e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Lừa đảo qua mạng là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam

12:03 | 04/11/2022 Print
Về vấn nạn lừa đảo qua mạng, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam.

Xử lý tin giả, thông tin xấu độc trên mạng có lúc còn chậm

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, sáng nay (ngày 4/11), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội chất vấn Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, theo Văn phòng Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An) cho biết, gần đây tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng qua mạng có chiều hướng gia tăng diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như: an ninh mạng, tài chính, ngân hàng, đất đai, công chứng còn sơ hở, thiếu sót, chưa có sự phối hợp chặt chẽ.

Vấn đề thứ hai, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên mặt trận phòng, chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý có lúc còn chậm, tạo cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, an ninh trật tự, quyền lợi và lợi ích của những tổ chức, cá nhân.

“Đề nghị Bộ trưởng làm rõ, với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ trưởng đã có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề trên?”, Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An nêu câu hỏi.

Lừa đảo qua mạng là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An) chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Cũng liên quan đến vấn đề “nóng” trên, Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) có 2 câu hỏi gửi đến Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Câu hỏi thứ nhất, ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng là việc không dễ dàng xử lý. Xử lý trường hợp đưa tin thất thiệt cũng rất vất vả, khó khăn và nếu xử lý không cẩn thận thì có thể dẫn đến tình trạng PR cho người muốn nổi tiếng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào triệt để, căn cơ nhất trong khi lực lượng của ngành Thông tin Truyền thông thì mỏng, mà chúng ta có hàng chục triệu tài khoản trên các mạng xã hội, trong đó nhiều tài khoản có địa chỉ ở nước ngoài?

Câu hỏi thứ hai, việc xử lý các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội được “báo hóa” hiện nay diễn ra như thế nào và tại sao lại khó khăn như vậy? Bộ trưởng có cam kết gì với đại biểu và cử tri để giải quyết triệt để tình trạng này?

Về vấn nạn lừa đảo qua mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới. Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để định nghĩa rõ các hành vi, quy định rõ quy trình xử lý hành chính, mức phạt để lực lượng công an xử lý.

“Để xử lý một cách căn bản, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công khai các đầu số điện thoại để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm. Bộ cũng tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin để rà quét, ngăn chặn các trang web có dấu hiệu lừa đảo; tập trung xử lý sim rác, xóa khỏi hệ thống những số thuê bao không có thông tin đầy đủ, hoặc thông tin không chính xác, đối soát thông tin qua cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia…”, ông Hùng cho hay.

Lừa đảo qua mạng là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông ứng dụng công nghệ thông tin để rà quét, ngăn chặn các trang web có dấu hiệu lừa đảo

Liên quan đến vấn đề tin giả, Bộ trưởng cho biết, trên không gian số, tin giả lan truyền rất nhanh, rất rộng. Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các nghị định quy định rõ hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan; hạ thời gian mà các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ. Về mức phạt đưa thông tin, hiện nay chúng ta tăng lên 3 lần, tuy nhiên so với các nước trên thế giới mức phạt của chúng ta chỉ bằng 1/10. Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe.

Nhấn mạnh việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn, Bộ trưởng cho rằng, giải pháp căn bản là cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của mọi bộ, ngành, các tổ chức, các gia đình. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng.

Về vấn đề báo hóa tạp chí, báo hóa trang thông tin, Bộ trưởng cho biết, hiện nay chúng ta đã công khai dấu hiệu, biểu hiện thế nào là một tạp chí báo hóa, một trang thông tin báo hóa để toàn dân cùng giám sát. Đảng, Nhà nước cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt để rà soát, kiểm tra, thanh tra, xử lý, tiến hành xử phạt, nhắc nhở, yêu cầu đối với nhiều cơ quan để đảm bảo từng bước giải quyết vấn đề này.

Chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia chưa đồng bộ

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông), hiện nay, việc xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương chưa có sự đồng bộ, thống nhất cao. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả. Do đó, chưa thật sự mang lại hiệu quả, thuận lợi cho người dân khi tiến hành các giao dịch có liên quan, thậm chí có những công việc gây phiền hà cho người dân. Ví dụ, vấn đề về sổ hộ khẩu mà chúng ta hay đề cập trong thời gian gần đây?

Lừa đảo qua mạng là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) chất vấn cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương chưa có sự đồng bộ

“Đâu là nguyên nhân của tình trạng trên, trách nhiệm và giải pháp của Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng như các bộ, ngành có liên quan nhằm khắc phục triệt để tồn tại này trong thời gian tới, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ số, chính quyền số nhằm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số của nước ta?”, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ trưởng cho biết, về kết nối cơ sở dữ liệu, hiện nay có 5 cơ sở dữ liệu quốc gia, 3 cơ ở dữ liệu chuyên ngành đang kết nối hiệu quả. Mỗi một ngày có khoảng 2 triệu giao dịch kết nối trung ương, địa phương và bộ, ngành với nhau. Tuy nhiên, có nhiều cơ sở dữ liệu khác đã xây dựng nhưng chưa kết nối, chia sẻ; một số cơ sở thông tin đã xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện kết nối. Thời gian tới Bộ tiếp tục xử lý vấn đề này, nhằm thúc đẩy và đảm bảo kết nối.

Đâu là giải pháp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số?

Theo Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (Thái Nguyên), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần phát biểu về vai trò và tầm quan trọng của nền tảng số, xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là giải pháp đột phá để thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Đâu là giải pháp để thúc đẩy xây dựng nền tảng số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam?

Về tình trạng chảy máu chất xám, đại biểu Lý Văn Huấn cho biết, những nhân tài lập trình, quản trị vì nhiều lý do, trong đó có lý do thu nhập, các doanh nghiệp nước ngoài trả gấp 5 lần, 7 lần, thậm chí 10 lần và trong khi tại các doanh nghiệp trong nước môi trường công tác, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu phát triển không đáp ứng. Vậy Bộ trưởng có những giải pháp gì để thu hút và giữ chân những nhân tài này?

Lừa đảo qua mạng là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam
Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) chất vấn, đâu là giải pháp để thúc đẩy xây dựng nền tảng số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đã xác định nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam. Nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực. Nếu như chúng ta không làm chủ các nền tảng số Việt Nam, người dân Việt Nam sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên các nền tảng số nước ngoài, thì khi đó dữ liệu bị thu thập. Dữ liệu số được gọi là tài nguyên.

“Bộ Thông tin truyền thông đặt trọng tâm phát triển các nền tảng. Theo đó, năm 2022 đã xây dựng xong và hoạt động khai thác 52 nền tảng số Việt Nam. Tín hiệu đáng mừng là trong năm 2022 này, đã có 500 triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam và chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt Nam và con số này đang tăng lên…”, Bộ trưởng chia sẻ.

Lừa đảo qua mạng là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tín hiệu đáng mừng là trong năm 2022 này, đã có 500 triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam

Về giải pháp đột phá, Bộ trưởng cho biết: “Có việc thì sẽ có người, có việc khó thì sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại thì sẽ có người vĩ đại”. Chảy máu chất xám nhân tài công nghệ thông tin là vấn đề được Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, bởi nhân tài là yếu tố quyết định trong việc làm chủ khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ…/.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư