư biểu hiện ở hệ số ICOR (thường được tính cho thời gian dài hơn, nhưng có thể tạm tính cho các kỳ ngắn để thấy được tiến độ dự báo cho thời gian dài hơn) để có giải pháp điều hành kịp thời.

ICOR phản ánh, để tăng 1 đồng GDP (giá so sánh), phải đầu tư bao nhiêu vốn đầu tư phát triển (giá so sánh). Theo đó, ICOR cao thì hiệu quả đầu tư thấp, ICOR thấp thì hiệu quả đầu tư cao. ICOR tăng thì hiệu quả đầu tư giảm, ICOR giảm thì hiệu quả đầu tư tăng. ICOR một số năm qua được thể hiện ở Biểu đồ 2.

Biểu đồ 2: ICOR qua một số năm (Lần)

Thấy gì từ đầu tư và hiệu quả đầu tư?
Nguồn: Tổng cục Thống kê và dự báo của tác giả

Theo đó, từ 2019 trở về trước, hệ số ICOR tương đối thấp (tức là hiệu quả đầu tư cao), nên tốc độ tăng GDP khá cao, đạt đỉnh vào năm 2018 và 2019. Năm 2020, 2021, ICOR cao gấp trên dưới 2,5 lần 2 năm trước, tức là hiệu quả đầu tư thấp và giảm, chủ yếu do đại dịch Covid-19 khởi phát từ năm 2020, bùng phát vào năm 2021, nên tăng trưởng GDP 2 năm này rơi xuống “đáy” trong 30 năm qua.

Năm 2022, mặc dù tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP thấp hơn mấy năm trước, nhưng do hệ số ICOR thấp và giảm xuống (nên hiệu quả đầu tư cao) và góp phần làm cho tăng trưởng GDP tăng cao.

Hiệu quả đầu tư tăng cao do nhiều nguyên nhân. Trong đó, một phần nguyên nhân do chiến lược phòng chống đại dịch có sự chuyển đổi theo hướng mở cửa để hồi phục kinh tế - xã hội…, góp phần làm cho tăng trưởng GDP cao gấp 2-3 lần tốc độ tăng của 2 năm trước. Khi GDP tăng cao, có nghĩa là mức tăng tuyệt đối của GDP cũng tăng lên.

Mức tăng GDP (theo giá so sánh) năm 2020 chỉ đạt 139,44 nghìn tỷ đồng, năm 2021 chỉ đạt 128,23 nghìn tỷ đồng, cộng mức tăng của cả 2 năm vẫn thấp hơn mức tăng của năm 2019 (333,58 nghìn tỷ đồng) trước đại dịch Covid-19. Nếu tốc độ tăng GDP của năm 2022 đạt được như dự báo (7%), thì GDP (giá so sánh) 2022 đạt khoảng 5.500 nghìn tỷ đồng và mức tăng so với năm 2021 đạt khoảng 360 nghìn tỷ đồng, là mức cao nhất từ trước đến nay. Mức tăng GDP tính theo giá so sánh cao, trong khi mức tăng về vốn đầu tư tính theo giá so sánh 2022 thấp hơn nhiều và tuy không cao hơn mức tăng của mấy năm trước (dự báo vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 tính theo giá thực tế 9 tháng tăng, ước tính theo giá so sánh tăng khoảng 7% - cao hơn tốc độ tăng của 2 năm trước (năm 2020 tăng 3,5%, 2021 tăng 0,02%) và quy mô tuyệt đối đạt khoảng 2.132 nghìn tỷ đồng, tăng 139,5 nghìn tỷ đồng. ICOR năm 2022 sẽ đạt khoảng 5,92 lần, tuy chưa thấp bằng các năm 2018, 2019, nhưng thấp xa so với các năm 2020, 2021, tức là hiệu quả đầu tư đã cao hơn nhiều so với các năm 2020, 2021, tăng lên gần bằng với mức trước đại dịch.

Hạn chế, thách thức

Bên cạnh những kết quả tích cực, đầu tư trong 9 tháng cũng còn những hạn chế và đứng trước những thách thức không nhỏ.

Hạn chế rõ nhất là vốn đầu tư công thực hiện còn chậm so với kế hoạch. Tỷ lệ thực hiện sau 9 tháng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước so kế hoạch còn thấp (đạt 58,7%), trong đó vốn trung ương đạt còn thấp hơn (53,8%).

Một số bộ, ngành ghi nhận vốn đầu tư công thực hiện còn đạt khá thấp, như: Bộ Y tế (33,9%); Bộ Giáo dục và Đào tạo (36,5%); Bộ Khoa học và Công nghệ (43,8%), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (43,1%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (45,7%)... Vốn thực hiện ở địa phương đạt cao hơn (59,9%), nhưng cũng có một số địa phương đạt thấp như: TP. Hồ Chí Minh (44,9%), Vĩnh Phúc (50,2%), Thái Bình (53,5%), Hải Phòng (56,7%)… So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ vốn đầu tư công thực hiện ở một số bộ, ngành giảm, như: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương; một số địa phương giảm như: Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… Vốn đăng ký mới của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm sâu (43%).

Điều đó dẫn tới tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Các hạn chế này xuất phát từ nhiều yếu tố. Về mặt tư duy, theo các chuyên gia, nhà quản lý, điều hành ở các cấp, các ngành vẫn có sự “lưỡng lự” giữa “nới lỏng” và “thắt chặt” chính sách tài khóa, tiền tệ trước yêu cầu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Những năm tăng trưởng thấp, lạm phát thấp (tương ứng năm 2020 GDP tăng 2,91%, CPI tăng 3,23%, nhưng tín dụng tăng 12,17%; năm 2021 GDP tăng 2,58%, CPI tăng 1,84%, nhưng tín dụng tăng 13,6%), trong khi năm nay mục tiêu GDP cao hơn gấp đôi, CPI khoảng 4% (9 tháng mới tăng 2,73%), dư nợ tín dụng 9 tháng mới tăng 10,54% và định hướng cả năm giữ ở mức tăng 14% - cao hơn rất ít so với 2021. Ngân sách sau nhiều năm bội chi, đầu năm nay đã bội thu khá (9 tháng thu 1327,3 nghìn tỷ đồng, đạt 94% dự toán năm, tăng tới 22%; chi ngân sách 1.086,3 nghìn tỷ đồng, đạt 60,9% dự toán năm, tăng 5,4%, tính đơn giản bội thu đạt 241 nghìn tỷ đồng). Việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ, trong đó có gói cấp bù lãi suất 2% ngân sách rất chậm, làm xuất hiện tình trạng “tiền thừa mà không tiêu được”. Việc cẩn trọng là cần thiết, nhưng “lưỡng lự” thì cần phải xem xét.

Thách thức không nhỏ nữa là việc hấp thụ vốn của nền kinh tế, kể cả các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn do nợ xấu, nợ cũ, nợ dây chuyền, sở hữu chéo… Một thách thức khác do những khó khăn về công ăn việc làm, doanh nghiệp rời hoặc tạm thời rời thị trường còn nhiều, trong khi tâm lý tiết kiệm, thậm chí “thắt lưng buộc bụng” trong tiêu dùng trong hơn 2 năm đạt dịch nay vẫn còn là tình trạng phổ biến. Ngoài ra, các thách thức còn đến từ yếu tố tỷ giá VND/USD trước việc điều chỉnh mạnh và trái chiều tỷ giá của nhiều nền kinh tế; CPI của nhiều nền kinh tế lớn ở mức cao nhất 30-40 năm...

Những giải pháp chủ yếu

Trước hết, cần khắc phục tình trạng “lưỡng lự” hoặc sợ tăng “nóng” về tư duy. Tăng trưởng GDP cao có một phần quan trọng do gốc so sánh thấp, chứ thực chất chưa phải là tăng nóng. CPI của Việt Nam cuối năm có thể tăng cao, nhưng vẫn thuộc nhóm nước tăng thấp nhất thế giới, chủ yếu do tiêu thụ trong nước thấp, mà tiêu thụ thấp có một phần là công ăn việc làm, thu nhập chưa phục hồi…

Bên cạnh đó, thực hiện nhanh các gói hỗ trợ, trong đó đặc biệt quan tâm đến gói cấp bù lãi suất. Nếu thực hiện chậm, khi lạm phát cao lên, gây sức ép làm tăng lãi suất cho vay, thì việc cấp bù lãi suất giảm ý nghĩa, bởi lãi suất vay ngân hàng không giảm được bao nhiêu so với trước!

Mặt khác, cần thực hiện một bước sự nới lỏng chính sách tài khóa – tiền tệ, trong đó có một số giải pháp quan trọng.

Đối với chính sách tài khóa, có thể xem xét giảm một số loại thuế suất, như thuế giá trị gia tăng thêm 1%, bỏ hoặc giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, giảm thuế suất thuế thu nhập cao…

Đối với chính sách tiền tệ, nới rộng thêm tốc độ tăng dư nợ tín dụng cả năm (lên khoảng 16%); các ngân hàng cân nhắc không tăng lãi suất cho vay, thậm chí còn phải giảm lãi suất cho vay; giảm, dãn, hoãn một số khoản cho vay, nhất là những doanh nghiệp có hiệu quả tốt, những ngành/lĩnh vực trọng điểm… Tăng tỷ giá VND/USD so với tháng 12/2021 (từ mức tăng 2,87% sau 9 tháng lên khoảng trên dưới 3,5% vào cuối năm); nhưng vẫn kiên định phương thức tỷ giá trung tâm (trườn bò), tránh giật cục, vừa để tránh đón lõng đầu cơ, vừa để thích hợp với tín hiệu của thị trường và quy định lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0%. Rà soát việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do, kể cả các đại lý của ngân hàng; quy định chặt chẽ hơn để tránh “chảy máu” ngoại tệ qua các kênh để nhập lậu, qua biên giới…/.

Trần Đào

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư