Chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô cần tuyệt đối không lơ là, nâng cao năng lực dự báo...

22:56 | 05/11/2022 Print
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô cần tuyệt đối không lơ là, nâng cao năng lực dự báo, kiên định mục tiêu đã đặt ra…

Khắc phục tồn tại yếu kém, thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Trước khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội diễn ra chiều ngày 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ thông tin đa chiều về bức tranh kinh tế - xã hội, theo Văn phòng Quốc hội.

Thủ tướng cho biết, với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực của Chính phủ cùng sự đồng lòng chung sức của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, toàn thể nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng qua tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, thu ngân sách nhà nước tăng 16,2 % so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 14,1%.

“Thời gian tới, Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, khắc phục tồn tại yếu kém, thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đạt được những chỉ tiêu đã đề ra…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô cần tuyệt đối không lơ là, nâng cao năng lực dự báo...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ từng bước chỉ đạo nâng cao khung khổ pháp lý về thị trường chứng khoán

Về công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, theo Người đứng đầu Chính phủ, cần tuyệt đối không lơ là, nhưng cũng không hoang mang dao động, cần bình tĩnh, linh hoạt, nâng cao năng lực dự báo, kiên định mục tiêu đã đặt ra, đặt lợi ích của nhân dân lên trên cùng, củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần phục hồi, phát triển bền vững.

Về tăng năng suất lao động, Thủ tướng cho rằng đây là chính sách quan trọng, được đặc biệt quan tâm. Tốc độ tăng năng suất của nước ta chưa đủ nhanh để bắt kịp thế giới, do chất lượng nhân lực hạn chế, trình độ kỹ thuật lạc hậu… Cần có cơ chế, chính sách phù hợp để đào tạo nhân lực gắn với sự phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thị trường nhân lực hiện đại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh phong trào thi đua, cải cách tiền lương.

Liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, thời gian qua, Chính phủ từng bước chỉ đạo nâng cao khung khổ pháp lý về thị trường chứng khoán. Thủ tướng cho biết, đến nay thị trường vốn đã phát triển đầy đủ với quy mô tăng mạnh. Tuy nhiên, có hiện tượng tăng trưởng nóng, nhiều rủi ro. Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả để đảm bảo thị trường lành mạnh, bền vững. Thời gian tới, Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, tài chính, rà soát chấn chỉnh nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, góp phần phát triển bất động sản, nhà ở cho đối tượng yếu thế với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về điều hành giá và nguồn cung xăng dầu, Chính phủ đã có điều chỉnh kịp thời, chủ động chỉ đạo sản xuất hai nhà máy lọc dầu trong nước, đảm bảo nhu cầu của người dân. Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phòng chống buôn lậu, điều hành giá xăng dầu linh hoạt, nâng tổng mức dự trữ quốc gia, sửa đổi các quy định còn bất cập.

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Chính phủ đang thực hiện đồng bộ giải pháp để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, tình hình giải ngân vẫn chưa đạt yêu cầu, số vốn chưa giải ngân còn khá lớn. Việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% còn rất chậm.

Theo Thủ tướng, những hạn chế này xuất phát từ công tác lập kế hoạch vốn, chuẩn bị đầu tư ở một số cơ quan chưa sát với thực tế, quy trình thủ tục mất thời gian, sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ, người đứng đầu e ngại trách nhiệm. Chính phủ đang khắc phục những hạn chế, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác này.

Về tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn có tâm lý sợ trách nhiệm, quy định pháp luật còn vướng mắc. Để sớm khắc phục tình trạng này, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu kỹ càng, rà soát tổng thể, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật bất cập, đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của người đứng đầu, đẩy mạnh kiểm tra giám sát, đảm bảo công tác đấu thầu minh bạch, khách quan.

Đẩy nhanh tiến bộ khoa học, chuyển đổi số

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (TP. Cần Thơ) cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, phần tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP hiện nay là khoảng 10%. Chúng ta đang đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng này đạt được khoảng 30%. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến 2030 còn rất ít, khoảng 8 năm để thực hiện được mục tiêu. Đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có những giải pháp như thế nào để đạt được mục tiêu về kinh tế số nêu trên?

Chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô cần tuyệt đối không lơ là, nâng cao năng lực dự báo...
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (TP. Cần Thơ) đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có những giải pháp như thế nào để đạt được mục tiêu về kinh tế số?

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số là xu thế, được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Kinh tế số sẽ len lỏi vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, nên cần tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng thể chế phù hợp, khả thi, đảm bảo phát triển đúng hướng, bền vững, nhanh, kiểm soát những điều chưa đúng hướng, chưa lành mạnh.

Nhấn mạnh con người là chủ thể, động lực cho sự phát triển, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần có giải pháp tăng cường nguồn nhân lực, trong đó có quan tâm đến khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, không ai bị bỏ lại phía sau trong phát triển chuyển đổi số. Nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số, cần huy động nguồn lực lớn, cần dựa vào xã hội hóa, hợp tác công tư, vay vốn nước ngoài để đáp ứng tốc độ phát triển. Các cấp, các ngành đều phải tích cực nhập cuộc.

Cải cách thể chế phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan

Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về nội dung Thủ tướng cho biết những quan điểm chính, trụ cột trong cải cách thể chế là gì?, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, cải cách thể chế phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và tôn trọng thực tiễn khách quan, phục vụ lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể.

Chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô cần tuyệt đối không lơ là, nâng cao năng lực dự báo...
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, cải cách thể chế phải phục vụ lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm

Các trụ cột cần tập trung vào là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với quan điểm xuyên suốt lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển.

“Mỗi tháng Chính phủ đều tổ chức phiên họp chuyên đề bàn về cách thể chế, bàn về xây dựng pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã xem xét gần 70 luật và đang trình Quốc hội hơn 10 dự án luật…”, Thủ tướng cho biết.

Nêu cao tinh thần gương mẫu trong việc tiếp công dân của người đứng đầu

Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công (Thái Nguyên), tại Báo cáo giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân trong giai đoạn 2016-2021 nhận định, thời gian qua, việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu các cơ quan hành chính một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tiếp công dân, không đối thoại với dân, thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong việc giải quyết, dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành những vụ việc tồn đọng kéo dài. Đề nghị Thủ tướng có giải pháp khắc phục dứt điểm tình trạng trên?

Chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô cần tuyệt đối không lơ là, nâng cao năng lực dự báo...
Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) đề nghị Thủ tướng có giải pháp khắc phục dứt điểm tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tiếp công dân

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giải pháp đặt ra là cần rà soát việc quy định liên quan đến quy chế, pháp luật còn phù hợp với thực tiễn hay không; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong việc tiếp công dân, cần thể hiện tinh thần trách nhiệm, không né tránh, đặc biệt nêu cao tinh thần gương mẫu trong việc tiếp công dân của người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiếp công dân…/.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư