ActionAid tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam sau 30 năm vì mục tiêu phát triển bền vững

17:39 | 08/11/2022 Print
Lễ “Ký thỏa thuận hợp tác và chào mừng 30 năm ActionAid cùng Việt Nam phát triển bền vững” vừa diễn ra tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng nhân dịp kỷ niệm 30 năm tổ chức ActionAid Quốc tế có mặt tại Việt Nam và cùng tiếp tục hợp tác thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội cho người dân Việt Nam, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại sự kiện, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện tổ chức ActionAid tại Việt Nam (AAV) cho biết, ActionAid là một Liên đoàn quốc tế thành lập tại Vương quốc Anh năm 1972 với sứ mệnh chấm dứt nghèo đói và bất công. ActionAid có các chương trình dài hạn tại hơn 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á – Thái Bình Dương. ActionAid bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1989. Năm 1992, ActionAid bắt đầu đăng ký mở Văn phòng đại diện tại Việt Nam và liên tục hoạt động tích cực từ đó tới nay.

ActionAid tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam sau 30 năm vì mục tiêu phát triển bền vững
Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện AAV phát biểu tại sự kiện

Tính đến 2022, ActionAid đã duy trì Văn phòng Đại diện tại Việt Nam liên tục 30 năm với các chương trình phát triển dài hạn tại các khu vực miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực nghèo đô thị. AAV thực hiện các cam kết của mình thông qua các chương trình ưu tiên, hướng tới xây dựng mô hình phát triển bền vững tại Việt Nam, bao gồm: Hỗ trợ người dân cải thiện sinh kế thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu và xây dựng cộng đồng an toàn; tăng cường quyền tiếp cận với dịch vụ công có nhạy cảm giới của người dân; góp phần nâng cao năng lực cho đối tác, cộng đồng và các tổ chức xã hội vì công lý xã hội.

Hoạt động tại Việt Nam trong 3 thập kỷ, với tổng ngân sách đạt 49.865.000 Bảng Anh, tương đương 2.545 tỷ đồng, AAV đã hỗ trợ trực tiếp hàng chục triệu lượt người trên khắp cả nước, đặc biệt tập trung vào các nhóm phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người bị thiệt thòi và không được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Trung bình, mỗi năm, các chương trình do AAV tài trợ hoặc đồng tài trợ đã đến với gần 4,6 triệu người. Riêng trong năm 2022, AAV đã hỗ trợ trực tiếp 450.000 người tại địa bàn các tỉnh khó khăn thuộc miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Trong 20 năm đầu tiên làm việc tại Việt Nam, những chương trình đặc biệt làm nên bản sắc AAV là sự tích cực tham gia xây dựng năng lực cho cộng đồng, đối tác địa phương và ủng hộ nhiệt tình việc đưa hình ảnh, tiếng nói, kinh nghiệm của Việt Nam đến với bạn bè trên toàn thế giới. Đáng chú ý, các kết quả đạt được có thể kể đến trên các lĩnh vực sau:

Đào tạo và xây dựng cán bộ nòng cốt các cấp cho 30 tỉnh, thành trong cả nước, riêng trong năm 2012 tham gia hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho dự án đào tạo 600 phó chủ tịch xã cho các xã vùng khó khăn. Ít nhất đã có 214 nữ cán bộ các cấp được đào tạo và trưởng thành từ các chương trình của AAV, có nhiều người là dân tộc thiểu sổ, từ chỗ không biết chữ nay đã được giữ nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương, được người dân tín nhiệm bầu làm thành viên HĐND hoặc giữ các chức vụ quan trọng tại UBND cấp xã, huyện, tỉnh; Trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để thành lập, duy trì và phát triển gần 20 tổ chức phi chính phủ địa phương, từ cấp huyện, tỉnh đến cấp quốc gia...

ActionAid tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam sau 30 năm vì mục tiêu phát triển bền vững
Hoạt động đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

AAV là tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam đầu tiên thực hiện chiến dịch phản đối lệnh của Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên cá tra và cá ba sa của Việt Nam năm 2002, trong bối cảnh hầu như không có tổ chức quốc tế nào đứng ra làm việc này vì sự nhạy cảm của nó trong thời điểm đó. Thành công của chiến dịch này đã khích lệ AAV tiếp tục đoàn kết với Việt Nam, tham gia đấu tranh chống lệnh áp thuế chống bán phá giá tôm, giày da từ Việt Nam vào Mỹ và châu Âu tại các diễn đàn trong nước và quốc tế trong các năm tiếp theo.

Đặc biệt, chương trình “Xóa mù chữ và Phát triển cộng đồng” hay còn gọi là chương trình Reflect đã giúp gần 1 triệu lượt người thuộc nhiều thành phần dân tộc trong cả nước từ 15-60 tuổi biết chữ, biết nghề và xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình và cả cộng đồng của mình. Chương trình Reflect mà AAV khởi xướng tại Việt Nam đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là một trong những chương trình chính thức xóa mù chữ cho người lớn của quốc gia và nhận nhiều giải thưởng quốc tế bao gồm cả giải thưởng của UNESCO về phương pháp dạy xóa mù chữ tốt nhất cho người lớn trên toàn cầu.

Trong 10 năm gần đây, AAV đã chuyển mình cả về lượng và chất để theo kịp yêu cầu của cộng đồng các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam về việc nâng cao hiệu quả chương trình trong bối cảnh phức tạp của biến đổi khí hậu, biến động lớn của nền kinh tế thế giới, sự nổi lên của các mối đe dọa phi truyền thống, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và việc Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2010.

Đại diện AAV cho biết, các chương trình của AAV tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực có yếu tố mới, với cách tiếp cận mới nhưng vẫn luôn kiên định với mục tiêu đồng hành cùng Việt Nam hướng tới phát triển bền vững và công bằng xã hội.

“Cùng với các đối tác ở tất cả các cấp, chúng tôi đã nỗ lực đưa tiếng nói của người dân vào các chính sách, bộ luật rất quan trọng. Trong giai đoạn 2012-2022, một số các chính sách mà AAV và đối tác đã tham gia bao gồm: Xây dựng Luật Thanh niên năm 2015 (tập trung vào quyền tiếp cận các công việc thỏa đáng cho thanh niên và dạy nghề cho thanh niên dân tộc; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2010-2020 (tập trung vào xây dựng bộ tiêu chí cộng đồng an toàn, các chính sách chống quấy rối tình dục và bạo lực nơi làm việc, bộ số liệu đầu vào quốc gia về chăm sóc không lương); Luật Trưng cầu dân ý năm 2018; Báo cáo tự nguyện quốc gia về tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2018", bà Hoàng Phương Thảo cho biết.

Mô hình hoạt động của AAV luôn đề cao vai trò tiên phong lãnh đạo của chính quyền và người dân địa phương, do đó rất nhiều chương trình mà AAV đã bàn giao lại cho chính quyền và người dân địa phương sau nhiều năm vẫn tiếp tục được duy trì, nhân rộng và tạo hiệu quả. Có thể kể tới một số các chương trình rất thành công đã được AAV giới thiệu vào Việt Nam và chuyển giao, nhân rộng, đến nay vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả như: Chương trình xóa mù chữ phát triển cộng đồng Reflect; Chương trình tài chính vi mô; Mô hình Nhóm liên gia tự quản...

ActionAid tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam sau 30 năm vì mục tiêu phát triển bền vững
Họp chia sẻ kinh nghiệm giữa kiểm lâm và nhóm bảo vệ rừng cộng đồng trong mô hình người dân tham gia quản lý rừng bền vững

Trong 30 năm qua, AAV đã được Chính phủ và người dân Việt Nam đánh giá cao, trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen và các giải thưởng cao quý, trong đó có hai lần vinh dự được tặng Huân chương Hữu nghị - huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam cho một tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài.

Khẳng định cam kết tiếp tục đồng hành đóng góp vào công cuộc xóa nghèo và phát triển tại Việt Nam, bà Thảo chia sẻ, mặc dù Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, một số tổ chức đã thay đổi ưu tiên và dừng chương trình, nhưng AAV tiếp tục khẳng định cam kết lâu dài của mình với Việt Nam. Chiến lược Quốc gia lần thứ sáu (CSP VI) cho giai đoạn 2018-2022 đã được thực hiện thành công, mở ra định hướng cho những chương trình dài hạn ở giai đoạn tiếp theo (2023-2027). Chúng tôi kỳ vọng tiếp tục hợp tác với các đối tác, cộng đồng và đồng nghiệp trong giai đoạn then chốt để Việt Nam hoàn thành các cam kết quan trọng về phát triển kinh tế tuần hoàn, đạt phát thải bằng 0, hướng tới phát triển bền vững thông qua nâng cao vai trò lãnh đạo của cộng đồng, thanh niên và các tố chức của người dân...

ActionAid tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam sau 30 năm vì mục tiêu phát triển bền vững
Đại diện AAV cùng ký kết thỏa thuận hợp tác tiếp tục đồng hành với các đối tác tại các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc

Cùng với việc rà soát kết quả thực hiện Chương trình Ưu tiên Quốc gia lần thứ 6 (2018-2022) và Định hướng nội dung Chương trình ưu tiên 2023-2027, đại diện AAV đã ký kết thỏa thuận hợp tác tiếp tục đồng hành với các đối tác dài hạn tại các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc (Lâm Đồng, Đắk Lăk, Đăk Nông, Hà Giang...).

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, AAV và đại diện Ban Tổ chức đã tổng kết và trao giải chương trình “Cùng tiến bước vì tương lai” năm 2022 do Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), AAV và Ban quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Lâm Hà đồng tổ chức.

ActionAid tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam sau 30 năm vì mục tiêu phát triển bền vững
Đại diện chính quyền địa phương, AAV và các đối tác tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác

Đại diện Ban Tổ chức, ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ AFV nhấn mạnh: Phát huy tích cực lợi thế thanh niên là lực lượng đông đảo và phủ rộng đến từng cấp cơ sở, trình độ chuyên môn tốt và tinh thần trách nhiệm cao, chương trình “Cùng tiến bước vì tương lai” năm 2022 nhấn mạnh tầm quan trọng vai trò của thanh niên trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tại Việt Nam, cũng như các vấn đề toàn cầu khác. Chương trình tạo không gian sáng tạo cho các nhà vận động chính sách, quản lý dự án tương lai với mong muốn đóng góp sáng kiến về giải pháp dựa vào cộng đồng cho các chủ đề cấp thiết của xã hội, hướng tới SDGs tại Việt Nam như: giảm phát thải khí nhà kính; năng lượng sạch, giao thông và cơ sở hạ tầng công cộng bền vững; nói không với rác thải nhựa...

ActionAid tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam sau 30 năm vì mục tiêu phát triển bền vững
Hoạt động đạp xe vì môi trường cùng tiến bước vì tương lai

Chương trình được kết thúc với hoạt động đạp xe vì môi trường tại sự kiện để cổ vũ lối sống lành mạnh; khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; vận động tăng cường hỗ trợ tài chính để các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư