Một số nội dung cần nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

11:46 | 02/11/2022 Print
Bài viết đi sâu nghiên cứu vai trò của kinh tế tập thể nói chung, hợp tác xã (HTX) nói riêng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước và sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012; đề xuất một số nội dung cần nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đối với sự phát triển của kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng. Cả trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cho đến những năm đổi mới phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; HTX vẫn là nhân tố rất quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước và của từng địa phương. Cụ thể là:

- Giai đoạn 1955 - 1986, HTX được xác định là một trong hai hình thức tổ chức kinh tế chính thức ở Việt Nam (kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể). Cuối năm 1986, cả nước đã có 73.470 HTX.

- Giai đoạn 1987 - 1996, kinh tế tập thể cùng với kinh tế Nhà nước được coi là hình thức kinh tế chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ khó khăn nhất trong quá trình phát triển HTX ở nước ta. Cuối năm 1996, cả nước chỉ còn 18.607 HTX.

- Giai đoạn 1997 - 2012 bắt đầu thực hiện chuyển đổi HTX từ mô hình HTX kiểu cũ (mang nặng tính hành chính, bao cấp) sang mô hình HTX kiểu mới (mang tính tự chủ, thị trường) theo Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

- Giai đoạn 2013 đến nay đánh dấu sự phục hồi của kinh tế HTX cả về chất lượng và số lượng theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Mô hình HTX kiểu mới đã phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của cả nước.

SỰ CẦN THIẾT PHẢI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT HỢP TÁC XÃ NĂM 2012

Luật HTX năm 2012 ra đời tuy đã khắc phục những hạn chế của HTX kiểu cũ, tạo ra sức bật mới cho kinh tế tập thể và HTX phát triển trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng cũng cho thấy không ít các hạn chế, bất cập đến từ các quy định của các văn bản pháp luật, cũng như từ quá trình tổ chức triển khai thi hành Luật. Cụ thể là vướng mắc về tính thống nhất, hiệu lực của các quy định và tổ chức thi hành Luật HTX. Hiệu quả của Luật HTX chưa cao, dẫn đến đóng góp vào GDP của nền kinh tế thấp và liên tục giảm, số lượng thành viên bị sụt giảm đáng kể; hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập của người lao động đã cải thiện nhưng còn thấp; năng lực huy động vốn của HTX rất hạn chế, khả năng thích ứng với yêu cầu mới của quá trình hội nhập rất khó khăn.

Mục tiêu xây dựng dự án Luật HTX (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại trong quá trình hội nhập, phát triển thành viên; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX; tạo điều kiện thuận lợi để các HTX phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất HTX; thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào khu vực kinh tế tập thể, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN NGHIÊN CỨU, BỔ SUNG TRONG DỰ THẢO LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

Một là, giữ nguyên tên “Luật Hợp tác xã”, không dùng tên “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác”. Trong dự thảo “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác” có đưa ra khái niệm: “Tổ chức kinh tế hợp tác là tổ chức kinh tế thuộc thành phần kinh tế tập thể do các cá nhân, tổ chức đăng ký thành lập theo quy định của Luật này và hợp tác tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội. Các tổ chức kinh tế hợp tác bao gồm: tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và liên đoàn HTX”. Khái niệm này chưa thực sự thuyết phục về mặt lý luận; chưa gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và chưa tương thích với Luật HTX của một số nước phát triển. Bởi vì:

(i) Về cơ sở lý luận và tính pháp lý

Khái niệm “Tổ chức kinh tế hợp tác” quy định tại điểm 28 của Điều 4 dự thảo Luật chưa đảm bảo cơ sở lý luận và tính pháp lý bởi các lý do sau:

- Trong kinh tế học có định nghĩa Kinh tế hợp tác là một quan hệ kinh tế tự nguyện, phối hợp, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các chủ thể kinh tế, kết hợp sức mạnh của từng thành viên với ưu thế sức mạnh tập thể để giải quyết tốt hơn những vấn đề của sản xuất, kinh doanh và đời sống kinh tế, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và lợi ích của mỗi thành viên. Như vậy, trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, thì các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (Doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn) đều là Kinh tế hợp tác vì đều có mối quan hệ tự nguyện, phối hợp, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các chủ thể kinh tế thông qua Điều lệ công ty (quy định tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2021).

- Khái niệm “Tổ chức kinh tế”; theo Điều 3, Luật Đầu tư năm 2020 quy định: “Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; gồm doanh nghiệp, HTX, liên hiệp hHTX và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”. Như vậy “Tổ hợp tác” không phải là một tổ chức kinh tế. Khái niệm “Tổ chức kinh tế hợp tác” phải có nội hàm trùng hoặc hẹp hơn khái niệm “Tổ chức kinh tế”.

- Luật HTX năm 2012 có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng là các HTX và Liên hiệp HTX. Như vậy phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật HTX năm 2012 không trùng với đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng của Luật Doanh nghiệp và phù hợp với Luật Đầu tư năm 2020.

Từ các cơ sở lý luận nêu trên có thể khẳng định: “Các tổ chức kinh tế hợp tác” hiện nay ở nước ta gồm các HTX, liên hiệp HTX (hoạt động theo Luật HTX năm 2012) và các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2021); Khái niệm “Tổ chức kinh tế hợp tác” nêu trong dự thảo chưa chuẩn.

(ii) Về tính thực tiễn

- Các tổ hợp tác có vai trò rất quan trọng trong thời kỳ bao cấp; nhưng từ năm 2012 khi Luật HTX kiểu mới ra đời; trên địa bàn các tỉnh, thành phố thì hầu như chỉ còn sự hoạt động của các HTX và Liên hiệp HTX. Lý do là với sự phát triển của kinh tế thị trường và sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật, các “Tổ hợp tác” ở các địa phương hoặc là đăng ký thành lập “HTX kiểu mới” (có từ 7 thành viên trở lên) hoặc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (có từ 2 thành viên trở lên). Mối quan hệ trước đây là sự thỏa thuận, giao kèo giữa các thành viên; mối quan hệ này là sự hợp tác thông qua Điều lệ công ty hoặc Điều lệ HTX trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật.

- Trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay ở nước ta, các tập đoàn, các tổng công ty đều có các “vệ tinh” hay “chân rết” là HTX dịch vụ nông nghiệp hoặc liên hiệp HTX dịch vụ với nhiệm vụ là đầu mối thu mua nông sản, quản lý các quy trình sản xuất, trực tiếp hướng dẫn người nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới, quản lý thương hiệu sản phẩm, cung cấp các dịch vụ đầu vào và đầu ra cho kinh tế hộ... Vì vậy chưa cần thiết phải hình thành Liên đoàn HTX.

Theo các số liệu Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến về vấn đề phát triển kinh tế tập thể, HTX (ngày 15/02/2022); tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 27.342 HTX, tăng 16.420 HTX (gấp 2,5 lần so với năm 2001); khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động. Trong đó, có 18.327 HTX nông nghiệp, chiếm 67,03% và 79 liên hiệp HTX nông nghiệp. Không có số liệu về tổ hợp tác và liên đoàn HTX. Như vậy, trên thực tế, tại các tỉnh, thành phố hầu như không còn “tổ hợp tác” hoạt động và cũng chưa có liên đoàn HTX nào được thành lập. Do đó, không cần thiết phải có một bộ luật để điều chỉnh hoạt động của các đối tượng này (đối tượng hầu như không còn và đối tượng chưa có).

(iii) Về quan hệ quốc tế

Hầu hết các nước cũng chỉ có 1 bộ luật HTX. Nếu dự thảo lấy tên là Luật HTX (sửa đổi) sẽ thuận lợi khi ký các Hiệp ước thương mại hoặc các văn bản hợp tác, bởi các bên đều viện dẫn các điều khoản cam kết theo Luật HTX của mỗi bên. Tại Phần Lan, Mỹ và Nhật Bản chỉ có 1 bộ luật HTX; cụ thể là:

- Tại Phần Lan, nơi được xem là “quê hương” của HTX, mô hình kinh tế nay đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối người dân nông thôn và nghề nghiệp của họ với kinh tế thị trường và quá trình công nghiệp hóa được diễn ra nhanh chóng. Phạm vi hoạt động của HTX theo Luật HTX của Phần Lan rất rộng, gần như trải rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đến mức hiện nay hầu như mỗi người dân Phần Lan đều có quan hệ với HTX trong một hay nhiều lĩnh vực của đời sống. Các HTX ở Phần Lan thường giữ thị phần cao trong các lĩnh vực then chốt, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp lương thực, ngân hàng - bảo hiểm, thương mại nông nghiệp và bán lẻ.

- Tại Mỹ, theo số liệu của Liên minh HTX Quốc tế, đến năm 2020 đã có gần 50.000 HTX với khoảng 150 triệu thành viên. Các HTX nông nghiệp (3.500 HTX) đóng vai trò quan trọng, đảm nhận gần 1/3 công việc thu hoạch, chế biến và thương mại nông nghiệp. Tổng doanh thu của các HTX này vào khoảng trên 100 tỷ USD, trong đó 1/3 thuộc về 100 HTX lớn nhất. Các HTX ở Mỹ rất mạnh trong ngành công nghiệp sản xuất bơ sữa, ví dụ như: HTX Dairy Farmers of America (DFA) với doanh số khoảng 16 tỷ USD/năm.

- Ở Nhật Bản, HTX đang là nhân tố tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế. Các loại hình tổ chức HTX ở Nhật Bản bao gồm: HTX nông nghiệp và HTX tiêu dùng. Các HTX nông nghiệp ở Nhật Bản có mặt ở hầu hết các làng mạc, thành phố, thị trấn. HTX nông nghiệp thực hiện hai nhiệm vụ chính: (1) cung cấp cho nông dân các yếu tố “đầu vào” phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, như phân bón, hóa chất nông nghiệp, trang thiết bị, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi gia súc...; (2) giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng cách thu gom, bảo quản, dự trữ, bán các nông sản, vật tư dựa vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm quốc gia và quốc tế. HTX nông nghiệp là kênh tiêu thụ nông sản chính cho nông dân (gần 90% lúa gạo; trên 50% rau, hoa quả, sữa tươi).

Hai là, chỉnh sửa cách tiếp cận nội dung dự thảo Luật. Bên cạnh cơ bản giữ nguyên các nội dung của Luật HTX số 23/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, cần điều chỉnh, bổ sung thêm một số điều và nội dung sau khi được sửa thành “Luật Hợp tác xã” (sửa đổi). Cụ thể là bỏ toàn bộ các cụm từ và các nội dung liên quan đến “Tổ hợp tác” và “Liên đoàn HTX” trong dự thảo khi đã thống nhất tên gọi “Luật Hợp tác xã” (sửa đổi).

Ba là, bổ sung nội dung tại khoản 1, Điều 19 về Chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn. Cụ thể là, đối với các tỉnh miền núi và địa bàn khó khăn: khuyến khích các trí thức trẻ có có trình độ từ đại học trở lên, có chuyên ngành phù hợp đến làm việc có thời hạn tại các HTX, liên hiệp HTX. Trong thời gian đến làm việc tại các HTX, liên hiệp HTX sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền công và được hưởng một số chính sách ưu đãi do cơ quan có thẩm quyền quy định. Trong thực tế nhiều địa phương đã và đang thực hiện chính sách này, trong đó có tỉnh Sơn La.

Bốn là, đề nghị bổ sung điểm b, Khoản 5, Điều 19. Cụ thể như sau: Hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, quản trị sản xuất và lưu thông sản phẩm thông qua xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, cung cấp thiết bị đầu cuối và các phần mềm, ứng dụng dùng chung (thêm cụm từ ứng dụng thương mại điện tử). Bởi: (i) Chuyển đổi số là nền tảng phát triển của chính quyền điện tử, kinh tế số và xã hội số. Thương mại điện tử là một bộ phận cấu thành của kinh tế số. Vì vậy, việc hỗ trợ tổ chức kinh tế hợp tác thực hiện chuyển đổi số phải đồng thời với hỗ trợ việc ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; (ii), bán hàng trực tuyến, kết nối thương mại điện tử đang là phương thức đem lại hiệu quả đối với việc tiêu thụ nông sản của các hộ nông dân và các HTX; trong đó có tỉnh Sơn La. Trên thực tế, đây là vấn đề mới đối với các HTX ở khu vực nông thôn và các tỉnh miền núi; đang rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và hỗ trợ trang thiết bị để thực hiện nội dung này.

Năm là, bổ sung Điều 108 về nội dung quản lý nhà nước. Các nội dung quản lý nhà nước đã có trong dự thảo: xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác trên quy mô cả nước và ở từng ngành, lĩnh vực, vùng và địa phương; xây dựng, ban hành, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách, giải pháp nhằm phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác; tổ chức, hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với tổ chức kinh tế hợp tác; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật đối với tổ chức kinh tế hợp tác; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức kinh tế hợp tác, cá nhân và tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật; hợp tác quốc tế về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác; xây dựng, quản lý và vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về tổ chức kinh tế hợp tác; các hoạt động quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật.

Tác giả kiến nghị bổ sung thêm các nội dung sau: (1) Thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của các HTX, Liên hiệp HTX đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của từng địa phương; (2) Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ và giám sát hoạt động của các HTX, Liên hiệp HTX trên địa bàn. Bởi trên thực tế, một số chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa nhận thức đúng về vai trò của HTX đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, dẫn đến sự thiếu quan tâm hoặc buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực này. Hơn nữa, bất cứ một HTX hay liên hiệp HTX sản xuất nào cũng có trụ sở làm việc và địa bàn hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với một hoặc một số xã (phường, thị trấn). Vì vậy, nếu chính quyền địa phương hoặc thiếu sự quan tâm tạo điều kiện, hoặc thiếu sự phối hợp trong công tác quản lý, giám sát hoạt động của các HTX và liên hiệp HTX, thì việc triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã (sửa đổi) khó có thể đem lại hiệu quả như kỳ vọng./.

Tài liệu tham khảo

1. Dự thảo trình Quốc hội về “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác”

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2022). Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (năm 2012) trong lĩnh vực nông nghiệp (tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 15/02/2022)

3. UBND tỉnh Sơn La (2021). Báo cáo số 420/BC-UBND, ngày 04/11/2021 về Tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX (năm 2012)

4. Chu Thị Hảo (2003). Quá trình phát triển HTX nông nghiệp ở Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội

5. Luật Hợp tác xã (2012), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

6. Tổng cục Thống kê (2021). Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội

TS. Nguyễn Minh Đức - Chuyên viên cao cấp

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư